Gặp người cựu chiến binh Nguyễn Hữu Hoạch, tôi khá bất ngờ, bởi ở tuổi gần thất thập, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn lắm. Giọng nói sang sảng, tràn đầy năng lượng của ông rất dễ cuốn hút người đối diện.
Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, năm 1972, ông Hoạch nhập ngũ, được phân về Trung đoàn 246, đóng quân tại Tuyên Quang. 4 năm sau rời quân ngũ, ông về làm công nhân tại Xí nghiệp Mỏ địa chất chịu lửa Tuyên Quang. Thời trẻ, ông vừa công tác, vừa bươn chải, làm thêm nhiều nghề kiếm sống như trồng rau, nuôi cá, nung vôi…
Năm 1990, sau khi xin nghỉ mất sức trở về gia đình, ông trăn trở nghĩ cách để vươn lên trong cuộc sống. Nhận thấy việc đi lại, vận chuyển hàng hóa ở Tuyên Quang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trong khi nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân khá lớn, ông vận động anh em cựu chiến binh, đồng đội góp vốn mua ô tô, thành lập hợp tác xã (HTX) vận tải, chuyên chở dịch vụ vận tải, du lịch. Ông tuyên truyền, vận động những gia đình có phương tiện, nhân lực lao động nhưng chưa có việc làm ổn định gia nhập HTX để cùng làm ăn. “Giai đoạn đầu, công việc cũng rất khó khăn, tôi vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, từng bước đưa HTX phát triển”, ông Hoạch chia sẻ.
Đến nay, gần 30 năm phát triển, HTX Dịch vụ Vận tải và Môi trường Thanh Bình đã phát triển lớn mạnh, tạo việc làm thường xuyên và theo mùa vụ cho trên 100 lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hữu Hoạch tâm sự, trong đời mình, trải qua nhiều nghề kiếm sống, nhưng cho đến nay, ông vẫn tâm đắc nhất với lĩnh vực vệ sinh môi trường. Ông bảo, công việc này không mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng giải quyết việc làm cho nhiều lao động, mà còn giữ vệ sinh sạch đẹp cho từng con phố, từng khu ngõ nhỏ và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Nói về cơ duyên đưa mình đến với nghề gìn giữ vệ sinh môi trường, ông Nguyễn Hữu Hoạch kể, khoảng những năm 2000, nhiều khu vực ở Tuyên Quang không có đơn vị thu gom rác thải. Xã Lưỡng Vượng cũng vậy. Chứng kiến cảnh rác thải ngập tràn đường phố, đặc biệt là khu vực quanh chợ, rác tràn ngập, những hôm nắng thì bốc mùi khó chịu, trời mưa nước ngập, rác nổi lềnh phềnh, mất vệ sinh và nguy cơ lây lan dịch bệnh cao… ông trăn trở lắm. Năm 2000, khi được cử đi tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc, ông cũng gặp nhiều đại biểu bức xúc về vấn đề vệ sinh. Khi đó, hầu như chưa có HTX vệ sinh môi trường nông thôn nào. Ông mạnh dạn lên gặp lãnh đạo đề xuất làm công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan đường phố xanh sạch đẹp.
Nhớ lại khó khăn trong những ngày đầu, ông Hoạch không khỏi ngậm ngùi. Ông kể, những năm 2000, nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường của người dân xã Lưỡng Vượng còn nhiều hạn chế. Rác thải tiện đâu vứt đấy, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bón cho rau, lúa dùng xong cũng bị người dân quẳng luôn ngoài ruộng, bờ mương... gây ô nhiễm môi trường. Ông cùng các hội viên cựu chiến binh đi từng tổ dân phố, từng nhà vận động thực hiện thu gom, phân loại rác. “Thời điểm đó, tôi cứ đến các tổ dân phố họp suốt ngày, sáng họp, tối họp” – ông Hoạch kể lại.
Ở các điểm dân cư tập trung, ông cho đặt các thùng rác và thường xuyên tuyên truyền vận động mọi người giữ gìn vệ sinh chung, tạo thành thói quen cùng thu gom rác. “Lúc đầu cũng vất vả lắm, người dân chưa có thói quen, nên cũng chưa ủng hộ nhiều. Địa điểm chôn lấp rác lại cách xa khu dân cư, công vận chuyển rất cao. Cũng may gia đình tôi có sẵn xe, chỉ việc đổ xăng vào chạy, chứ nếu đi thuê thì không đủ chi phí để vận chuyển rác”, ông kể.
Năm 2012, với mục đích giảm việc chôn lấp rác thải không phân hủy, tạo thêm việc làm cho lao động, HTX quyết định lập nhà xưởng chế biến nhựa phế thải. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm sàng lọc, phân loại nhựa cho nên hai năm đầu, cơ sở chế biến của ông Hoạch luôn thua lỗ. Để duy trì hoạt động, ông bỏ tiền túi trả lương cho công nhân, rồi cùng nhiều xã viên lặn lội đến các cơ sở chế biến ở Hưng Yên, Bắc Giang học tập kinh nghiệm phân loại nhựa. Sau này, HTX đầu tư lắp đặt thêm dây chuyền tái chế nhựa, dây chuyền giặt bao tải và dây chuyền sản xuất giấy từ phế liệu… HTX có thêm nguồn thu, rồi dần dần có lãi, tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho xã viên.
Việc phân loại và thu gom triệt để các loại rác thải có thể tái chế không chỉ tạo thêm thu nhập, mà còn giúp giảm đến 1/3 diện tích chôn lấp rác thải rắn không phân hủy, hạn chế rất nhiều khói bụi và ô nhiễm so với đem đốt hoặc chôn lấp, giảm tối đa sự ảnh hưởng đến môi trường… Mới đây, để việc vệ sinh môi trường đi vào nền nếp và quy củ hơn, ông tổ chức liên kết với hội cựu chiến binh các xã, trả lương và bố trí mỗi thôn có một chi hội trưởng hội cựu chiến binh phụ trách đôn đốc, vận động bà con phân loại rác thải ngay tại gia đình, gìn giữ vệ sinh môi trường ở thôn, xóm.
Không chỉ thu gom rác thải, ông Hoạch còn tích cực vận động thành lập Hội sinh vật cảnh thành phố Tuyên Quang, HTX cùng với các hội viên Hội sinh vật cảnh tiến hành trồng hàng ngàn cây xanh ở quanh khu vực địa bàn huyện Yên Sơn và TP Tuyên Quang, vừa mang lại vẻ đẹp cảnh quan đô thị, vừa góp phần tạo môi trường đô thị “sạch- xanh- đẹp”…
Mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Hữu Hoạch, những người dân ở thôn Chè 6, xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang nhớ đến ông “Hoạch đồng đen”, họ bảo, một con người có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, luôn hết lòng vì đồng chí đồng đội và sự phát triển của cộng đồng như ông bây giờ, quý và hiếm như đồng đen ấy.
Gần 30 năm qua, nhưng nhiều người thôn Chè 6 vẫn nhớ câu chuyện đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, một số hộ gia đình nghèo trong thôn chưa có tiền nộp tiền điện, và nhận được thông báo nếu không nộp đúng hạn sẽ bị cắt điện. Lúc đó, dù mới ra làm kinh doanh, điều kiện kinh tế còn rất eo hẹp, nhưng ông Hoạch vẫn quyết định bỏ tiền túi ra trả tiền điện cho các hộ gia đình, để đảm bảo cho bà con có điện sinh hoạt như các gia đình khác.
Sau này, khi làm ăn khấm khá, kinh tế dư dả hơn, ông Hoạch dành rất nhiều thời gian, tiền bạc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, ông luôn quan tâm đặc biệt tới hoàn cảnh của các gia đình cựu chiến binh, gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng…
Gia đình cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam Phùng Kim Đĩnh, ở xã Lưỡng Vượng, là một trong số những người được ông Hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Đến thăm gia đình ông Đĩnh, nhìn cơ ngơi của gia đình ông, ít ai biết gia đình ông Đĩnh đã có những lúc kiệt quệ kinh tế tưởng chừng không vực dậy được. Ông Đĩnh kể, cách đây gần chục năm, do ảnh hưởng của những vết thương thời chiến tranh, nên sức khỏe ông rất yếu, phải vào bệnh viện mổ nhiều lần, toàn bộ số tiền gia đình ông có đổ hết vào những ca mổ, đến khi về nhà, kinh tế gia đình kiệt quệ, không có lấy một đồng vốn để làm ăn, sinh sống. Rất may, ông Hoạch đã thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của đồng đội, sẵn lòng cho ông vay 200 triệu đồng không lấy lãi, để ông lấy vốn làm ăn. “Nhờ có sự giúp đỡ, động viên, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của ông Hoạch, cuộc sống của gia đình tôi đã khá hơn nhiều. Tôi có tiền để chữa bệnh cho bản thân, lo cho con cái”, ông Đĩnh chia sẻ.
