Ở tuổi 83 nhưng Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà (TP Yên Bái) vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát lắm. Tôi đặc biệt ấn tượng với nụ cười thân thiện, sảng khoái của ông, bởi nó toát lên niềm lạc quan, tự tin trên gương mặt người kỹ sư già. 

Trò chuyện với tôi, nhưng ông không sao ngồi yên được. Loáng thấy ông chạy xuống khu xưởng, đứng bên mấy chiếc máy trao đổi với cánh thợ. Lúc lại thấy ông tất bật với đống giấy tờ, bản vẽ thiết kế và cải tiến máy móc. Khi khác lại thấy ông kiên nhẫn trả lời điện thoại, trao đổi và tư vấn khách hàng cách sử dụng máy móc…   

Xưởng cơ khí chế tạo máy nằm kề ngôi nhà ông đang ở, bên cánh đồng lúa, không lúc nào ngơi tiếng hàn xì, tiếng máy cắt, tiếng mài giũa kim loại. Công nhân mỗi người một việc, ai nấy đều cần mẫn, tỉ mỉ chế tạo từng bộ phận để chuẩn bị cho việc lắp ráp máy theo đơn đặt hàng. Xưởng có gần 30 công nhân, thường xuyên sản xuất hơn 40 lại máy móc khác nhau, hầu hết là máy móc phục vụ sản xuất, chế biến nông – lâm sản. Các sản phẩm máy so ông chế tạo được nông dân và các doanh nghiệp ở Yên Bái và các tỉnh, thành trên cả nước đặt hàng. 

Kỹ sư già Vũ Hữu Lê - người sáng chế máy nông cụ

Chỉ tay vào từng chiếc máy đang từng bước được hoàn thiện trong xưởng, ông Lê hồ hởi giới thiệu: Đây là máy vò chè, đây là máy ép sợi miến dong, máy chế biến tinh bột nghệ, kia là máy ép phân rúi, máy đóng bịch nấm giống… tất cả đều là tôi nghiên cứu, chế tạo, để người dân sử dụng trong sản xuất, chế biến.

Sinh ra và lớn lên ở Hạ Hòa, Phú Thọ, trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ, ông Vũ Hữu Lê đã phải làm lụng việc đồng áng, nên ông rất hiểu và cảm thông với nỗi vất vả của người nông dân. Chính vì vậy, ngay sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông đã ấp ủ ước mơ giảm bớt  nỗi vất vả cho người nông dân. Với sở trường là kỹ sư chế tạo, ông nghĩ ngay đến việc chế tạo máy móc hỗ trợ bà con nông dân, vừa giúp giải phóng sức lao động, vừa  nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhưng để có thể chế tạo máy, đầu tiên là cần có vốn. Vậy là ông nghĩ cách kiếm tiền, để thực hiện giấc mơ của mình. 

Kỹ sư già Vũ Hữu Lê - người sáng chế máy nông cụ

Ông Vũ Hữu Lê kể, sau 19 năm làm giám đốc, đến khi về hưu, gia tài mà ông có trong tay là một chiếc xe máy Simson cũ, cùng với 1 triệu đồng tiền mặt.  Ông đã dùng chiếc xe máy cũ đi khắp các ngõ ngách thu mua sắt vụn, rồi mang bán lấy lãi. Số tiền kiếm được ông dành để mua các loại máy công cụ, như máy tiện, máy phay, máy bào… để phục vụ cho giấc mơ chế tạo máy của mình. “Lúc đó tiền không đủ, nên mỗi lần tôi chỉ mua được một loại máy, rồi sau đó lại tích cóp, dành tiền mua tiếp máy khác… Sau 3 năm, tôi đã sắm được đủ các máy công cụ cần thiết, và bắt đầu chế tạo chiếc máy đầu tiên” ông Vũ Hữu Lê nhớ lại. 

Kỹ sư già Vũ Hữu Lê - người sáng chế máy nông cụ

Chiếc máy đầu tiên ông chế tạo là để phục vụ công việc làm phân vi sinh cho Công ty vật tư nông nghiệp. Nhưng phải đến chiếc máy thứ 2, là máy vò chè đầu tiên ở Việt Nam, mọi người mới bắt đầu biết nhiều đến ông. 

Yên Bái là vùng đất trồng rất nhiều chè, nhưng việc chế biến chè sau thu hoạch vẫn chủ yếu được làm thủ công. Trong một lần đến vùng chè, thấy người dân còng lưng ngồi vò từng cân chè bằng tay, hoặc lấy chân giẫm nhìn rất mất vệ sinh, mà hiệu quả cũng không cao, ông nghĩ “nếu có một chiếc máy để làm công việc này thì thật tốt”. Trò chuyện với những người làm chè, ông được biết, máy vò chè trên thị trường cũng có, nhưng là máy nhập khẩu từ nước ngoài về, và giá rất cao, từ 200-300 triệu đồng. Những năm 1995-1996, số tiền này là quá lớn, và nhiều hộ dân không thể trả nổi. Thế là trong đầu ông nảy ra ý tưởng, nghiên cứu và chế tạo máy vò chè giá rẻ. Nghĩ là làm, ông tìm đến nơi có chiếc máy nhập khẩu để tìm hiểu, rồi sau đó ông về nghiên cứu, chế tạo thử.

Kỹ sư già Vũ Hữu Lê - người sáng chế máy nông cụ

Sau nhiều ngày nghiên cứu, ông bắt tay vào chế tạo từng bộ phận của máy. Do không có nhiều tiền, nên để tiết kiệm chi phí, rất nhiều chi tiết khó trong máy được ông làm thử bằng gỗ, đến khi ổn, ông mới cho chế tạo bằng sắt, thép. Dần dần, từng bộ phận chi tiết lần lượt được hình thành, chỉnh sửa và hoàn thiện. “Một chiếc máy có hàng trăm chi tiết lớn, nhỏ khác nhau, và yêu cầu cần độ chính xác tuyệt đối. Nếu sai sót kỹ thuật, dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhất, thì máy cũng không thể vận hành…”, ông Nguyễn Hữu Lê chia sẻ. 

Vậy là, sau nhiều đêm thức trắng, mất ăn, mất ngủ bên bản vẽ, sau hàng chục lần thử nghiệm, rồi thất bại, rồi lại thử… sau 2 năm, ông đã chế tạo thành công chiếc máy chế biến chè mi ni đầu tiên, có công suất và chất lượng làm ra chè tương đương với máy nhập ngoại, mà giá thành thấp hơn nhiều so, rất phù hợp cho sản xuất nông hộ. “Tôi còn nhớ, chiếc máy đầu tiên ấy, được bán cho một bà tên là Sen ở Phú Thọ, với giá 25 triệu đồng. Đó là vào năm 1998”, ông Vũ Hữu Lê nhớ lại.   

Sau khi chiếc máy đầu tiên ra đời, những người làm chè ở Yên Bái và ở nhiều nơi khác tìm đến ông đặt hàng, xưởng của ông khi ấy làm không hết việc. Để tăng độ bền và giảm chi phí chế tạo, ông cải tiến máy bằng cách chỉ sử dụng máy gia công vừa và nhỏ, tận dụng hộp số ôtô, cải tiến hệ thống cuaroa cho máy vò nhỏ. Năm 2001, ông mang hồ sơ chế tạo máy vò chè cải tiến đi đăng ký bản quyền và được chứng nhận Giải pháp hữu ích của Cục Sở hữu trí tuệ. 

Từ thành công ban đầu, ông Lê tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và chế tạo các loại máy móc thiết bị khác như: máy sàng tơi, máy sấy, máy tạo hình chè Ô Long, máy sàng 5 vòi phân loại chè, máy trộn chè… 

Mảnh đất Yên Bái, nơi ông sống và làm việc vốn trồng nhiều quế. Những lần lang thang đến vùng trồng quế, ông thấy người dân chỉ khai thác thân cây quế, còn cành quế nhỏ và lá quế bỏ khô rồi đem đốt rất lãng phí. Về nhà, ông lại trằn trọc nghĩ đến việc, làm một cái máy để tạo ra sản phẩm hữu ích từ việc tận dụng cành và lá quế. Và hệ thống chưng cất tinh dầu quế, được thiết kế theo nguyên lý hấp ra đời. Với hệ thống này, mỗi kg nguyên liệu cành lá, cho từ 0,6-0,7 lít tinh dầu quế, với hàm lượng tinh dầu đạt trên 80%.

Tương tự, ý tưởng chế tạo chiếc máy ép sợi miến cũng ra đời từ sau một lần đến làng nghề làm miến dong. Ông bảo, nhìn thấy bà con ép miến bằng tay vất vả quá, mà năng suất lại thấp. Thế là ông về nghiên cứu, chế tạo chiếc máy ép sợi miến theo phương pháp đùn ép, giúp tiết kiệm sức lao động và đạt năng suất cao hơn. Ông còn chế tạo thêm lò sấy buồng đốt, giàn sấy di động… giúp người dân phơi miến sạch và nhanh khô. 

Ông Chiến, chủ một hộ sản xuất ở làng nghề chế biến miến Giới Phiên (Yên Bái) cho biết, sản phẩm máy ép miến của ông Lê rất dễ sử dụng, giúp gia đình ông tiết kiệm chi phí và đỡ rất nhiều công sức lao động. Trước đây, nếu làm cật lực, gia đình ông cũng chỉ ép được khoảng 30kg miền/ngày, nhưng khi dùng máy ép sợi miến, 1 ca làm việc, gia đình ông đã ép được đến 200kg. Hơn thế, khi ép bằng tay, do lực không đều, nên sợi miến không đồng đều, hay bị gãy. Còn ép bằng máy, sợi miến nhỏ, đều, không bị đứt và dai - ngon hơn nhiều… 

Và cứ thế, những chiếc máy hỗ trợ người nông dân lần lượt ra đời, từ máy rửa, máy nghiền củ dong, hệ thống lọc bột dong, máy khuấy hồ bột dong chín, máy ép sợi miến dong…; máy vò chè đen, xanh, bom sao chè xanh, máy sàng chè tươi, máy sàng bằng phân loại chè, máy sao chè, máy tạo hình chè…; máy trộn cám cưa, máy đóng bịch nấm giống; máy rửa củ nghệ, máy nghiền củ nghệ, hệ thống lọc bột nghệ, hệ thống chưng cất tinh dầu nghệ; máy băm cành lá quế, nồi chưng cất tinh dầu quế, hệ thống chưng cất tinh dầu quế; máy ép phân viên rúi sâu… Tính đến nay, ông đã sáng chế ra nhiều loại máy khác nhau, với công suất và kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. 

Dù đã bước sang tuổi 83, nhưng ông Vũ Hữu Lê vẫn không ngừng học hỏi, mở mang kiến thức. Ông bảo, lúc nào, chỗ nào cũng là trường học. Những cuộc giao lưu, gặp gỡ những người bạn ở khắp mọi miền đất nước là một môi trường tốt để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, dù tuổi cao, nhưng ông nhất quyết không để mình bị “tụt hậu” giữa thời đại công nghệ thông tin. Hàng ngày, ông thường xuyên lên mạng đọc báo, cập nhật tin tức, tìm hiểu nhu cầu của bà con nông dân trên mọi miền tổ quốc. Ông nói vui: “Giờ khắp nơi người ta 4.0 rồi, nên mình cũng không thể tụt hậu được. Tôi thường xuyên đọc báo, tìm hiểu kinh nghiệm và trao đổi trên mạng, để có những ý tưởng thiết kế máy theo kịp với nhu cầu của bà con, của thời đại công nghệ hiện nay”.    

Không chỉ vậy, đến nay, ông vẫn thường xuyên tham gia những chuyến đi đến các tỉnh thành, đến những vùng sâu, vùng xa ở khắp mọi miền tổ quốc. Đi để xem máy mình chế tạo ra bà con dùng có tốt không, có cần phải cải tiến gì không. Đi để tìm hiểu cuộc sống của bà con, xem bà con cần gì, để khi về có thêm ý tưởng sáng tạo máy móc. “Chỉ cần quan sát bà con lao động hàng ngày, là tôi nghĩ ngay ra ý tưởng chế tạo máy hỗ trợ bà con trong sản xuất, với mong muốn chia sẻ bớt gánh nặng với bà con”, ông Vũ Hữu Lê chia sẻ. 

