Cách nhà ga Cornavin ở thành phố Geneve (Thụy Sĩ) khoảng 500 m là một quán ăn Việt Nam có tên gọi "Ngôi nhà châu Á" (Maison d'Asie). Là một điểm dừng chân hấp dẫn của những người yêu ẩm thực Việt tại Thụy Sĩ, quán ăn này hấp dẫn chủ yếu nhờ món phở với hương vị rất truyền thống.
Ông Huỳnh Khánh Tiết, quản lý nhà hàng Maison d'Asie bê phở cho thực khách. |
"Phở ở đây ngon hơn hẳn phở ở các nơi khác ở Geneve mà tôi đã từng ăn. Tuần nào tôi cũng phải đến đây thưởng thức ít nhất một lần. Có tuần tôi đến hai, thậm chí ba lần", cô Eléonore Sulser, phóng viên mảng phê bình văn học ở nhật báo tiếng Pháp "Le Temps" có trụ sở ở Geneve hồ hởi khoe.
"Ngôi nhà châu Á" mở cửa đã được 16 năm nay. Khu vực này có rất nhiều nhà hàng với những món ăn đặc trưng từ khắp nơi trên thế giới, từ bánh mỳ kẹp thịt Thổ Nhĩ Kỳ, bánh pizza của Italia, Marc Donald của Mỹ... Tuy nhiên, Maison d'Asie vẫn thu hút rất nhiều thực khách quốc tế và đương nhiên không thể thiếu những thực khách địa phương, bà con Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ, hay những người Việt có dịp công tác hay du lịch qua đây. Quán lúc nào cũng nườm nượp khách từ lúc mở cửa buổi trưa đến tận buổi tối.
Nhiều du khách thưởng thức phở Việt ở nhà hàng Maison d'Asie. |
Maison d'Asie được trang trí theo phong cách Việt Nam. Bên cạnh những khung tranh nhỏ treo tường là những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, sáo. Có cả những chiếc đèn lồng xinh xắn mà chủ nhân muốn đem đến cho thực khách một không khí thật Việt Nam giữa trời Âu. Bên cạnh món phở, nhà hàng còn phục vụ một số món ăn Việt khác như chè, nem...
Với phóng viên Sulser, phở là một món ăn đơn giản nhưng hoàn chỉnh. Xét về một góc độ nào đó phở Việt cũng giống như món pizza của người Italia đã chinh phục được nhiều "tâm hồn ăn uống" trên thế giới. "Tôi thường ăn phở buổi trưa với cô bạn đồng nghiệp cùng tòa soạn. Cô ấy cũng mê phở Việt của các bạn giống như tôi vậy. Cứ đến giờ nghỉ trưa, chỉ cần một trong hai chúng tôi nói ‘mình đi ăn nhé’, thế là người còn lại hiểu ngay là cần đi đến đâu", cô Sulser vui vẻ kể.
Ông Huỳnh Khánh Tiết, quản lý nhà hàng, tỏ ra rất khéo léo khi quảng bá món phở Việt. Khi phục vụ khách, ông luôn niềm nở hướng dẫn họ chọn món phở bò, phở gà hay một món ăn Việt Nam nào đó. Một chi tiết thú vị nữa: Ông mặc một chiếc áo in hình bát phở, một đôi đũa và chữ "iPhở - made in Vietnam" để khách thoạt nhìn ai cũng có cảm giác như chữ iPhone. "Đúng là một phương pháp marketing hiện đại và vô cùng hiệu quả", cô Sulser nhận xét.
Theo ông Tiết, Maison d'Asie không phải là nhà hàng duy nhất phục vụ các món ăn và phở Việt Nam ở Geneve. Tuy nhiên, để trở thành một địa chỉ hấp dẫn với những người yêu thích món ăn Việt và đặc biệt là món phở, quán có những bí quyết đặc biệt. Phở ở đây hấp dẫn thực khách là nhờ nước dùng. "Chúng tôi ninh xương bò liên tục trong 7 giờ để nước dùng giữ được hương vị nguyên sơ của phở Việt Nam", ông cho biết. Ngoài ra, các loại gia vị như hành, ớt, quế, gừng, thảo quả, bánh phở, đều được nhập đa phần từ Việt Nam.
Ở thành phố đắt đỏ vào bậc nhất châu Âu như Geneve, một bát phở cỡ trung bình vào khoảng 17 francs Thụy Sĩ (khoảng 390.000 VND) cũng không phải là quá đắt, đồng nghiệp của tôi ở Geneve nhận định. Hơn nữa, giữa mùa đông giá lạnh ở một quốc gia xa xôi, được thưởng thức một bát phở giúp những người con xa quê vơi đi nỗi nhớ nhà và gần gũi với quê hương hơn rất nhiều.
Bài và ảnh: Thu Trang (từ Geneve)