Không chỉ riêng gia đình ông Đĩnh, mà nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đều được ông Hoạch giúp đỡ. Ít ai biết được rằng, gần 100 xã viên trong HTX của ông hiện nay, đều là con, em, cháu chắt của những đồng đội ông khi xưa. Không chỉ ưu tiên nhận con em đồng đội, ông còn sẵn lòng giúp đỡ những người lầm lạc trở về cuộc sống bình thường.
Nhiều năm qua, những xã viên trong HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình vẫn truyền tai nhau câu chuyện về 3 thanh niên ở địa phương, từng sa ngã vào tệ nạn xã hội, nghiện hút ma túy. Đến khi họ muốn làm lại cuộc đời, đi rất nhiều nơi xin việc, nhưng không ở đâu dám nhận, thấy vậy, ông sẵn sàng đứng ra tiếp nhận. Hàng ngày, ông cử người kèm cặp, vừa để hướng dẫn công việc, vừa để giám sát giúp họ tránh khỏi cám dỗ. Đến nay, những thanh niên này đều đã trở thành lao động chính trong gia đình, xây được nhà cửa và có cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc.
Không chỉ giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, ông Nguyễn Hữu Hoạch còn đặc biệt có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Có dịp về quê nhà ở thôn Đồng Trực, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, thấy gần 1km đường về thôn bao năm vẫn lầy lội, đi lại khó khăn. Nhìn cảnh bà con còng lưng đẩy xe thóc đi trên đường một cách khó khăn, ông lại bỏ 350 triệu đồng mua nguyên vật liệu, rồi tự thuê nhân công đến làm hoàn thiện con đường. Con đường ấy được người dân thôn Đồng Trực gọi bằng tên ông, đường Nguyễn Hữu Hoạch, để tri ân con người có tấm lòng với quê hương như ông.
Ông Bùi Việt Cường, Trưởng thôn Chè 6, xã Lưỡng Vượng cho biết, nhờ có sự đóng góp, ủng hộ của ông Hoạch, phong trào xây dựng nông thôn mới tại thôn Chè 6 được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình và đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, đường trong thôn đã được bê tông hóa sạch đẹp, thôn có nhà văn hóa khang trang, khuôn viên nhà văn hóa đẹp bậc nhất thành phố. Thôn Chè 6 trở thành một trong những thôn hoàn thành tiêu chí nông thôn mới mới nhất ở thành phố Tuyên Quang.
Đánh giá về ông Nguyễn Hữu Hoạch, ông Trần Đăng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lưỡng Vượng cho biết, ông Hoạch là tấm gương điển hình để người dân trên địa bàn xã học tập và noi theo. Những việc làm của ông đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ đến nhân dân trên địa bàn xã, giúp người dân nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Hỏi ông, lý do gì để ông luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng như vậy? Ông Hoạch cười hiền, rồi tâm sự: Từ nhỏ, ông quen với cuộc sống vất vả. Sau này, khi đi bộ đội trở về, trong khi đồng đội ông người đã hy sinh, người trở thành thương binh, tàn phế không còn sức lao động kiếm sống… bản thân ông may mắn trở về lành lặn, nên ngoài việc kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình, ông luôn nghĩ đến việc làm gì để tốt cho cộng đồng, để tri ân và giúp đỡ những đồng đội của mình. Vì thế, việc đầu tiên ông làm là tạo công ăn việc làm cho con cháu của đồng đội của mình, rồi tạo điều kiện, giúp đỡ những gia đình khó khăn, hỗ trợ địa phương phát triển.
Quả thực, được nghe, được chứng kiến những câu chuyện về ông, về tấm lòng bao dung, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn cơ nhỡ mới hiểu, người như ông bây giờ quả là quý và hiếm như đồng đen vậy.
Bài: Lan Lộc
Video: Phương Hà
Ảnh: Phương Hà - Hải Yến
Trình bày: TT
08/09/2018 05:56