Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10:

Tấm lòng người mẹ ở làng trẻ SOS Điện Biên Phủ

Gắn bó với làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ gần 10 năm, chị Cà Thị Mai (sinh năm 1974), người dân tộc Thái, sống tại huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đã tình nguyện không lập gia đình, dành hết tình yêu thương cho những trẻ mồ côi như những đứa con của mình.

Chú thích ảnh
Chị Cà Thị Mai chăm sóc con đang bị ốm.

Năm 2009, Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ đi vào hoạt động với 14 ngôi nhà mang tên những loài hoa, trong mỗi ngôi nhà có một người mẹ và 8-10 người con là những trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt. Chị Cà Thị Mai và các con sống trong ngôi nhà hoa hồng, loài hoa mang ý nghĩa của tình yêu, giống như tình yêu của chị dành cho những đứa con không cùng huyết thống.

Gắn bó với làng trẻ từ khi mới thành lập, chị đã vượt qua không ít khó khăn, vất vả. Nuôi dạy lứa con đầu tiên ở độ tuổi mẫu giáo đối với chị không dễ dàng gì. Thời gian đầu, khi mới bắt đầu làm mẹ, chị còn rất bỡ ngỡ, do những đứa trẻ đều là người dân tộc nên chị phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, tìm cách để hiểu đứa bé nói gì, muốn gì, đó là chưa kể mỗi đứa một tính cách, độ tuổi khác nhau, nên chị phải rất nhẹ nhàng, chỉ bảo từng tý một.

Chị Mai tâm sự: Chứng kiến mỗi người con lớn lên là niềm hạnh phúc không thể đong điếm được. Tuy nhiên, mỗi đứa một tính cách, cá tính, một sở thích, để các thành viên trong nhà được hòa thuận, chị phải hiểu rõ tính cách của từng trẻ, dùng tất cả tình yêu thương của mình để cảm hóa, giúp các con vơi bớt nỗi cô đơn, nhớ cha mẹ.

Chị vẫn nhớ như in khi nhận em Nguyễn Đức Quý vào làng trẻ lúc mới 4 tuổi. Quý tính tình ương ngạnh, không nghe lời ai, hay cáu bẳn, thường xuyên đánh nhau với các bạn. Những lúc như vậy, chị phải tìm đủ cách để khuyên bảo, ngủ cùng con để trò chuyện, dùng tình yêu của người mẹ để uốn nắn, chỉ ra cái sai, cái đúng. Giờ đây, cậu bé Quý đã học lớp 9, luôn nghe lời mẹ, yêu thương các anh chị trong gia đình và chăm ngoan học giỏi.

Chú thích ảnh
Chị Cà Thị Mai cùng với con hái rau để chuẩn bị bữa tối. 

Một ngày của chị Mai bắt đầu từ 5 giờ sáng. Chị gọi từng đứa con dậy tập thể dục, rồi chuẩn bị bữa sáng, soạn sửa áo quần cho con đi học. Sau đó chị lại đi chợ để chuẩn bị bữa trưa, rồi dọn nhà, làm vườn... Đôi lúc trong nhà có con bị ốm, chị phải thức suốt đêm để canh chừng, lo lắng, chăm sóc, túc trực, mong cho con nhanh khỏi. Hiện trong ngôi nhà hoa hồng, chị Mai đang chăm sóc 8 người con, 4 gái, 4 trai, các con của chị đã biết tự chăm lo bản thân, giúp chị làm việc nhà.

Mỗi người con đều được chị phân công công việc riêng, đứa tưới cây, nhặt rau, quét sân, đứa rửa chén bát… ai cũng đều ngoan ngoãn vâng lời mẹ. Ngoài giúp mẹ làm việc nhà, các con của chị Mai cũng rất chăm ngoan học tập, trong đó em Lò Thị Phanh đạt giải 3 cấp huyện, môn toán lớp 9; em Cà Thị Thuận đạt giải 3 trong cuộc thi  viết “Chắp cánh ước mơ”, còn em Sùng A Chường đã 2 lần được sang Ba Lan tham dự Giải đá bóng của tổ chức SOS quốc tế… Đối với chị, những thành tích của các con là những thứ trân quý nhất, đó cũng là động lực, niềm vui và tự hào của người mẹ.

Công việc vất vả là vậy, nhưng tình cảm của chị dành cho từng đứa trẻ không hề vơi bớt. Dù mệt nhọc, chị vẫn luôn tươi vui khi nhìn những đứa con mình nuôi dạy trưởng thành từng ngày. Đến năm học mới, chị Mai phải mua áo quần, sách vở, dày dép cho các con. Những lúc túng thiếu, chị trích từ tiền lương ít ỏi của mình để lo đầy đủ cho các con. Trong nhà, con nào học giỏi, có thành tích tốt sẽ được chị tặng cho những món quà nhỏ để động viên con cố gắng học tập.

Em Giàng Mái So, sinh viên năm 1 trường Đại học Thái Nguyên, chuyên ngành Giáo dục tiểu học, vẫn thường xuyên về thăm ngôi nhà hoa hồng và gọi điện thoại về cho mẹ Mai. Việc học của So vẫn được mẹ dõi theo, nhiều đêm vì nhớ thương con, chị đã khóc ướt gối. Tình mẫu tử được vun đắp lớn lên từng ngày, để khi bước vào đời những đứa con của chị vẫn luôn trân trọng, nhớ về người mẹ đã dìu dắt nuôi dạy chúng lớn khôn, trưởng thành.

Anh Trương Tuấn Anh, Phó Giám đốc Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ cho biết, chị Mai là người mẹ tận tâm, tận tình với những đứa con của mình, dù không cùng huyết thống, nhưng mọi người đều cảm nhận được tình mẫu tử trong ngôi nhà hoa hồng. Làng trẻ thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tăng cường công tác chuyên môn, hiểu biết pháp luật, kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ em… đều được chị Mai tham gia và tích cực thực hiện. Đặc biệt, những đứa con trong gia đình chị luôn ngoan ngoãn, đạt thành tích cao trong học tập. Trong làng trẻ, chị Mai luôn được xem là người mẹ mẫu mực, nhận được nhiều sự tin yêu của cán bộ, nhân viên.

Ngoài mẹ Cà Thị Mai, làng trẻ SOS Điện Biên Phủ còn có 18 mẹ, dì trực tiếp nuôi dạy 161 trẻ. Mỗi gia đình có từ 8 - 10 trẻ, các mẹ ở đây đều là những người độc thân, luôn đem hết tình yêu thương để chăm sóc cho các con. Không máu mủ, ruột thịt, nhưng bằng tất cả trái tim, tình thương của mình, các mẹ không quản khó nhọc, vất vả, từng ngày hiến dâng hạnh phúc riêng, dành trọn yêu thương cho những em nhỏ mồ côi, giúp các em bước vào đời sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm, biết yêu thương và sống có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)
Người mẹ thứ hai của những học sinh khuyết tật
Người mẹ thứ hai của những học sinh khuyết tật

Chiều nào cũng thế, vào giờ tan học, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại bắt gặp hình ảnh cô giáo Trần Thị Thu Hiền ân cần nắm tay cậu học sinh Nguyễn Khắc Hoàng Anh, bị khuyết tật cả vận động và trí tuệ, cẩn thận dắt em xuống từng bậc cầu thang và đưa em ra tận nơi bố mẹ em đứng chờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN