Suốt một thời gian dài, các bảo tàng ở Việt Nam chỉ là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật “tĩnh”, như một phòng truyền thống với các hiện vật không câu chuyện, những bài học lịch sử khô cứng và không thu hút khách. Thế nhưng, năm 1995, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính thức mở cửa đón khách. Khi đó, lần đầu tiên, công chúng Việt Nam được tham quan một bảo tàng lại được nghe người dân trực tiếp chia sẻ tiếng nói, chia sẻ văn hóa của mình với khách tham quan, thông qua những clip dựng bằng lời, qua các buổi biểu diễn và chia sẻ của các chủ thể văn hóa với công chúng… Đó cũng là lần đầu tiên, bảo tàng có khu trưng bày ngoài trời, là những ngôi nhà của nhiều dân tộc ở khắp các miền của đất nước và lần đầu tiên người dân được tự đưa ra ý tưởng, tự tay lựa chọn những hình ảnh, hiện vật của dân tộc mình để trưng bày, giới thiệu cho du khách, lần đầy tiên trong bảo tàng có phòng trải nghiệm cho trẻ em, có bảo tàng bỏ túi bằng công nghệ 3D…
Sự ra đời của Bảo tàng Dân tộc học với vô số những cái “đầu tiên” ấy đã khiến cho giới làm bảo tàng ở Việt Nam phải thay đổi quan niệm, phải nhìn nhận lại cách làm bảo tàng của mình trong nhiều năm, tạo nên “Cuộc cách mạng” trong trưng bày, đưa các bảo tàng Việt Nam chuyển từ “tĩnh” sang “động”.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, năm 1983, khi đang đảm nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Viện Dân tộc học, ông được giao phụ trách việc chuẩn bị cho Bảo tàng Dân tộc học tương lai, với yêu cầu: Phải xây dựng một đề án có tầm cỡ và quy mô, để phát triển bảo tàng. “Khi tiếp nhận nhiệm vụ làm bảo tàng, tôi hoàn toàn là người ngoại đạo. Tôi phải bắt đầu đi từ con số không để tìm hiểu lĩnh vực mà mình phụ trách. Tôi học để hiểu về bảo tàng là gì, làm bảo tàng thì cần làm gì…Và tôi bắt tay vào tìm hiểu lịch sử phát triển của một số bảo tàng dân tộc học trên thế giới, biết được quy mô hình thức của bảo tàng dân tộc học ấy như thế nào, xem cách họ làm, với hy vọng, có thể học hỏi và vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, xây dựng nên một mô hình bảo tàng phù hợp nhất”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Bởi vậy, sau những nhọc nhằn của việc kiến tạo một đề án, xin đất, xin kinh phí, ông Huy cùng các cộng sự bắt tay vào việc lên kế hoạch cho bảo tàng tương lai theo cách riêng của mình, với mong muốn bảo tàng sẽ trở thành một kênh để đem kiến thức dân tộc học đến với công chúng một cách sống động nhất.
Ngoài phần trưng bày hiện vật tĩnh bên trong, Bảo tàng Dân tộc học còn xây dựng các khu trưng bày ngoài trời, bao gồm những ngôi nhà nguyên gốc giới thiệu với du khách một cách khá đầy đủ về kiến trúc, sinh hoạt của từng dân tộc. Với phương châm “phải tôn trọng các chủ thể văn hóa”, tất cả những ngôi nhà và nhà mồ này đều do chính tay những người thợ địa phương dựng lên. Đích thân ông Huy cùng các đồng nghiệp lên Tây Bắc, đến tận những buôn làng Tây Nguyên, vào Nam Trung Bộ... mời từng người dân về bảo tàng xây dựng nên những ngôi nhà truyền thống theo đúng kiến thức dân gian của họ.
Không gian trưng bày bên trong Bảo tàng giới thiệu chân thực cuộc sống văn hóa của đồng bào dân tộc. “Đồng bào sống thế nào, chúng tôi trưng bày và giới thiệu như thế, không tô hồng, không thêm thắt, và cũng không cố tình lồng ghép những bài học, kinh nghiệm vào… bởi chúng tôi muốn để người xem tự cảm nhận, và cách làm đó đã rất hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
Lần đầu tiên, công chúng đã được xem những video, clip được cán bộ bảo tàng tổ chức quay từ cuộc sống thực ở các bản làng, được tự mình trải nghiệm trong không gian văn hóa của đồng bào, được chủ động tìm tòi khám phá văn hóa, từ đám ma đám cưới, lễ hội đến nghi thức cúng lễ… Công chúng xem, tự có cảm nhận của riêng mình.
“Chúng tôi đi phỏng vấn những người làm văn hóa, những người dân, họ suy nghĩ gì, họ muốn nói gì để chúng tôi thực hiện và giới thiệu cho công chúng... Chúng tôi cũng là những người đầu tiên thực hiện việc trao máy ảnh cho người dân, hướng dẫn để người dân tự chụp ảnh sinh hoạt của cộng đồng mình, tự lựa chọn những hình ảnh mà họ muốn trưng bày, giới thiệu với du khách, hoặc tự mình tham gia vào làm phim để giới thiệu câu chuyện mà họ muốn kể… và chúng tôi đã thành công”, ông Huy nhớ lại.
Không chỉ trưng bày, giới thiệu hiện vật, Bảo tàng còn là nơi giới thiệu văn hóa sống của các tộc người. Vào những dịp lễ tết cổ truyền, ông cho mời các thợ thủ công, những nhóm biểu diễn dân gian đến trình diễn tại chỗ, và chia sẻ những câu chuyện nghề và đời sống của mình với khách tham quan.
Sự ra đời của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam với mô hình sống động đã khiến cho quan niệm về hoạt động bảo tàng ở Việt Nam thay đổi mạnh mẽ. Nhiều năm trở lại đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn đứng vững trong Top những bảo tàng hút khách nhất Việt Nam, và thường được các trang web du lịch quốc tế bình chọn vào Top những bảo tàng hấp dẫn trong khu vực.
Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy được lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mời tư vấn nhằm đổi mới bảo tàng. Ông gợi ý mời hai nhóm chuyên gia từ Pháp và Mỹ cùng một số chuyên gia về dân tộc học cùng tham gia dự án đổi mới Bải tàng Phụ nữ. Sự thay đổi quan niệm về sứ mệnh bảo tàng là bước khởi đầu, Bảo tàng Phụ nữ chuyển từ một bảo tàng mang tính truyền thống thiên về tuyên truyền, sang một bảo tàng về giới.
Ông Huy và những người bạn ở Trung tâm A&C đã giúp Bảo tàng Phụ nữ xin tài trợ, tổ chức tập huấn, mời chuyên gia nước ngoài đến tổ chức lại hệ thống trưng bày trong vòng hơn hai năm. Năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai trương mới, thay đổi hoàn toàn về chất: Trưng bày đẹp, có màu sắc và đa dạng, tập trung kể những câu chuyện đời thường đương đại, như phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử, trong xã hội; những câu chuyện, những vấn đề về giới mà xã hội đang quan tâm trăn trở. Thông qua câu chuyện người phụ nữ, người ta hiểu được một phần xã hội Việt Nam.
Sau Bảo tàng Phụ nữ, rất nhiều nơi mời ông tham gia đổi mới các bảo tàng, hoặc di tích. Ông cùng các chuyên gia và tập thể cán bộ nhân viên của Hội trường Thống Nhất đặc biệt thành công trong việc làm thay đổi bộ mặt của Dinh Độc Lập. Trước đây, du khách đến Dinh Độc Lập để thăm kiến trúc và lịch sử dinh, nhưng phải nghe qua thuyết minh, những người muốn tự xem thì hầu như không thể vì không có thông tin để tìm hiểu. Nhưng kể từ năm 2014, với sự giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Dinh Độc Lập đã có hệ thống diễn giải, hệ thống thông tin trong từng phòng với nội dung phong phú, trình bày đẹp, hấp dẫn để du khách có thể tự xem, tự tìm kiếm thông tin… Hình thức hướng dẫn thuyết minh bằng loa, vừa ồn ào vừa không hiệu quả, đã được bỏ, thay vào đó là thuyết minh theo nhóm nhỏ, tự động, phục vụ từng du khách. Mô hình này rất thành công. Cuộc trưng bày “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập” (3/2018) lại là một thành công mới, một bước nhẩy vọt mới về cách kể chuyện mới trong trưng bày, đã mang đến cho Dinh này một lượng khách tăng thêm đáng kể.
Bên cạnh các bảo tàng mới, khu trưng bày mới, như phòng truyền thống ngành giáo dục, bảo tàng ngành hải quan… ông Huy cùng gia đình còn xây dựng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam, một trưng bày có đẳng cấp giới thiệu về cuộc đời sự nghiệp và những nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên, về gia đình ông và dòng họ Nguyễn. Ông cũng giúp người dân làng Lai Xá xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - bảo tàng làng nghề đầu tiên ở Việt Nam -trở nên có thương hiệu. Bảo tàng này hiện không chỉ là niềm tự hào của nguời dân Lai Xá, mà còn là hy vọng để phát triển du lịch trong thôn.
Ngày 31/7 vừa rồi, bảo tàng đón những vị khách đầu tiên theo tour đặt hàng của Công ty du lịch. Người dân trong thôn hy vọng Lai Xá sẽ trở thành một điểm du lịch mới hấp dẫn của thành phố, Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ nhiệm Câu lạc bộ làng nghề Lai Xá chia sẻ: “Không có ông Huy, thì sẽ không có Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá hiện nay”.
Một trong những công việc PGS.TS Nguyễn Văn Huy ưa thích và đồng hành trong nhiều năm qua, đó là công tác sưu tầm, gìn giữ và trưng bày di sản của các nhà khoa học. Ông kể, khi bắt tay vào làm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên- nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cũng là cha ông - ông mới tiếp cận một cách sâu sắc đến các tài liệu của cha để lại cho gia đình. Đó là một di sản phong phú, gồm những tài liệu nghiên cứu từ khi còn còn là sinh viên, nghiên cứu sinh của Pháp. Những ghi chép khi cụ nghe các giáo sư giảng bài từ những năm 1929, 1930, 1931… rồi những ghi chép, nghiên cứu trong 10 năm về dân tộc học, về lịch sử... “Qua các tài liệu mà cụ Huyên để lại, tôi hiểu được cuộc đời của cụ Huyên và những đóng góp của của cụ cho xã hội, hiểu thêm về lịch sử văn hóa Việt Nam thông qua cuộc đời cụ Nguyễn Văn Huyên khi nghiên cứu về lịch sử gia đình và gia đình và gia tộc họ Nguyễn. Và từ đó tôi nghiệm ra một cách sâu sắc rằng, di sản kí ức của các nhà khoa học quan trọng như thế nào, có ích như thế nào đối với xã hội hiện tại cũng như tương lai”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Cũng vì hiểu rất rõ giá trị di sản của các nhà khoa học đối với xã hội, nên khi được Công ty công nghệ và xét nghiệm y học (MEDLATEC) mời tổ chức và điều hành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông vui lòng gây dựng tổ chức mới này. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, ông cùng các cộng sự của mình ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học đã “cấp cứu” cho hàng vạn tư liệu hiện vật cùng kí ức của các nhà khoa học. Hơn 1.300 nhà khoa học đã trở thành đối tượng nghiên cứu và có các hồ sơ tài liệu và di sản đã đưa vào trong trung tâm, với khoảng 700.000 đầu tài liệu, hiện vật. Các tài liệu hiện vật này được lưu giữ, bảo quản cẩn thận và khoa học. Một phần tài liệu, hiện vật đã được trưng bày tại Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Hòa Bình. Và tới đây, Trung tâm sẽ trở thành một bảo tàng lưu giữ và trưng bày tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học, để phục vụ tham quan và nghiên cứu khoa học. PGS.TS Nguyễn Văn Huy tin tưởng, mô hình mới và độc đáo này sẽ đóng góp rất lớn trong việc phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam.
Hỏi ông, sau khi trải qua một chặng đường dài 50 năm nghiên cứu về văn hóa và di sản của dân tộc, về bảo tàng, điều ông tâm đắc nhất là gì? Ông bảo, tâm đắc nhiều, nhưng cái cuối cùng đọng lại là các hoạt động với bảo tàng và di sản. Ông luôn trăn trở, làm thế nào để đổi mới cho bảo tàng không đi theo lối mòn, và làm thế nào để những bảo tàng thực sự trở thành những địa chỉ có ích và hấp dẫn đối với xã hội, chứ không phải chỉ để “treo trên tưởng” cho người ta ngắm nhìn, ca ngợi. “Nếu chỉ nói bảo tàng quan trọng, mà không ai đến thăm thì thất bại. Tôi luôn nghĩ làm thế nào để bảo tàng trở thành một thể chế thực sự có ích cho xã hội. Làm thế nào để mọi người đến thăm bảo tàng sẽ được cùng nhau chia sẻ những vấn đề lịch sử, những vấn đề văn hóa xã hội quan tâm nhất, tiệm cận nhất với lịch sử của chúng ta”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
Muốn vậy, phải thay đổi quan niệm về bảo tàng, đổi mới cách diễn giải trưng bày trong bảo tàng để hút khách, nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục thay đổi tư duy, đưa bảo tàng trở thành nơi “giáo dục trải nghiệm” cho những thế hệ nhỏ tuổi - thế hệ sẽ quyết định số phận của di sản và tương lai của đất nước. Tuy nhiên, phải giáo dục dục trong bảo tàng theo phương pháp mới, khuyến khích tính chủ động, tính sáng tạo của mỗi người chứ không thể hoạt động ào ào theo phong trào.
Thực tế, hiện nay, nhiều trường học thường đưa học sinh đến tham quan bảo tàng, di tích, nhưng hàng trăm, ngàn học sinh đổ xuống một bảo tàng trong một thời gian ngắn, chắc chắn kiểu giáo dục đó là không hiệu quả, là không có tính sư phạm. PGS.TS Nguyễn Văn Huy kiên trì cho rằng, các trường dần dần chỉ nên đưa từng lớp, nhóm nhỏ, để các em có điều kiện tìm hiểu sâu, khám phá, trải nghiệm về di sản, tìm hiểu về bảo tàng một cách sâu sắc, sáng tạo… Làm được như vậy thì trong tương lai, chúng ta sẽ có một thế hệ mới các cháu biết yêu, biết nhận diện, bình phẩm và tôn trọng lịch sử, di sản văn hóa của dân tộc - và đó là sự đầu tư cho tương lai hiệu quả.
Hơn nữa, ông Huy cho rằng, giáo dục di sản cho các thế hệ trẻ cũng không nhất thiết phải đến bảo tàng, di tích nổi tiếng mới học được, mà chúng ta có thể giáo dục trải nghiệm ngay tại địa phương. Ông tâm đắc với khái niệm “Di sản ở xung quanh chúng ta” bởi nếu hiểu và biết ứng dụng nó sẽ mở ra một khoảng trời rộng lớn cho giáo dục di sản.
Những huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), hay Mù Cang Chải (Yên Bái) lấy đâu ra bảo tàng cho học sinh đến học, nhưng ở đó có vô vàn những di sản , đó là những văn hóa vật thể như kiến trúc nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt, công cụ, những kinh nghiệm và tri thức dân gian vô giá của các chủ thể văn hóa.
Đó là kỹ thuật trồng ngô trên các hốc đá nuôi sống bao thế hệ người Mông, đó là kỹ thuật làm ruộng bậc thang, kỹ thuật xây nhà trình tường… Thầy cô giáo và các nhà văn hóa có trách nhiệm xây dựng học liệu và phương pháp giúp các em học sinh khám phá, hiểu và trân trọng. Đó chính là một dạng bảo tàng mở rộng, là sự vươn dài cánh tay của bảo tàng ra khỏi khuôn viên vật chất hạn hẹp của mình. Đó chính là tư duy bảo tàng không có tường rào.
Bài: Lan Lộc
Video: Phương Hà
Ảnh: Lan Lộc, Nguyễn Văn Thắng
Trình bày: Trần Thắng
Trong bài có sử dụng một số ảnh do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và nhân vật cung cấp
06/08/2018 08:54