Gần 4 năm qua, Lê Thành Trung đã đưa hơn 1.100 người đi đăng ký hiến tạng tự nguyện. Điều đặc biệt là có rất nhiều người dù chưa từng gặp mặt cũng tự tìm đến anh để chia sẻ mong muốn hiến mô, tạng sau khi chết não. Niềm tin ấy có lẽ xuất phát từ những việc anh làm khi tham gia các nhóm thiện nguyện, tổ chức các hoạt động giúp đỡ người nghèo, trẻ em bị bỏ rơi, bà mẹ đơn thân... và bởi anh luôn tâm niệm “ý nghĩa cuộc sống không phải là bao nhiêu năm mà là làm được bao nhiêu điều tử tế”.
Nhìn trời như có cơn mưa, cụ Cân vội vàng gói ghém mấy món đồ chơi, vài cuốn sách lèo tèo bày bán vào chiếc túi để về phòng trọ ở Thanh Xuân (Hà Nội). Cụ sợ mưa sẽ đi không kịp. Mọi người gần đó thường gọi thân mật cụ Đinh Thị Thanh là cụ Cân (hay cụ Hạnh) vì bao nhiêu năm nay cụ mưu sinh bằng nghề cân dạo ở quanh khu vực Bách hoá Thanh Xuân. Ở tuổi 88, số phận éo le, chồng con mất sớm khiến cụ cô quạnh một mình, lay lắt sống qua ngày bằng số tiền cân, bán đồ chơi ít ỏi.
Nhìn cụ già yếu, tưởng như luôn cần sự giúp đỡ của người khác, nhưng ít ai biết cụ còn làm được những điều mà nhiều người chưa dám làm. Mới đây cụ đã đến tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Hà Nội) để ký vào đơn tình nguyện hiến mô, tạng khi chết não.
Đã từng đến thăm nom, giúp đỡ cụ, anh Lê Thành Trung ,"thủ lĩnh" Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội, là người hiểu khá rõ hoàn cảnh của cụ. Biết cụ Cân có nguyện vọng hiến tạng, anh đã đến tận nơi chở cụ đi.
"Anh Trung tốt với tôi lắm, hay hỏi thăm nên biết tôi có ý định hiến tạng; lại sợ người già không đi xa được, nên đã tự đến và chở tôi lên Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, dẫn vào tận nơi đăng ký, rồi lại đưa tôi về. Tôi nghĩ trên đời vẫn còn nhiều người tốt, vì thế người nghèo như tôi không có gì chỉ có việc hiến tạng là cách duy nhất có thể làm để giúp đỡ người khác. Tuy đã già nhưng mắt tôi vẫn còn khoẻ, tim gan còn tốt lắm. Tôi hiến được hết", cụ Cân quả quyết.
Câu chuyện về bà cụ cân dạo mong muốn hiến tạng cứu người đã làm lay động bao nhiêu trái tim. Với anh Trung, bà cụ là người khiến anh luôn khâm phục.
Mấy năm nay, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã quá quen thuộc với sự xuất hiện thường xuyên của anh “Trung Lê”- tên nick name thân mật mà nhân viên của Trung tâm thường gọi anh Lê Thành Trung. Cứ mỗi lần thấy anh Trung đến cùng một vài người, là ai cũng biết sắp có thêm những lá đơn xin hiến mô, tạng cùng rất nhiều câu chuyện vui, buồn, cảm động đằng sau đó được chia sẻ.
Có lần, anh đưa một cô gái trẻ đến đăng ký hiến tạng, trước khi cô tạm biệt Hà Nội đi lập nghiệp ở một vùng đất mới. Đó là Nguyễn Mai Anh (quê ở Ninh Bình), cô gái đã quyết tâm thực hiện bằng được tâm nguyện của mình chỉ cách vài tiếng đồng hồ trước khi bước lên chuyến tàu để mở sang trang khác của cuộc đời. Mới cách đó mấy hôm, cô chia tay bạn trai. Trước khi lên đường, Mai Anh gọi điện chào tạm biệt người yêu cũ và cũng thổ lộ chuyện sẽ đăng ký hiến tạng.
“Anh ấy đã vô cùng hoảng hốt vì cho rằng đó là do tôi nghĩ quẩn sau khi chia tay, mà không biết rằng tôi đã có tâm nguyện này từ rất lâu rồi. Điều khiến tôi quyết tâm thực hiện bằng được việc ký vào lá đơn hiến tạng là nhờ những câu chuyện truyền cảm hứng của anh Trung Lê”.
Trước đó, Mai Anh đã từng biết Trung Lê qua một số hoạt động thiện nguyện. Biết anh là một tuyên truyền viên hiến mô, tạng nên cô thường xuyên theo dõi facebook của anh, ngày ngày trải nghiệm những câu chuyện thú vị, cảm động mà anh chia sẻ. Qua các hoạt động, cô biết anh là người tốt, đã từng làm nhiều việc giúp ích cho cộng đồng; thậm chí còn rất ngưỡng mộ và yêu quý anh dù trước đó chưa từng gặp mặt.
Cô cũng đã nhiều lần có ý định nhắn tin cho anh để hỏi về thủ tục đăng ký hiến tạng. Nhưng dường như duyên chưa tới nên cô cứ chần chừ mãi. Đến khi sắp rời khỏi Hà Nội, cô mới quyết định gọi điện để nhờ anh dẫn đi đăng ký.
“Tôi gọi điện thoại và khá bất ngờ vì anh Trung nhận lời ngay, anh hẹn tôi 10 rưỡi sáng cùng đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Trong khi đó, 2 giờchiều là tôi đã phải ra ga Hà Nội để lên tàu. Dù gấp gáp nhưng vì đã quyết tâm, tôi nhận lời anh và cả hai anh em đều đến đúng giờ”, Mai Anh chia sẻ.
Ký vào lá đơn đăng ký và nhận tấm thẻ hiến tạng xong, cô gái trẻ vẫn còn nấn ná chuyện trò mãi, căn phòng nhỏ tiếp khách của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thêm vui vẻ, ấm áp tình người không chỉ bởi vừa có thêm một lá đơn tình nguyện hiến tặng sự sống cho người khác, mà ở đó còn có sự sẻ chia, thấu hiểu lẫn nhau.
Bằng những hoạt động hỗ trợ, tận tình hướng dẫn, Lê Thành Trung như chiếc cầu nối giúp nhiều người biết đến và tình nguyện ký vào lá đơn xin hiến tạng sau khi chết não.Với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, anh dường như là tình nguyện viên nhiệt tình nhất, dù chẳng có một đồng tiền công, chẳng một chút vụ lợi.
Tôi cũng may mắn vì đã có tới 26 năm làm thiện nguyện, có cơ hội tiếp cận với nhiều người, chứng minh được cho họ thấy mình làm điều đúng thông qua những hoạt động ấy. Chỉ cần biết đến các chương trình tình nguyện của chúng tôi là họ cũng có thể biết thêm những câu chuyện về hiến tạng, vào một ngày nào đó có thể chính họ sẽ là người đăng ký”, anh Trung chia sẻ.
Anh Trung vẫn còn nhớ năm 2016, trong một chuyến đi thiện nguyện ở Hà Giang trên chuyến xe trở về Hà Nội chỉ có 9 người; vì không quen nhau nênsuốt chặng đường dài chẳng ai nói chuyện với ai. Đi được gần nửa chặng thì bất ngờ gặp một vụ tai nạn nguy hiểm xảy ra trên đường khiến ai cũng sợ và dần dần bắt chuyện với nhau. Nhân những câu chuyện xung quanh vụ tai nạn đó, anh “tranh thủ” dẫn dắt sang chuyện hiến tạng của người chết não do tai nạn đã cứu nhiều bệnh nhân thần kỳ như thế nào. Nghe xong mọi người rất kinh ngạc, có những người trước kia chưa từng biết đến chuyện đó. Và vui nhất là sau chuyến đi đó, đã có 7 người liên lạc lại với anh để nhờ anh dẫn đi đăng ký hiến tạng.
Hằng ngày anh Trung vẫn đều đặn chia sẻ những câu chuyện như vậy trên facebook của mình, đó cũng là cách dễtruyền cảm hứng nhất. Bởi anh cho rằng, việc vận động hiến tạng sẽ không thể hiệu quả nếu chỉ đến gặp từng người và thuyết phục họ hãy đi đăng ký, phải để mỗi người nhìn thấy mình trong những câu chuyện như thế.
Cũng là kết quả từ việc đọc những câu chuyện hiến tạng anh Trung chia sẻ, cách đây hơn 1 tháng, có hai vợ chồng gọi điện cho anhvà nói rằng sẽ cùng nhau đi đăng ký hiến tạng vào đúng kỷ niệm ngày cưới của họ, muốn được anh đi cùng. Sáng hôm đó, anh không quên rẽ vào một cửa hàng hoa đặc biệt có 4 bà chủ đều đã đăng ký hiến tạng trên phố Hai Bà Trưng để mua hoa tặng họ. Hay như chàng trai khuyết tật Thiện Quy đi bộ từ Nam ra Bắc để kêu gọi mọi người đăng ký hiến tạng, ra đến nơi, chính Thiện Quy cũng liên hệ và cùng anh Trung đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để ký vào lá đơn tình nguyện. Câu chuyện ngay sau đó được chia sẻ và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người… Như một sự góp nhặt, những câu chuyện đẹp cứ nối tiếp… nối tiếp nhau diễn ra hằng ngày như thế.
“Có những ngày tôi nhận được tới 2- 3 cuộc gọi chỉ để thông báo sẽ tham gia đăng ký hiến tạng...Có rất nhiều người ở các tỉnh xa cũng không quản ngại ra tận nơi đăng ký. Việc đi lại có gì khó khăn, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Với tôi, những cuộc gặp gỡ như vậy không chỉ là cái duyên mà còn là sự may mắn vì được quen biết, làm bạn với rất nhiều người tử tế”.
Để có được phong trào hiến mô, tạng như hiện nay là cả một quá trình thay đổi nhận thức của người dân.Trước đây, hiến tạng vẫn còn là một vấn đề khá nhạy cảm nên việc tuyên truyền, vận động không hề đơn giản. Bởi vậy, nhiều khi đi kêu gọi mọi người, anh Trung cũng từng phải đối mặt với rất nhiều tình huống“khó đỡ”.
Không ít lần anhbị hiểu nhầm là người mua bán tạng, lừa bán người qua biên giới… Thậm chí có nhiều người còn hỏi thẳng “Anh kiếm được bao nhiêu tiền cho việc này?”. Những lúc đối mặt với trường hợp đó anh thường lặng im nhưng tự nhủ sẽ cố gắng hơn để đến một lúc nào đó họ sẽ nhận ra điều tốt đẹp anh đang làm. “Nếu vì tự ái mà bỏ cuộc thì người thiệt thòi chính là những bệnh nhân xấu số đang nằm trên giường bệnh kia”, anh Trung chia sẻ.
Không phải ngẫu nhiên anh Trung lại “nhiệt tình” với việc tuyên truyền hiến mô, tạng như vậy. Lý do lớn nhất có lẽ là bởi anh từng chứng kiến quá nhiều nỗi đau của những người chạy thận, những người mà nếu có nguồn tạng để thay, họ có thể sống và nhìn thấy tương lai.
Từ khi còn là chàng sinh viên năm thứ 2 Khoa tổng hợp Sinh, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), Lê Thành Trung đã bắt đầu tham gia các hoạt động thiện nguyện. Hồi đó nhóm của anh thường nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân chạy thận ở bệnh viện Nông nghiệp (Ngọc Hồi, Hà Nội) 2 buổi/tuần.Tất cả những bệnh nhân suy thận mà anh từng gặp, từng tiếp xúc, mỗi người đều có một câu chuyện riêng. Họ cũng từng là những người có tương lai rất sáng đẹp, nhưng căn bệnh suy thận đã dập tắt mọi ước mơ khi cuộc đời phải gắn với giường lọc máu. Có rất nhiều người sau khi điều trị một thời gian đã không còn đủ sức để theo đuổi việc chữa trị, họ chào tạm biệt bệnh viện và về nhà để từ giã cõi đời. “Những câu chuyện ấy khiếntôi đau xé lòng.Cũng từ đó, tôi đã nghĩ nếu có nguồn thận hiến dồi dào để thay, chắc chắn họ sẽ được cứu sống, họ sẽ lại được tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình.Chỉ cần một ca chết não hiến thận là đã có thể cứu cuộc đời của 2 người”, anh Trung xúc động kể.
Bởi vậy, năm 2013, khi Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia được thành lập, anh Trung là một trong những người đầu tiên ký vào lá đơn đăng ký hiến toàn bộ mô, tạng sau khi chết não. Cầm tấm thẻ đăng ký số 82, anh cho biết: “Ngay khi có cơ hội đăng ký hiến tạng cứu người,người đầu tiên tôi vận động được đi đăng ký tiếp theo chính là bố mẹ tôi, những người từ nhỏ đã luôn dạy tôi hãy sống và làm những việc có ích cho đời”.
Có lẽ không ít ngườisẽ ngạc nhiên khi biết anh Trung Lê dành nhiều thời gian cho việc tình nguyện đến vậy, trong khi anh còn có một công ty chuyên về Tin sinh học và nghiên cứu về gene người, với một lượng công việc khổng lồ. Anh luôn biết cách sắp xếp để giảm tối đa thời gian ngồi tại văn phòng, và dành thời gian đó cho việc xã hội. Thậm chí tiền làm thêm từ các dự án bên ngoài anh cũng dành cho các hoạt động thiện nguyện.
Có lẽ vì quá nhiệt tình với các hoạt động xã hội nên dù đã ở tuổi 43, anh vẫn còn độc thân. Không phải vì anh không muốn yêu ai hay không thể dành thời gian cho ai mà là chưa tìm được người thực sự đồng cảm với những công việc mình đang làm.
“Hồi còn trẻ tôi cũng dễ nhìn lắm, các cô gái thích tôi cũng nhiều nhưng cứ đến lúc thổ lộ tình cảm thì tôi lại không giấu được mà nói rằng: Nếu kết hôn với anh, em sẽ làm mẹ của gần 200 đứa con, thế là họ sợ bỏ chạy hết, đến giờ tôi vẫn một mình”, anh đùa và cười phá lên.
Nhưng chuyện anh có gần 200 đứa con là có thật. Đó là những đứa trẻ được anh cứu được từ việc ngăn chặn phá thai, hoặc chúng bị bỏ rơi được Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống do anh làm “thủ lĩnh” đưa về cưu mang… Hầu như anh phải tự bỏ chi phí hoặc kêu gọi thêm quyên góp để lo cho bọn trẻ từng bữa ăn, chiếc bỉm, quần áo, chăn màn…
Không chỉ cưu mang những đứa trẻ đáng thương, mỗi tháng câu lạc bộ của anh còn có khoảng 15 hoạt động lớn nhỏ thường xuyên như: Tặng gạo, nấu ăn hàng tháng tại trại phong Đá Bạc; tổ chức các chuyến thiện nguyện vùng cao, nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân suy thận và ung thư, thăm hỏi một số cụ già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Hà Nội, trợ giúp các bà mẹ đơn thân nghèo, hỗ trợ nhân đạo cho các thai nhi bị bỏ rơi...
“Có nhiều người đang sở hữu những khối tài sản rất lớn với nhà đẹp, xe đẹp, nhiều tiền…nhưng nếu cả đời họ chẳng bao giờ chia sẻ với ai, thì không thể coi là giàu.Còn có những người bình thường nhưng họ luôn sẵn lòng san sẻ với những người thiếu thốn hơn mình, có thể chỉ là yến gạo, tấm áo hay đôi khi chia sẻ chính những phần cơ thể của họ, đấy mới thực là những con người giàu có”, anh tâm sự.
Bài: Tạ Nguyên
Trình bày: Trần Thắng
16/06/2018 08:40