Người Việt ở Séc có lợi gì sau ba năm trở thành dân tộc thiểu số?

Cuộc phỏng vấn ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc về dấu mốc tháng 7/2013 cộng đồng người Việt Nam, chính xác hơn là cộng đồng người Séc gốc Việt, được Chính phủ CH Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này.

Ông Hoàng Đình Thắng trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Ngọc Mai (P/v TTXVN tại Séc)

Thưa ông, ba năm là khoảng thời gian đủ để lắng xuống những cảm xúc, vậy ông có thể cho biết những lợi ích cụ thể của việc cộng đồng người Việt ở Séc được công nhận là dân tộc thiểu số?


Vâng, quyền lợi lớn nhất từ việc này là quyền bình đẳng với các cộng đồng người nước ngoài ở CH Séc. Người Việt Nam tại CH Séc là cộng đồng đông thứ ba (sau Slovakia và Ukraina) tại CH Séc nhưng mãi cách đây ba năm mới được Chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 của CH Séc, trong khi các cộng đồng khác đã được công nhận từ lâu.

Khi được công nhận là dân thộc thiểu số thì người Việt ở Séc được hưởng các lợi ích được quy định trong điều luật về các cộng đồng dân tộc thiểu số. Ví dụ như được cử đại diện của mình vào các Hội đồng Dân tộc thiểu số ở cấp địa phương cũng như cấp trung ương, được bàn những vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số, được giữ nguyên họ và tên đầy đủ theo tiếng mẹ đẻ, có quyền học tiếng mẹ đẻ trong các trường học, có quyền giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Từ khi được công nhận là dân tộc thiểu số thì người Việt được Chính phủ Séc cũng như một số cơ quan bộ, ngành dành cho một số dự án và tiền tài trợ cho dự án. Ví dụ như dự án từ điển Séc – Việt được tài trợ hai lần, mỗi một lần trên một triệu curon Séc (trên một tỷ đồng Việt Nam).

Tạp chí Bông Sen ấn hành bằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng được nhận tài trợ hai lần từ Chính phủ Séc. Rồi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giữ gìn bản sắc dân tộc của người Việt cũng nhận được tài trợ của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc của người Việt nhận được sự tài trợ của Chính phủ và các địa phương. Ảnh: Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)

Cộng đồng người Việt tại CH Séc được chính quyền và người dân Séc nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc được chính quyền và người dân Séc đánh giá có đức tính cần cù, chăm chỉ và hội nhập tốt với xã hội Séc, không phải là gánh nặng cho nước sở tại. Cho nên cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc được phía Chính phủ Séc tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc cư trú, kinh doanh, học tập cũng như cuộc sống hàng ngày.

Một điều rất phấn khởi là thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc với sự hội nhập của toàn cộng đồng thì các cháu trong các trường, kể cả các trường phổ thông đến trường đại học đã phát huy được khả năng học hành của mình và hiện nay thì các cháu đã làm việc tại rất nhiều các cơ quan với các ngành nghề rất đa dạng và tôi nhìn thấy là với chiều dài chưa lâu của sự tồn tại cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc của một số các quốc gia khác thì sự thành đạt của người Việt Nam tại CH Séc rất đáng ghi nhận.

Cảm ơn ông!


Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)
Đa dạng hóa ngành nghề - Vấn đề sống còn của người Việt ở Séc
Đa dạng hóa ngành nghề - Vấn đề sống còn của người Việt ở Séc

Đa dạng hóa ngành nghề, tìm ra lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ mới là đòi hỏi cấp thiết để cộng đồng người Việt tồn tại bền vững tại CH Séc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN