Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; đại diện Tổng hội người Việt Nam tại Lào; đại diện Thành hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn; đại diện lãnh đạo sở, ngành liên quan của Lào cùng đông đảo thầy cô, các bậc phụ huynh và các em học sinh nhà trường.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Sivanheuang Phengkhammay, Hiệu trưởng nhà trường cho biết mục đích của buổi lễ không chỉ là để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đến được gần hơn, thân thuộc hơn với mỗi học sinh trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du mà còn là dịp để chính các em truyền tải những nét đẹp văn hóa này đến với bạn bè quốc tế. Tết là dịp để mỗi người dân Việt Nam dù ở bất kỳ đâu trên Trái Đất này được đoàn tụ, trở về với cội nguồn và Tết đưa mọi người xích lại gần nhau hơn để giao lưu, cùng nhau tham gia các hoạt động như, gói bánh chưng, nấu mâm cỗ truyền thống...
Chia sẻ với các phóng viên TTXVN, em Nguyễn Thị Ly, một học sinh cuối cấp trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du cho biết em đã rất háo hức từ nhiều ngày trước và hôm nay em có mặt tại trường từ sáng sớm để trực tiếp tham gia làm mâm cỗ cùng với các thầy các cô. Em cũng được tự tay sắp những món ăn đó để tham gia cuộc thi mâm cỗ truyền thống mà nhà trường tổ chức. Em Ly bày tỏ: “Việc nhà trường tổ chức chương trình này rất ý nghĩa không chỉ đối với các em học sinh người Việt mà còn là để lan tỏa cho các bạn người Lào biết được phong tục Tết của Việt Nam”.
Em Trịnh Văn Hiền, một học sinh chia sẻ, năm nào nhà trường cũng tổ chức Tết, không chỉ em mà tất cả các học sinh cũng đều háo hức để chờ đến Tết Việt Nam. Các em học sinh không chỉ được tham gia biểu diễn và thưởng thức các tiết mục văn nghệ hấp dẫn, sôi nổi và nhiều hoạt động khác, từ đó các bạn của em sẽ biết được nhiều thêm về văn hóa của người Việt Nam.
Cũng tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng bày tỏ vui mừng khi các thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường đã và đang hội nhập sâu rộng vào xã hội Lào, nhưng vẫn luôn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh, qua những chương trình như thế này không chỉ giúp các em học sinh tìm hiểu về văn hóa, phong tục Tết cổ truyền Việt Nam mà còn để các em học sinh thấy ngày Tết cổ truyền luôn hết sức thiêng liêng. Tết là ngày của đoàn viên, Tết còn là để hướng về nguồn cội. Với người Việt xa quê, gìn giữ nét đẹp của Tết cổ truyền chính là gìn giữ văn hóa truyền thống, gìn giữ hồn cốt quê hương.
Nhân dịp này, Đại sứ Bá Hùng mong muốn các cháu học sinh luôn nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, ngoan ngoãn, chăm làm, chịu khó học tập, rèn luyện để trở thành “con ngoan, trò giỏi”, và cố gắng vượt qua mọi hoàn cảnh, biết yêu thương, chia sẻ, sống nhân ái, có ý thức trách nhiệm, hãy chinh phục tri thức, có khát vọng để không phụ sự quan tâm, tin yêu của gia đình, thầy cô để sau này trở thành những công dân tốt, người có ích cho xã hội. Đại sứ cũng đã trao 15.000.000 kíp (khoảng 17.600.000 đồng) cho nhà trường nhằm động viên và hỗ trợ phong trào học tiếng Việt.
Trong bầu không khí đầm ấm, vui tươi chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, các đại biểu cùng các thầy các cô và các em học sinh trường đã cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống đậm đà hương vị Tết cổ truyền của Việt Nam và đắm mình trong những giai điệu rộn ràng mừng Xuân quê hương.