Đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đến nay vẫn còn hoang sơ đến bí hiểm với những vách đá dựng đứng, những căn nhà nhỏ có phần lụp xụp. Con đường duy nhất lên đến đỉnh Hòn là 303 bậc đá gập ghềnh - thành quả sau bao ngày lao động vất vả của Bộ đội Biên phòng cùng bà con ngư dân nơi đây. Đảo nhỏ cách đất liền gần 40 km, tương đương 3 giờ di chuyển bằng tàu, ghe và chỉ có hơn trăm người dân sinh sống. Cuộc sống người dân nơi đây còn rất khó khăn, chủ yếu làm nghề đánh bắt cá và làm bè nuôi cá bớp.

Từ xa xa, đảo hiện lên là những ngôi nhà nhỏ, thậm chí có những nhà chỉ được quây tạm bằng bạt. Người dân ở đây kể, Hòn Chuối có ba gành: gành Nam, gành Chướng và gành Nồm. Mỗi năm họ phải chuyển nhà 2 lần: từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, người dân về sống ở gành Nam để tránh gió chướng và từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, họ lại về gành Chướng để tránh gió mùa tây nam. Thời điểm dọn nhà là lúc giao mùa, khi hai loại gió này chưa nổi lên, cả hai phía đảo đều lặng sóng. 

Đảo Hòn Chuối.

Mọi người vẫn đùa vui, Hòn Chuối toàn “nhà giàu”, bởi ai cũng có hai nhà nhưng khổ nỗi nhà nào cũng là tạm bợ và lụp xụp. Là một trong những hộ nằm gần sát biển, căn nhà của chị Kim Anh rất đơn giản, chỉ là mấy cái cột nhỏ cong queo dựng làm kèo, vách nhà được quây bằng bạt, nhà lợp bằng mái tôn cũ kỹ. Đồ đạc trong nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá, giữa nhà là cái võng bắc ngang. Chị Kim Anh cho biết, nhà chị thậm chí còn không có giường, chỉ để vài tấm ván kê lên lấy chỗ nằm mà thôi, bởi mỗi năm chuyển nhà 2 lần, nên càng ít đồ càng tốt. “Ra đảo cũng chục năm nay nhưng vẫn không thể ổn định, mỗi lần chuyển nhà vừa tốn kém tiền vận chuyển vừa mất thời gian cất nhà mới”, chị Kim Anh cho biết.

Một vài nhà có điều kiện hơn thì xây dựng kiên cố hơn, nhưng rồi cũng bị sóng đánh tan hoang. Nhà bà Nguyễn Thị Thanh Sang là một trong những căn nhà kiên cố nhất tại Hòn Chuối. Nhà được xây bằng gạch, nền lát đá hoa, nhưng bà Sang cũng luôn nơm nớp lo… mất nhà. Bởi cách đây không lâu, nhà bà cũng xây lên kiên cố, nhưng chỉ qua một trận bão đã bị sóng đánh sập. Khi chuyển về, gia đình bà lại mất nhiều công sức, tiền của mới được nhà như hiện tại. “Có nhà ở đây làm đi làm lại nhiều lần, vay nợ nhiều nên không xây dựng nữa, chỉ phủ bạt ở tạm thôi. Khổ lắm nhưng vẫn phải “sống chung” với bão gió vậy thôi”, bà Sang cho biết.

Hòn Chuối cũng được mệnh danh là hòn đảo “5 không”: Không đường, không điện, không trạm, không nước và... không chữ. Bao thế hệ trẻ nhỏ ở hòn đảo này không được học chữ, cuộc sống của chúng chỉ là những chuỗi ngày theo cha mẹ lênh đênh sóng nước kiếm cơm qua ngày. 

Cuộc sống ở Hòn Chuối đầy vất vả, gian nan là thế, vậy nhưng vẫn có một người chiến sĩ quân đội đang ở đất liền, nhất nhất nhiều lần xin lãnh đạo chuyển công tác ra đây. Đó chính là Đại úy Trần Bình Phục, chiến sĩ  Ðồn Biên phòng Hòn Chuối.

“Sau cơn bão Linda năm 1997 tàn phá dữ dội Cà Mau, tôi được tham gia đoàn cứu hộ cứu nạn đến đảo Hòn Chuối, điều đầu tiên bước lên đảo tôi thấy là những đứa trẻ ở đây không biết đọc, biết viết, sống bản năng, văng tục chửi thề. Lúc đó gạo không có ăn, lấy gì mà đi học. Đi học lúc đó với cha mẹ những đứa trẻ đó là cái gì lạ lắm”, Đại úy Trần Bình Phục kể.

Sau lần gặp đầu tiên ấy, hình ảnh những đứa trẻ trên đảo Hòn Chuối cứ đeo đẳng trong tâm trí người chiến sĩ, thôi thúc anh phải làm gì đó cho bọn trẻ ở đây. Vậy là anh viết đơn xin ra đảo. Sau nhiều lần thuyết phục lãnh đạo, anh đã được chuyển ra công tác tại Hòn Chuối, và rồi câu chuyện cổ tích bắt đầu từ đó.

Vượt qua hơn 300 bậc thang dốc thẳng đứng, hiện lên trước mắt chúng tôi là ngôi nhà nhỏ, nằm lọt thỏm giữa những tán cây um tùm, người dân nơi đây vẫn gọi ngôi nhà nhỏ đó bằng cái tên thân thương “Lớp học của thầy Phục”. Trước đây, lớp học chỉ là căn phòng dựng tạm, diện tích gần 50m2 với vách tôn, nền gạch, mái lợp pro xi măng và độ chục bộ bàn ghế do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối tận dụng gỗ cũ đóng lại. Điện không có nên nguồn chiếu sáng duy nhất của lớp học là ánh sáng mặt trời chiếu qua mái lợp từ vật liệu trong. Cách đây vài năm, trong trận giông to, lớp học xiêu vẹo suýt bị sập, đổ lên cả thầy và trò. May mắn, từ năm 2016, được sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm và Hội Liên hiệp thanh niên của Trung ương đoàn, một lớp học mới đã được xây dựng kiên cố hơn.

Một lớp học mới khang trang hơn mới được xây dựng giúp các thầy trò bớt vất vả.
Một lớp học mới khang trang hơn mới được xây dựng giúp các thầy trò bớt vất vả. 

Chứng kiến buổi lên lớp của thầy Phục mới thấy, chưa từng có lớp học nào đặc biệt đến vậy. Hiện tại, lớp học có 22 em, từ lớp 1 đến lớp 7, có cả học sinh khuyết tật với chỉ một thầy giáo duy nhất là thầy Phục. Thầy Phục vẫn nói đùa, lớp học cùng lắm chia hai đầu hai bảng mà lớp học ở đây sắp sửa thành hình chữ U, chữ O vì vòng tròn 4 bảng bao quanh lớp, dạy cho cả 22 em. Do cả đảo chỉ có một lớp học và chỉ có thể dạy buổi sáng nên thầy Phục phải dạy theo kiểu ghép lớp, mỗi buổi học thầy phải xoay như chong chóng với nhiều bài giảng khác nhau. Để học trò đỡ bị nhầm lẫn, thầy bố trí các môn học của các lớp không trùng nhau, ví dụ lớp 5 học Toán thì lớp 2 học Tiếng Việt, lớp 3 học Lịch sử, khi lớp này học thì lớp kia làm bài tập… Nhờ bố trí hợp lý mà lớp học lúc nào cũng giữ được kỷ luật, các buổi học diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.

Thầy Phục dạy các em tại lớp học. Ảnh: Thu Trang
Thầy Phục dạy các em tại lớp học. 

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, Đại úy, thầy giáo Trần Bình Phục kể, có những lúc khó khăn tưởng như không vượt qua được. Tất cả bắt đầu với con số 0 tròn trĩnh, một nơi không có gì, chỉ có một chiếc bảng đen không lành lặn, bàn ghế không có nói chi đến quyển sách, quyển vở. “Điều vất vả nhất là những ngày đầu, nhiều phụ huynh không tin rằng tôi có thể dạy cho con em họ biết chữ, một số người thì không muốn cho con đi học vì tiếc một công lao động của gia đình. Việc thuyết phục cho các cháu tới lớp là cả sự kiên trì. Phải mất 1 năm đầu, tôi không dạy được gì, chỉ đi thuyết phục các em đến lớp”, thầy Phục kể.

Đến giờ, thầy Phục vẫn nhớ như in những ngày đầu lên lớp, có học sinh tên Dũng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vất vả lắm mới thuyết phục được Dũng tới lớp, nhưng cũng chỉ được vài bữa thì em lại nghỉ học. Hôm đó, trời mưa tầm tã, thầy Phục xuống nhà thấy Dũng chuẩn bị đi câu, thầy xốc cậu học trò lên vai rồi chạy lên lớp học, hỏi cậu muốn đi học hay muốn đánh đòn. Cậu bé leo lên bàn nói thầy đánh con 2 roi rồi cho con đi câu, nói rồi cậu bỏ về. Từ ngày hôm sau, cứ đi dạy về, thầy Phục đều xuống đi câu cùng học trò, được bao nhiêu cá cho học trò đem bán, sau 1 tuần thì cậu bé quyết định lên lớp học.

Do không có chuyên môn về sư phạm nên việc đáp ứng được chương trình cấp tiểu học đã là một quá trình vất vả với thầy giáo quân hàm xanh. Nhưng sau đó học sinh học lên chương trình lớp 6, lớp 7 mà gia đình không có điều kiện đưa con vào bờ học nên thầy kiêm luôn cả chương trình cấp 2. “Nhiều kiến thức theo chương trình mới, muốn dạy được tôi phải điện thoại "cầu cứu" từ các thầy cô giáo trong đất liền”, thầy Phục kể.

Hàng ngày thầy giáo Phục xuống cõng học sinh lên lớp và trưa lại đưa các em xuống núi. Ảnh: Tiến Hưng

Những bài học đầu tiên đám trẻ con trên đảo Hòn Chuối được học không phải là học đọc, học viết mà chính là bài học làm người. Hơn một năm đầu, thầy giáo Phục phải rèn luyện cho học sinh từ cách chào hỏi, ăn nói lễ phép cho đến cách cầm bút, viết những nét chữ đầu tiên. Đến nay, tất cả các em đều rất lễ phép, hễ gặp người lớn là khoanh tay chào ngoan ngoãn.

Với những người dân trên đảo Hòn Chuối, thầy giáo Phục không chỉ là người thầy mà dường như còn là người cha thứ 2 của tụi nhỏ. Bà Phương, người dân tại đảo cho biết, chắc khó có người thứ 2 có thể làm được những điều mà thầy Phục từng làm. Hồi mới mở lớp, nhiều đứa bé mà leo bậc thang cao, có đứa ngã nặng phải chở vào đất liền, từ đó cứ sáng sớm thầy lại xuống đón học trò, đứa bé nhất thì thầy cõng, đứa lớn dắt đứa nhỏ hơn. Từ ngày có lớp học của thầy Phục, tụi trẻ con trở nên ngoan ngoãn và lễ phép hẳn. Không còn thấy chúng chửi bậy, văng tục nữa và cũng rất nghe lời ông bà, bố mẹ.

Thầy giáo Trần Bình Phục chụp ảnh cùng học sinh tại lớp học. Ảnh: Tiến Hưng
Thầy giáo Trần Bình Phục chụp ảnh cùng học sinh tại lớp học. Ảnh: Tiến Hưng

Trong suốt 8 năm đứng lớp, có biết bao kỷ niệm vui, buồn của người thầy. Nhưng có những kỷ niệm mỗi khi nhắc đến, người chiến sĩ Trần Bình Phục vẫn không cầm được những giọt nước mắt. Đó là câu chuyện một học sinh tại đảo, từ nhỏ tới lớn chưa được bú sữa mẹ bao giờ vì mẹ mất sớm. Đợt đó cha em đi vắng lâu ngày, trên đường đi em thấy con chó đang ăn miếng mỡ, đói quá nên em giật lấy thì bị con chó cắn cho rách mặt. 

“Con nhỏ vừa khóc vừa chạy lên đồn cho tôi lau vết thương. Tôi hỏi thì con bé nói con đói quá, con giật để ăn thì con chó cắn con, Tôi thấy vừa xót xa vừa có lỗi, thấy mình có trách nhiệm trong đó, nếu tôi quan tâm hơn một chút có lẽ đã không xảy ra chuyện đó”. Nhắc lại kỷ niệm, đôi mắt người lính trở nên đỏ hoe.

Thầy Trần Bình Phục được nhận tấm gương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2018.
Thầy Trần Bình Phục được nhận tấm gương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2018.

Một lần, vô tình đi qua quán mỳ gần lớp học, thầy Phục thấy một em học sinh ngồi nhìn bạn ăn mỳ tôm mà nuốt nước miếng. “Thấy cảnh đó, tôi thật sự xót xa vô cùng. Từ đó, tôi bảo với chị chủ quán, em nào không có tiền thì chị cứ làm cho các cháu ăn, rồi ghi cả tháng, khi lấy lương tôi sẽ trả. Thế nhưng các em rất ngoan và trung thực, chỉ bảo nhau ăn chung một gói mì, uống chung một chai nước, tuyệt đối không tùy tiện ăn uống dù không ai nhắc nhở”, thầy Phục kể.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy Phục đã được đền đáp với sự trưởng thành từng ngày của các em học sinh. Vài năm nay, lớp học đã được làm chứng thực học bạ để các em có thể vào đất liền tiếp tục học lên các cấp tiếp theo. Hiện có 3 em chuyển vào đất liền đã học hết lớp 10, chuẩn bị lên lớp 11, các em đều được đánh giá tốt. Điều này chứng tỏ cách dạy của thầy Phục đã giúp các em tiếp cận được và theo kịp các bạn.

Điều khiến thầy Phục cảm thấy hạnh phúc hơn cả, là từ chỗ không muốn đến lớp học hoặc đến lớp cũng chỉ để biết chữ, thì nay những đứa trẻ ở đây đã hiểu đi học vì điều gì.

“Ngoài biết chữ thì nay các em đã biết nuôi dưỡng ước mơ, có cháu muốn làm cô giáo, cháu muốn bác sĩ. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất bây giờ là ngoài việc dạy cho các em biết chữ là thắp cho các em ngọn lửa để các em có khát vọng sống, biết ước mơ, để vươn lên”, thầy Phục vui vẻ nói.

Thông thường, sau một thời gian thì các chiến sĩ sẽ phải luân chuyển công tác. Nhưng vì tình yêu, sự gắn bó với lớp học mà cũng nhiều lần, thầy giáo Phục xin được ở lại để gắn bó với lớp học và hòn đảo này. 

Bản thân đang mang trong mình căn bệnh ung thư, thế nhưng mọi nỗ lực, tâm sức, người chiến sĩ Trần Bình Phục vẫn luôn hướng về lớp học. Bản thân mang bệnh như vậy, nhưng người thầy giáo trẻ mang quân hàm xanh vẫn chưa bao giờ ngần ngại với ước mơ nâng đỡ cuộc sống cho các cháu bé: “Còn chiến đấu, cố gắng được ngày nào thì tôi cũng sẽ cố gắng... Tôi chỉ mong muốn học trò của mình được quan tâm nhiều hơn, có được một lớp học đúng nghĩa cho các em, để các em được học lên cao, trưởng thành để xây dựng Hòn Chuối ngày càng vững vàng hơn”, thầy Phục chia sẻ.

Bài: Thu Trang
Trình bày: Trần Thắng

13/07/2018 02:00