Số người Việt tử vong do COVID-19 tại Nga từ đầu dịch đến giờ lớn hơn nhiều số ca người Việt tử vong do cùng nguyên nhân tại Việt Nam. Còn với Ukraine, nước có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, kinh tế khó khăn, người Việt vẫn phải ra chợ bán hàng để có tiền chi tiêu cho cuộc sống, chấp nhận nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ukraine cũng có rất nhiều người Việt đổ bệnh. Tuy nhiên, trong chính những thời khắc khó khăn đó, tinh thần đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của người Việt lại phát huy rất mạnh.
Ông Đào Đại Hải, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Thành phố St. Petersburg là một thành viên Ban chống dịch cộng đồng người Việt. Ông đã đồng hành hỗ trợ cộng đồng từ những ngày đầu dịch bùng phát. Có thể nói ông nắm rõ tất cả các vấn đề y tế, xã hội liên quan COVID-19, cũng như các sự cố về căn bệnh này của cộng đồng người Việt ở St. Petersburg.
Trong số gần 200 người Việt nhiễm COVID-19 ở St. Petersburg, đã có rất nhiều người được ông Hải tư vấn hay trấn an để vững tâm đối mặt với virus SARS-COV-2 nguy hiểm. Không chỉ am hiểu xã hội Nga, cộng đồng người Việt, ông Hải còn chịu khó nghiên cứu thông tin về COVID-19 trên truyền thông nước bạn. Chính vì thế ông am hiểu sâu sắc về căn bệnh này, và nhờ đó những lời khuyên của ông đầy tính thuyết phục.
Ông Hải từng chạy đôn chạy đáo để vận động Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga giải quyết các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn của cộng đồng ở St. Petersburg, giúp họ mua vé về nước do số người có nguyện vọng về rất đông. Trong khi đó, ông Hải chưa bao giờ đề cập đến ý muốn về Việt Nam để tránh rủi ro COVID-19.
Một thành viên khác của Ban chống dịch cộng đồng người Việt ở St. Petersburg cũng rất nhiệt tình là chị Trịnh Thị Đào, quê Quảng Ninh. Nhiều người Việt ở St. Petersburg nhiễm COVID-19 đã dành những cho chị Đào những lời cảm ơn chân thành. Không chỉ có tấm lòng nhân hậu, chị Đào còn có khả năng “xuất sắc” khi gọi cấp cứu để đưa người Việt nhiễm virus nhập viện. Hầu như các ca gọi cấp cứu “khó nhất” đến tay chị đều thành công. Trong những giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh, các bệnh viện phần đông đều quá tải, khả năng này là một lợi thế rất lớn, giúp cho những người Việt vốn giao tiếp tiếng Nga kém vẫn có thể nhận được sự quan tâm chăm sóc chu đáo của ngành y tế nước bạn.
Tại Ukraine, anh Nguyễn Văn Hùng, thành viên Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng người Việt tỉnh Odessa, cho biết tất cả các trường hợp người Việt nhiễm COVID-19 ở Odessa là khoảng 150 ca và đều được anh ghi chép lại đầy đủ, không sót một người. Chính vì thế, anh nắm rất rõ mọi biểu hiện của người bệnh. Không chỉ có vậy, anh Hùng còn có mối quan hệ tốt với các bác sĩ hàng đầu của Bệnh viện truyền nhiễm Odessa nên tất cả những người Việt bị ốm đều được khám chữa kịp thời và đầy đủ, dù là chữa bệnh tại nhà hay phải vào bệnh viện.
Có lẽ chính nhờ sự năng động của Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng người Việt tỉnh Odessa mà cho đến nay chưa có người Việt nào ở đây thiệt mạng. Trong khi đó tại Kharkiv, một địa phương có đông người Việt khác ở Ukraine, đã có 3 người Việt tử vong do COVID-19. Anh Hùng cho biết cộng đồng ở Odessa cũng có một số ca nặng. Tuy nhiên, nhờ nhập viện và điều trị kịp thời nên họ đã khỏi bệnh. Về tình hình làm ăn của cộng đồng, anh cho biết trong giai đoạn COVID-19 hiện nay, bà con làm ăn rất khó khăn, và chủ yếu sống bằng tiền tích trữ từ trước. Đợi dịch qua đi thì mới hy vọng ổn định cuộc sống và kinh doanh.
Có thể thấy, phẩm chất tương trợ, nhiệt tình, hết lòng vì những người có cùng dòng máu Việt luôn thể hiện rõ trong những người thủ lĩnh phòng chống COVID-19 nói trên. Đây cũng chính là những hạt nhân để cộng đồng ngày càng vững vàng đối phó với căn bệnh khó lường này.