Chúng tôi gặp Tẩn Thị Su giữa lúc Su đang tất bật chuẩn bị đón khách mùa nghỉ lễ 30/4-1/5. Điện thoại cá nhân của cô liên tục đổ chuông. Cô gái trẻ tất bật với những cuộc điện thoại đặt tour, check phòng, rồi hẹn giờ để xe đưa đón khách… Sau mỗi cuộc điện thoại, Su lại gọi nhân viên đến bàn giao công việc cụ thể, từng người, từng việc… Su bảo, bình thường những việc này vẫn giao cho các em nhân viên làm, nhưng đợt này chuẩn bị mùa cao điểm, nên khách đông, thêm vào đó, nhiều khách hàng đã quen, nên vẫn hay gọi điện đặt tour trực tiếp qua Su.
Nhìn cô Giám đốc Sapa O’Chau nhanh nhẹn, giỏi giang ấy, ít ai có thể hình dung, Tẩn Thị Su đã có một tuổi thơ nhọc nhằn và đầy cơ cực.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mông nghèo ở xã Lao Chải, huyện Sapa (Lào Cai), như nhiều trẻ em người Mông ở Sapa, Tẩn Thị Su đã phải lăn lộn để kiếm ăn từ khi còn rất nhỏ. “Quê Su nghèo lắm, nhà Su lại nghèo hơn các nhà khác, vì bố Su cứ ốm suốt, không giúp được mẹ. Nhà có 4 chị em, chỉ một mình mẹ làm không đủ ăn, nhiều hôm cả ngày, chị em Su chỉ được ăn một bữa, không đủ no. Nhưng Su không trách mẹ, vì Su hiểu nhà mình khó khăn”, Su bùi ngùi nhớ lại.
Phần vì nhà nghèo không có cái ăn, phần nữa là vì khi ấy, người Mông ở quê vẫn nghĩ, con gái chỉ cần biết kiếm tiền, sau này lấy chồng, chứ học cái chữ không ăn được, không để làm gì đâu. Nên mẹ Su cũng nghĩ vậy, bảo Su nghỉ học, lên Sapa bán hàng, kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Vậy là, chưa học hết tiểu học, Su đã phải theo mẹ, theo chị lên Sapa bán hàng rong. Nhìn các bạn mình được cắp sách đi học, còn mình lại phải gùi hàng đi bán, Su buồn lắm, nhưng cũng chẳng biết làm sao.
Ngày ấy, đường sá đi lại còn khó khăn. Từ Lao Chải, nơi nhà Su ở, ra Sapa phải đi bộ khoảng 2 tiếng. Sáng gùi hàng đi, tối lại gùi về. Lúc mới đi bán hàng, Su không biết nói tiếng Anh, tiếng Việt thì bập bõm, mà nói tiếng Mông khách không hiểu, nên Su bán được rất ít hàng. Nhiều hôm không bán được, không có tiền ăn, Su đành nhịn đói. Có hôm hàng ế, có về nhà cũng không có gì ăn, Su đành tìm một mái hiên ở Sapa ngủ qua đêm...
Thấy những bạn cùng bán hàng rong biết nói mấy câu tiếng Anh, bán được nhiều hàng hơn, nên Su cũng học theo các bạn, thường theo chân du khách người nước ngoài để học lỏm. Su bảo, lúc mới đầu cũng sợ lắm, nhưng rất may, du khách nước ngoài thường rất thân thiện, thỉnh thoảng dạy Su và các bạn mấy câu giao tiếp phổ thông. Lâu dần, Su cũng biết nói mấy câu đơn giản. Cứ thế, dần dần, Su biết nói tiếng Anh, biết mời khách mua hàng, nên hàng cũng bán được nhiều hơn.
