Những tấm lòng Công giáo Việt Nam thầm lặng

Kể từ khi thành lập Bệnh viện Phong Bến Sắn (Bình Dương), các nữ tu thuộc Tu hội Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn đã hiện diện và phục vụ bệnh nhân phong bằng tấm lòng yêu thương, với ước mong được chia sẻ, xoa dịu phần nào nỗi đau do bệnh tật và mặc cảm đối với gia đình, xã hội đang đè nặng trên cuộc đời của họ.

Chú thích ảnh
Nữ tu Dương Hồng Cúc trò chuyện thân mật với các bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Huyền Trang/TTXVN

Thầm lặng gieo tình thương

Khu điều trị phong Bến Sắn được thành lập năm 1959 do nữ tu Rose - người Pháp và nữ tu Mathilde Thanh quản lý, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Sau năm 1975, Khu điều trị phong Bến Sắn được giao cho Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và đổi tên thành Bệnh viện Phong Bến Sắn. Tuy Nhà nước tiếp quản bệnh viện nhưng việc quản lý vẫn có sự tham gia của nhà Dòng và các nữ tu.

Cụ Phan Văn Tùng, 76 tuổi, tuy có gia đình tại TP Hồ Chí Minh, nhưng cụ sống tại Bệnh viện Phong Bến Sắn đã 24 năm nay. Đối với cụ, nơi đây không còn là bệnh viện mà là một ngôi nhà bình yên, ấm áp tình thương giữa người với người. “Các nữ tu, nhân viên bác sĩ ở đây chăm lo cho bệnh nhân rất đầy đủ. Cứ 6 giờ là các sơ đi thăm, rửa vết thương cho mọi người. Những người bị đau còn được các sơ xúc cháo, xúc cơm cho. Người bệnh bị liệt đi không nổi, hộ lý còn bồng đi tắm, thay tã cho nữa”, cụ Tùng chia sẻ.

Nữ tu Lê Thị Phúc, Phòng Công tác xã hội tại Bệnh viện Phong Bến Sắn cho biết: Đến nay, bệnh viện có khoảng 330 “cư dân”, trong đó hơn 100 bệnh nhân có tuổi đã cao, không nơi nương tựa, có những người bệnh có những bộ phận trên cơ thể bị ăn mòn rất cần có sự chăm sóc, hỗ trợ hằng ngày. 200 bệnh nhân còn lại vẫn trẻ và khỏe mạnh được tự lập nhà, lập làng trong khuôn viên bệnh viện để sinh sống.

Chú thích ảnh
Nữ tu bác sĩ Phạm Thị Tuyết Diễm (Bệnh viện phong Bến Sắn) chuẩn bị đồ ăn cho bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Huyền Trang/TTXVN

Bệnh viện hiện có 10 nữ tu; trong đó 3 nữ tu đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn chăm sóc các bệnh nhân, còn 7 nữ tu đang đảm trách công tác điều hành và phục vụ tại các khoa, phòng của bệnh viện. Các nữ tu được chia đều ra ở các khoa như: Khoa Dinh dưỡng, Khoa Nội nhiễm và Tâm thần, Khoa Dược, Khoa Công tác xã hội. Nếu như ban đêm, các nhân viên điều dưỡng về nhà hết, các sơ vẫn luôn túc trục trong khuôn viên bệnh viện để khi bệnh nhân cần là có mặt để giúp đỡ.

“Các bệnh nhân phong đã được điều trị dứt bệnh từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, những di chứng của bệnh tật chưa thể mất hết nên họ vẫn là những người bị tàn tật. Do di chứng để lại, nhiều bệnh nhân có tâm lý vẫn ám ảnh nên khó hòa nhập với xã hội. Các bệnh nhân đều xin ở lại bệnh viện, lập gia đình, trồng trọt, chăn nuôi hoặc làm nghề thủ công để sinh sống. Vì vậy,  hướng theo khẩu hiệu của Tu hội Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn là ở đâu có người nghèo khổ, ở đó có nữ tu, chúng tôi luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần các bệnh nhân”, nữ tu Phúc tâm sự.

Giúp bệnh nhân hòa nhập với xã hội

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phong Bến Sắn Lê Văn Mẫn, ngoài chế độ Nhà nước hỗ trợ cho mỗi bệnh nhân phong 760 ngàn đồng, bệnh nhân còn được các nữ tu ở bệnh viện giúp đỡ bằng cách kêu gọi “mạnh thường quân”, “Hội bạn người cùi” ủng hộ về kinh tế, giống cây trồng để các bệnh nhân phát triển kinh tế kinh tế. Hiện bệnh viện có 2 sào lá giang, tạo việc làm thêm cho 10 hộ gia đình bệnh nhân phong. Ngoài ra, bệnh viện còn có 2 khu nhà trồng nấm linh chi, tạo việc làm cho hơn 5 hộ bệnh nhân. Hai nhà trồng nấm mỗi năm cho giá trị kinh tế  đạt 100 triệu đồng/năm. Thành quả thu được vào dịp cuối năm sẽ được chia đều cho các bệnh nhân trong bệnh viện, để cải thiện thêm cuộc sống.

Chú thích ảnh
Trại nấm linh chi của các nữ tu lập ra để giúp bệnh nhân phong cải thiện kinh tế. Ảnh: Nguyễn Huyền Trang/TTXVN

Việc được tham gia phát triển sản xuất, trao đổi khiến cho cuộc sống người bệnh có nhiều niềm vui hơn, giúp họ có thêm ý chí phấn đấu tiến lên trong cuộc sống. Từ năm 2013 - 2015, các nữ tu đã hỗ trợ bệnh nhân nơi đây hơn 7,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các nữ tu còn quan tâm đến việc học tập của con em bệnh nhân phong bằng nhiều hình thức như: Trao học bổng khuyến học, hỗ trợ tiền học, tạo điều kiện cho các em tham gia các trại hè thiếu nhi do Đoàn Thanh niên và các nhóm công tác xã hội tổ chức, giúp các em có điều kiện học nghề phù hợp; có nơi trọ học…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) Huỳnh Hữu Phúc cho biết: Các nữ tu tại Bệnh viện Phong Bến Sắn đã hết lòng chăm sóc, chia sẻ với những người mắc bệnh phong. Các nữ tu luôn phối hợp với địa phương thực hiện công tác xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, bệnh phong không còn là một trong “tứ chứng nan y” như quan niệm trước kia, mà đã có thuốc điều trị. Số bệnh nhân mới phát hiện hàng năm ở nước ta cũng giảm đáng kể, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này, dẫn đến kỳ thị, khiến những người bệnh phong khó tái hòa nhập cộng đồng.

Tấm lòng nhân ái, việc làm đẹp của các nữ tu thuộc Tu hội Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn đã sưởi ấm những mảnh đời khó khăn, giúp bệnh nhân phong sống vui, sống có ích.

Huyền Trang (TTXVN)
'Tâm thiện' và tấm lòng nhân ái của người cựu chiến binh
'Tâm thiện' và tấm lòng nhân ái của người cựu chiến binh

Người dân ở xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang vẫn gọi ông Nguyễn Hữu Hoạch bằng biệt danh “Hoạch đồng đen”, bởi con người vừa giỏi giang, vừa có tấm lòng nhân ái, hết lòng vì cộng đồng như ông, giờ quý và hiếm như đồng đen ấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN