Hoàng Trọng Khánh hiện đang là công nhân phân xưởng thuốc sát trùng của  Công ty Liên doanh Bio – Pharmachemie thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên. Nếu anh làm công nhân hơn 10 năm, thì có đến 8 năm anh là thầy giáo “bất đắc dĩ” của nhiều thế hệ học trò trong cái xóm lao động nghèo ở đường số 2 của phường Phước Long B. Trong căn phòng trọ hơn 20 m2 của anh, tối nào cũng luôn vang tiếng cười đùa, đọc bài của các em học sinh.

Nhắc đến cơ duyên với nghề “gõ đầu trẻ” này, anh Khánh chia sẻ: “Cách đây gần 8 năm, trong một dịp tình cờ ghé thăm nhà một người bạn tại khu Gò Mả (quận 9)  thấy 4 đứa trẻ túm tụm ôn bài, cãi nhau về đáp án nhưng đáp án nào cũng sai. Thấy vậy nên mình vô chỉ mấy đứa, chỉ hăng say tới tối mà chưa muốn về. Được vậy, mấy đứa năn nỉ mình hôm sau quay lại giảng bài giúp, thế là mình bén duyên với đám trẻ tại xóm nghèo này từ đó”.

Từ cơ duyên đó, anh Khánh trở thành người thầy giáo “bất đắc dĩ” của bọn trẻ con trong xóm trọ nghèo này. Sau những buổi chỉ dạy cho các em, “tiếng lành đồn xa”, số lượng các em học sinh đến theo học ngày một đông hơn nên “thầy Khánh” đã chuyển “lớp” từ một góc nhà ra khoảnh sân trống mà một người bạn… cho mượn. Thấy lớp học đông, sợ ảnh hưởng tới sinh hoạt của gia đình chủ nhà, anh Khánh quyết định thuê luôn một căn nhà nhỏ để các em có chỗ ngồi học ổn định.

Khi mở lớp, lớp học chỉ có 3-5 em, nhưng tiếng lành đồn xa, nay lớp học ngày càng có đông các em học sinh. Sĩ số lớp lúc nào cũng từ 30 em trở lên với đủ các khối, từ lớp 6 đến lớp 9. Nhiều phụ huynh nhà ở xa còn lặn lội chở con xuống nhờ tôi chỉ dạy thêm cho các em. Các lớp học miễn phí chủ yếu dành cho các em ở xóm trọ nghèo với những môn như tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa. Ngày nào cũng vậy, sau giờ làm ở công ty, anh dạy đều đặn 6 buổi/tuần. 

Anh công nhân dạy học trẻ em xóm nghèo 1
Các em học sinh đến học lớp thầy Khánh có trình độ học vấn từ lớp 6 đến lớp 9.

Sau khi được “dự thính” tiết học môn hóa lớp 9 với bài “Hợp chất vô cơ”, khó có ai nghĩ đây là lớp học tự phát do một anh công nhân học hết lớp 12 đứng lớp nếu không được thông báo trước. Trong trang phục chỉn chu, lời giảng rõ ràng, rành mạch, những câu hỏi logic xâu chuỗi kiến thức để phân loại các chất và những cánh tay phát biểu hăng say... khiến “lớp học của chú Bio” – cái tên gọi thân thương mà tụi nhỏ đặt cho Khánh –  trở nên sôi động và đầy hào hứng. Sỡ dĩ lớp học của Khánh được gọi là “lớp học của chú Bio” là bởi ngoài vai trò là một người thầy khi màn đêm buông xuống, thì ban ngày thầy Khánh còn là công nhân của công ty Công ty Liên doanh Bio – Pharmachemie. 

Để có lớp học ổn định cho học trò, Khánh đã trích từ chính tiền lương công nhân để thuê nhà làm phòng học. Khánh cho biết: “Điểm chung của các em học sinh trong lớp đều là hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học thêm hoặc thuê gia sư dạy kèm. Ba mẹ các em lại rất vất vả mưu sinh nên không có nhiều thời gian dạy các em học tập. Có không ít em sức học kém, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì có nguy cơ bỏ học rất cao. Vì vậy, mình không đành bỏ các em và chỉ biết cố hết sức mình, giúp được các em tới đâu mình sẽ giúp tới đó”. 

Nhằm cập nhật kiến thức mới thường xuyên để dạy cho học trò của mình, Khánh phải luôn mày mò tự học từng ngày. Khánh cho biết, anh phải tự mày mò học ở sách giáo khoa, học trên mạng internet và thậm chí học từ chính những thầy cô đang dạy các em ở trường. “Kiến thức là vô tận, dù học thật nhiều nhưng vẫn chưa đủ để dạy các em học sinh mỗi khi các em cần. Mỗi lần nhận một em học sinh, tôi thường xin số điện thoại của thầy cô chủ nhiệm các em để hỏi thăm thầy cô về cách dạy của thầy cô đó và khi về nhà tôi sẽ dạy kèm các em gần với cách dạy của thầy cô đó”, Khánh cho biết. 

“Mình không dạy kiến thức mới của buổi học trước mà chỉ giúp các bạn học sinh ôn lại những kiến thức cũ và giải những bài tập khó ở trường các em còn băn khoăn chưa giải được. Ngoài ra, ở lớp, mình hướng dẫn cách để các bạn học sinh có thể tự học và có ý thức trong học tập, như vậy thì mới tiến bộ đươc. Đặc biệt, lớp học của tôi vừa dạy kiến thức vừa dạy các em phát triển nhân cách theo hướng tích cực. Vì vậy, trong lớp học, ai muốn phát biểu đều được mọi người hoan nghênh, cổ vũ. Trong các bài giảng, các em học sinh dù có trả lời sai cũng được khuyến khích đứng lên trả lời, thông qua đó tôi muốn dạy các em sự tự tin khi phát biểu. Do đó, trong lớp học của mình, các em học sinh đều rất thích thú phát biểu ý kiến và tự tin", Khánh nói thêm.

Anh công nhân dạy học trẻ em xóm nghèo 2
Để các em học sinh biết yêu thương mọi người, thầy Khánh còn tổ chức các buổi đi chơi dã ngoại,
đi làm từ thiện cho các học trò của mình cùng tham gia. 

Trong lớp học của Khánh, mỗi khi cuối năm, có các em học trò nào đạt điểm cao, Khánh luôn trích một phần trong đồng lương công nhân của mình mua những phần quả nhỏ như tập, bút, ba lô để tặng các em. Ngoài ra, tận dụng khoảng vườn nơi khu trọ rộng rãi, Khánh còn tăng gia nuôi thêm gà để “bồi dưỡng” học trò của mình. Mới đây, khi được công ty thưởng cho 4 triệu đồng, không ngần ngại, Khánh lấy ngay số tiền đó mua gần chục bộ bàn ghế cho học trò và hai chiếc bảng viết cho các em học tươm tất hơn. 

Gắn bó với lớp học của Khánh, em Phạm Hoàng Phúc (học sinh Trường THCS Tăng Nhơn Phú B), sau cả năm được Khánh kèm cặp đã kết thúc năm học với điểm khá cao ở những môn tự nhiên. “Ba mẹ con cũng là công nhân nên con không có điều kiện đi học thêm như các bạn. Chú Khánh dạy cũng không khác gì thầy cô trên lớp, chú lại vui tính và dễ gần. Học mà như chơi, chơi mà lại học nên con rất thích theo học lớp của chú Khánh”, em Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Phương (ngụ ở quận 9), mẹ của 2 em Huy Hoàng và Kim Thoa cho hay: "Hai vợ chồng tất bật với cuộc sống mưu sinh, không có thời gian chỉ bảo thêm nên học lực 2 con rất yếu. Tuy nhiên, khi nghe có "lớp học của chú Bio" dạy rất dễ hiểu lại dễ gần với các em học sinh nên tôi đã gửi 2 bé học ở đây. Sau một thời gian được "chú Bio" dạy dỗ, các con nắm được căn bản, năm học vừa qua các bé cũng tiến bộ rất nhiều".

Ngoài 30 tuổi nhưng Khánh vẫn chưa nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình mà dành hết công sức, thu nhập để duy trì lớp học. Dạy miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Khánh còn tích cực tham gia các chiến dịch tình nguyện, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, Giờ thứ 9... mà công ty phát động.

“Tôi vẫn độc thân, sống sao cũng được, chỉ lo mấy đứa trẻ con nhà nghèo không có điều kiện học thêm lại có nguy cơ bỏ học nên tôi làm thôi. Chỉ mong các em luôn tiến bộ và đi học đầy đủ là tôi vui rồi. Tôi sẽ luôn theo các em đến khi nào không còn sức khỏe thì mới thôi”, Khánh bộc bạch.

Anh công nhân dạy học trẻ em xóm nghèo
Thầy Khánh được trao tặng nhiều bằng khen của thành phố do có công duy trì “lớp học đặc biệt”.
 

Bài và ảnh, clip: Hoàng Tuyết
Trình bày: Trần Thắng

 

29/06/2018 02:30