Tuổi thơ nhọc nhằn với chuỗi ngày lang thang bán hàng rong ở Sapa, khiến Tẩn Thị Su suy nghĩ rất nhiều với những câu hỏi “sao cứ vất vả mãi như thế?”, “làm thế nào để mình hết khổ?”. Năm 15 tuổi, khi đã có vốn tiếng Anh đã khá khá, Su không đi bán hàng rong nữa, mà chuyển sang làm hướng dẫn viên, dẫn tour đưa du khách đi tham quan Sapa. Là người sinh ra và lớn lên ở đây, Su hiểu rõ về văn hóa, phong tục của người dân bản địa, nên du khách tham gia tour của Su đặc biệt ấn tượng khi nghe cô giới thiệu.
Cô gái dân tộc Mông nhỏ bé ấy đã ấp ủ mơ ước, về một mạng lưới hướng dẫn viên bản địa, trực tiếp giới thiệu văn hóa bản địa với du khách, như thế sẽ giúp du khách hiểu kỹ hơn về văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Sapa. Ý tưởng của Su được một số người bạn ủng hộ, động viên mở mạng lưới hướng dẫn viên bản địa.
Vậy nhưng, cũng phải gần chục năm sau, vào năm 2007, Công ty Sapa O’Chau của Su mới chính thức được thành lập. Đây cũng là công ty đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải làm về du lịch cộng đồng, và Su cũng là một chủ doanh nghiệp người dân tộc hiếm hoi ở Sapa thời bấy giờ.
Thành lập Sapa O’Chau vất vả là thế, nhưng Su lại luôn nghĩ đến việc, làm thế nào để công ty kiếm được nhiều tiền, rồi lấy tiền ấy giúp các trẻ em nghèo ở Sapa, giúp các em được đi học, có công ăn việc làm tốt, có tương lai tốt. “Lúc đó, Su chỉ nghĩ đơn giản, điều kiện của mình giờ tốt hơn các em, nên Su muốn giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Su tốt, nên muốn dắt bạn đi cùng, để bạn cũng tốt như Su”.
Với suy nghĩ ấy, năm 2010 - 3 năm sau khi công ty chính thức thành lập, Tẩn Thị Su bắt đầu mở lớp học đầu tiên cho các em nhỏ. Khi ấy, Su cố gắng kiếm tiền, thuê nhà cho các em ở, mua thức ăn cho các em ăn, rồi kêu gọi các bạn tình nguyện viên nước ngoài, khi đến Sapa, tham gia hỗ trợ dạy tiếng Anh cho các em.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập, Su bảo khó khăn nhiều lắm. Các bạn làm trong công ty đều là người dân tộc, mỗi người một văn hóa, một cách nghĩ khác nhau. Thế nhưng nhiều người không hiểu những việc Su làm. Ngay cả người thân trong gia đình cũng không ủng hộ, thậm chí là trách móc Su không lo cho gia đình mình mà lại lo cho người ngoài. Lúc ấy Su cũng buồn lắm. “Có những lúc khó quá, Su cảm thấy nản chí, thậm chí nghĩ đến việc ngừng hoạt động”, Tẩn Thị Su chia sẻ. Nhưng cô vẫn nghĩ việc mình làm là đúng, và càng phải cố gắng hơn. Dần dần, bố mẹ và anh chị cũng hiểu Su hơn.
Năm 2010, cùng lúc Su mở lớp cho các em học, Su cũng tiếp tục đăng ký theo học bổ túc từ lớp 6. Đến năm 2016, Su tốt nghiệp lớp 12. Hiện Su đang theo học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hệ đào tạo từ xa. Vừa nỗ lực làm việc, mở rộng ngành nghề kinh doanh, vừa đi học để tăng thêm kiến thức, vừa nỗ lực để giúp đỡ các trẻ em dân tộc nghèo được đi học, Su đang dần thực hiện được ước mơ của mình…
Cho đến bây giờ, và mãi sau này, Tẩn Thị Pàn (xã bản Hồ, huyện Sa Pa) không thể quên cái ngày cô tìm đến gặp chị Tẩn Thị Su, để xin chị Su một lời khuyên về con đường đến tương lai của mình sau này. Khi ấy, Pàn đang học lớp 12, chưa biết sẽ tiếp tục học gì để có một công việc tốt đẹp. Rồi Pàn nhớ đến chị Tẩn Thị Su - người em vô cùng ngưỡng mộ bởi tấm gương vượt khó vươn lên để có thành công.