Xuất thân từ nông dân, đã từng nếm trải những vất vả của nhà nông, nên ông đồng cảm và rất thương bà con, khi cứ mãi phải đánh vật với những lao động tay chân nặng nhọc. Thêm vào đó, ông thấy mình may mắn khi được Đảng, Nhà nước ưu ái, tạo điều kiện cho ông được đi học ở nước ngoài. Trước khi đi, ông đã hứa trước Đảng bộ Yên Bái, là sau khi học về sẽ nỗ lực hết mình phục vụ địa phương. Và đến nay, ông vẫn thực hiện lời hứa đó một cách nghiêm túc, như một sự tri ân, bởi có bao người đổ xương máu để bảo vệ Tổ quốc, để ông có cơ hội được đi học, “nếu không làm, tôi cứ cảm thấy mình mắc nợ nhân dân”, ông Vũ Hữu Lê tâm sự. 

Mỗi một chiếc máy do ông chế tạo, đều được làm một cách cẩn thận tỉ mỉ. Từ ý tưởng ban đầu, ông tìm hiểu nhu cầu, tham khảo ý kiến của người dân, của những bên liên quan. Khi bản vẽ phác thảo hình thành, ông lại tham khảo ý kiến của chính những người công nhân chế tạo máy trong xưởng của mình để cho ra một sản phẩm tốt nhất. “Trong chế tạo máy móc, tôi là thầy của nhiều người, nhưng đồng thời nhiều người cũng thầy của tôi. Bởi mỗi người đóng góp một ý, dù là rất nhỏ, cũng giúp tôi rất nhiều trong công việc”, ông Vũ Hữu Lê nói. 

Ngoài xưởng chế tạo máy nông lâm nghiệp, ông còn thành lập thêm xưởng thực nghiệm (lấy tên là Hợp tác xã ứng dụng khoa học). Đây vừa là nơi thực nghiệm hiệu quả của máy móc, thiết bị mà ông chế tạo ra, vừa là nơi để ông trực tiếp hướng dẫn nông dân cách sử dụng những loại máy móc đó. Biết nhiều hộ gia đình không có điều kiện, ông áp dụng chính sách bán máy trả chậm cho nông dân, chấp nhận đổi máy lấy sản phẩm do chính người nông dân làm ra.

Tâm huyết với nghề, nhưng ông cũng còn nhiều trăn trở lắm. Nhiều năm qua, ông luôn mong mỏi có thể đào tạo bồi dưỡng lớp trẻ kế cận công việc của mình, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được. Ông thấy buồn, khi thấy lớp trẻ giờ thường ngại việc khó. Chế tạo máy móc quá phức tạp, mất rất nhiều thời gian, công sức, mà lợi nhuận không cao, nên nhiều người không muốn học. 

Tiễn chúng tôi ra về, ông Lê băn khoăn, công việc chế tạo máy phức tạp, khó khăn hơn nhiều doanh nghiệp sản xuất khác, nhưng lại không có chính sách ưu đãi nào từ việc vay vốn, hay ưu đãi về thuế. 

Những sản phẩm máy móc ông Vũ Hữu Lê chế tạo vô cùng hữu ích với những người nông dân miền núi Yên Bái, nơi ông sống và làm việc, cũng như nông dân ở các tỉnh lân cận. Nhìn đôi tay dẻo dai, đôi mắt sáng tinh nhanh của ông, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, tôi tin rằng ông còn nung nấu sẽ sáng tạo thêm nhiều máy phục vụ bà con nông dân, để thực hiện ước mong “cho người nông dân bớt khổ”. Và với những gì đã làm, ông đang trả nghĩa mảnh đất Yên Bái bằng cả tấm lòng. 

Kỹ sư già Vũ Hữu Lê - người sáng chế máy nông cụ

Bài: Lan Lộc
Ảnh: Tuấn Anh - Việt Dũng
Clip: Tuấn Anh - Phương Hà 
Trình bày: Trần Thắng

 

22/06/2018 04:15