Sau khi biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn của Pàn, Su đã phân tích và khuyên Pàn nên chọn học trường cao đẳng sư phạm ở Lào Cai để tiết kiệm chi phí, sau đó xin cho em ở nhờ nhà một người quen ở thành phố Lào Cai để ôn thi. Kỳ thi năm ấy, Pàn trúng tuyển, Su lại tiếp tục hỗ trợ tiền học hàng tháng. “Chị ấy bảo chỉ hỗ trợ những người cố gắng, biết vượt khó vươn lên, nên học phải đạt điểm cao, chị mới hỗ trợ tiếp. Em nghĩ chị rất tốt với mình, mình không thể phụ công chị”, Tẩn Thị Pàn kể.
Ngày cầm tấm bằng chuyên nghiệp trên tay, với thành tích học tập tốt, Pàn có cơ hội tìm cho mình một công việc cho mình ở thành phố. Tuy nhiên, nhớ đến chị Su, Pàn quyết định về Sapa O’Châu. Pàn bảo: “Em đã được chị Su giúp đỡ để thực hiện ước mơ của mình, em thấy mình cần có trách nhiệm giúp đỡ chị ấy… Em cũng muốn những trẻ em nghèo khác được hưởng cái tốt như em”. Và bây giờ, Pàn đã trở thành một người đồng nghiệp, một người bạn, một người em, luôn đồng hành cùng với Su, đặc biệt là trong việc giúp đỡ các em nhỏ ở Sapa O’Chau.
Cũng vì nhà nghèo, mà Tống Thị Bích Ngọc (dân tộc Ráy, ở bản Thèn Thầu, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), không thể học tiếp sau khi hết lớp 12. Qua người quen, Ngọc được giới thiệu đến để nhờ Su giúp đỡ. Vậy là, từ tháng 8/2017 đến nay, Ngọc đã trở thành học viên tại lớp học ở Sapa O’Chau của Tẩn Thị Su. Ở trên lớp, Ngọc được học tiếng Anh, học các kiến thức cơ bản về làm du lịch cộng đồng. Sau khi rời lớp học, em được đến thực tập tại khách sạn của chị Su, học kinh nghiệm đón khách, sắp xếp phòng nghỉ… Mơ ước của Ngọc là trở thành hướng dẫn viên giỏi, rồi về quê để mở dịch vụ du lịch cộng đồng. Sau này kiếm được tiền, em sẽ dành một phần để hỗ trợ chị Su, giúp đỡ các em nhỏ khác ở Sapa O’Chau, hoặc mở những lớp dạy học, giúp đỡ cho các em nhỏ ở quê em giống như chị Su.
Với Tẩn Thị Su, đôi khi cô cũng cảm thấy chạnh lòng khi ở quê vẫn còn nhiều người suy nghĩ rất đơn giản. Thấy con theo học ở chỗ Su họ không vui, tìm đến tận nơi, đánh mắng và bắt con về đi bán hàng, đi lấy chồng. Có người trách Su vì đã “xúi” con họ đi học mà không chịu đi kiếm tiền. Những lúc ấy, Su buồn lắm, buồn vì những ông bố, bà mẹ ấy không hiểu việc Su làm, và tiếc vì họ không cho con họ tiếp tục học để có tương lại tốt. Nhưng rồi, Su lại nghĩ, vẫn còn rất nhiều em nhỏ đang theo học, đang cố gắng phấn đấu, cô lại có động lực để kiên cường, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình, cũng là ước mơ của các em. Su nghĩ “việc mình làm thành công được 60-70% là tốt lắm rồi”.
Lớp này đi, lớp khác đến, tính đến nay, Tẩn Thị Su đã hỗ trợ được khoảng 400 học sinh theo học, trong đó, có hơn 30 em tốt nghiệp đại học, nhiều em tốt nghiệp cao đẳng, trung học. Có em đã trở thành hướng dẫn viên du lịch. Một số sau khi tốt nghiệp quay trở lại hỗ trợ chị Su và những đứa trẻ ở Sapa O’Chau. Ngay tại thời điểm tháng 4/2018, Sapa O’Chau đang nuôi và hỗ trợ cho gần 100 em. Ngoài học tiếng Anh, học làm hướng dẫn viên, các em còn học đàn, hát...
Sau nhiều năm, Sapa O’Chau giờ đã trở thành một mái nhà chung, một “đại gia đình” của trẻ em dân tộc nghèo. Học sinh ở đây không chỉ là người Sapa, Lào Cai, mà còn có nhiều em đến từ Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái. Dù là ai, ở đâu, chỉ cần có mơ ước, có hoài bão các em đều được Su dang tay đón nhận, và hỗ trợ hết sức để các em có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Su bảo, cô muốn giúp các em, vì cô nhìn thấy mình trong đó. "Ước mơ của các em là ước mơ của tôi, tôi muốn cùng đi với các em, muốn cùng các em tô lên những ước mơ của mình".
Nhiều trẻ lang thang bán hàng rong, đeo bám khách ở Sapa trước kia, giờ đã trở thành nhân viên của Sapa O’Chau. Còn Tẩn Thị Su, sau những ngày bôn ba vật lộn ở bên ngoài, thời gian còn lại, cô dành cho cô con gái bé nhỏ của mình, rồi dành thời gian hỏi thăm, động viên, chia sẻ với các em nhỏ mà Sapa O’Chau đang nuôi nấng, giúp đỡ. “Mong muốn lớn nhất của tôi là làm thế nào để các em có tương lai tốt, để có cuộc sống tốt, và giúp đỡ được nhiều người. Ước mơ của tôi là được giúp đỡ những trẻ em nghèo thực hiện được ước mơ của mình, để các em có thể chạm tới những ước mơ của mình”, Tẩn Thị Su chia sẻ.
Những người đã từng gặp Su, biết những việc Su làm đều rất khâm phục nghị lực và tấm lòng của cô. Mặc dù vậy, mỗi khi có ai hỏi đến chuyện của mình, Su lại rất khiêm tốn: "Su làm được ít lắm, chưa làm được gì nhiều, vì ngoài kia còn nhiều em nhỏ chưa được giúp đỡ”.
O’Châu - tiếng Mông nghĩa là "cảm ơn". "Sapa O’Châu" nghĩa là cảm ơn Sapa. Su lấy tên đó vì muốn cảm ơn mảnh đất có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nơi Su đã sinh ra và lớn lên, đã cho Su có ước mơ, có hoài bão và biến hoài bão thành hiện thực; cảm ơn các thế hệ những người dân lao động ở Sapa, đã sáng tạo ra những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, để du khách đến tham quan, ngắm cảnh. "Sapa O’Chau" cũng là lời cảm ơn của người dân Sapa gửi tới du khách, những người đã đến Sapa, đã ghé thăm Sapa, đã tạo cơ hội để Sapa phát triển. Với các em nhỏ đang được Tẩn Thị Su giúp đỡ, đó sẽ đơn giản là lời "cảm ơn chị Su".
Còn với riêng tôi, tôi cũng gửi lời cảm ơn Tẩn Thị Su, một con người bình thường, nhưng đã sống và làm nhiều việc phi thường - điều mà chúng tôi, cũng như nhiều người khác chưa làm được. Nhờ có Su, mà nhiều em nhỏ đã có cơ hội trở thành những người tốt, có ích cho xã hội. Nhờ có Su, mà tôi thấy tin và yêu cuộc sống này hơn.
Bài: Lan Lộc
Trình bày: Trần Thắng
Trong bài có sử dụng một số hình ảnh do nhân vật cung cấp.
11/05/2018 02:30