Vóc người nhỏ bé, mái tóc buông dài thời con gái giờ đã cắt ngắn trở nên bạc trắng do thời gian. Sau cơn ốm dậy, cựu nữ tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Hồng (SN1930) thêm hao gầy. Ngồi cạnh bà bên mép giường, tôi hỏi nhẹ đủ để bà nghe: Bà có mệt không, nếu bà mệt, thì ngừng nói chuyện với cháu nhé?
Nhưng trong suốt gần hai giờ đồng hồ, cựu du kích làng Quan Nhân, cựu tù Hỏa Lò, năm nay đã tám mươi tám tuổi, đã nói về cuộc đời mình một cách rành rọt, bằng một trí nhớ tuyệt vời. Cuộc nói chuyện có lúc ngừng lại, nhưng là để tôi khép nhẹ cánh cửa nhà, khi cơn mưa chiều tháng Tám sầm sập đến…
Bà Nguyễn Thị Hồng người làng Quan Nhân, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm (cũ), nay là phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Những năm bị thực dân Pháp chiếm đóng, xã Nhân Chính nằm ven nội thành, giáp đường quốc lộ 6, tuyến đường huyết mạch dẫn lên các tỉnh miền núi phía Bắc. Nơi đây tập trung nhiều đồn bốt của địch. Đây cũng là nơi cán bộ của ta về hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng, được dân làng nuôi giấu.
Bố mất sớm, mẹ bà tần tảo nuôi hai con gái, cả ba mẹ con đều tham gia kháng chiến. Mẹ nuôi giấu cán bộ, em gái tên Cốm mười sáu tuổi là giao liên, hơn em hai tuổi - Hồng là đội trưởng tiểu đội du kích xã Nhân Chính - cùng anh em đảm nhận nhiệm vụ đưa đón cán bộ; cưa cột đèn, cắt dây điện để cản phá, quấy rối đồn bốt địch.
Những việc làm của đội du kích xã, trong đó có Hồng không qua khỏi mắt bọn chỉ điểm và lính bốt Vọng. Đêm tháng 12/1950, khi màn sương còn ken đặc, bọn lính áo đen đã bao vây làng. Ba giờ sáng chó sủa ran. Nhà Hồng cũng nghe có tiếng lào xào ngoài cánh cổng gỗ.
Linh cảm có chuyện chẳng lành, Hồng lẻn cửa sau sang nhà bên cạnh, vờ ngồi nấu cơm sớm nhà hàng xóm, nhưng tai thì ngóng lên nhà khi tên Tây “Tít” bốt Vọng quát tháo tra hỏi mẹ mình: “Con Hồng giờ đang ở đâu?”. Cũng chẳng đợi lâu, hơn chục tên lính xục xạo sau nhà, bắt gặp Hồng ngồi bên bếp lửa. Tên Tây “Tít” chỉ mặt Hồng:
- Mày là Hồng đúng không? Mày chỉ đi, Việt Minh về đây mày đều biết, hầm hố nuôi giấu cán bộ ở đâu, Cộng sản ở đâu?
- Tôi không biết Việt Minh là người thế nào cả, không biết Cộng sản là người thế nào.
Trời đêm cuối năm rét căm căm, đánh Hồng chán ở trong nhà, chúng lôi ra ngoài dìm đầu cô vào bể nước, rồi kéo ra đình Quan Nhân, bắt Hồng nhìn ai quen phải chỉ mặt. Sáu giờ sáng, hàng trăm người làng đã tụ ở đây. Tên chỉ điểm Hồng cũng ở đó. Tiếng tên lính bốt Vọng lại rít lên: - Mày nói đi, ai là Việt Minh mày quen. Mặt đanh lại, Hồng nghiến răng: - Tao không thân ai hết, tao quen cả làng.
Tức tối bọn lính đổ xăng lên hai cánh tay Hồng đốt rồi đẩy lên xe jeep đưa về bốt Vọng. Trong cuộc vây quét làng Quan Nhân đêm 10/12/1950, Hồng đã bị bắt, chỉ sau hơn một tháng được kết nạp Đảng (bà Hồng kết nạp Đảng ngày 6/11/1950). Những ai bị bắt đưa về đây thì đều biết chắc sẽ bị đánh đập, tra khảo cho đến chết.
“Sáu ngày giam cầm chúng không cho ăn uống gì. Bọn chúng giam năm người trong một phòng khoảng hai mét vuông, ngoài tôi thì có ông Khôi, Chánh Thịnh, cô Cúc, cô gái Nuôi đều là người làng. Tôi bảo họ, đã vào đến đây rồi, không ai được khai gì, không nhận gì hết”, bà Hồng kể.
Hồng bị đánh sưng tấy khắp người, nhưng không có một lời khai nào hé ra, hơn một tháng sau, chúng phải thả về. Người dân ở Vọng dìu cô đi tắt qua đường tàu rồi cứ thế men theo đường Trường Chinh bây giờ trở về làng.
Nhưng cũng chỉ bốn tháng sau, ngày 3/5/1951, trong một lần vây càn của địch, Hồng lại bị bắt lần thứ hai cùng với em gái Cốm và hai mươi bốn người khác. Cuộc tra hỏi diễn ra trong nhiều ngày tại bốt địch ở Ngã Tư Sở, bốt đá Hàm Long, rồi bị đưa lên Nha cảnh sát Hà Nội nhốt vào xà lim. Đánh đập, tra tấn điện, xà lim đầy giòi bọ, cơm vứt vào mẹt cho người tù tự bốc ăn. Vẫn không có một lời khai nào từ Hồng, Cốm và những người tù khác.
Cuối cùng, chúng đưa tất cả vào Hoả Lò, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nơi mà ngày cũng như đêm chỉ một màu đen tối. Hiếm hoi có lần Hồng mới nhìn thấy ánh trăng qua song sắt nhà tù. Nhưng cô biết, dù có thế nào thì cô vẫn một lòng theo cách mạng. Trong ý chí kiên cường của người nữ du kích trẻ, ngoài kia, trăng vẫn sáng, một màu thanh khiết. Sớm mai, mặt trời vẫn ló rạng, tươi những sắc hồng…
Lần trước Hồng bị bắt, mẹ cô biết con mình đã phải chịu đòn roi, nhục hình nhưng bà đoán chắc lính bốt Vọng sẽ buộc phải thả Hồng vì chúng không có chứng cứ gì để định tội. Lần này thì khác, mặc dù khi bị bắt trong nhà không có bất cứ tài liệu nào, nhưng hoạt động của đội du kích xã mà hai con gái bà tham gia đã bị bọn chúng theo dõi nhiều ngày. Bà không thể biết chúng sẽ giam cầm con mình trong bao lâu. Chờ đợi là một cực hình đối với người mẹ vì bà chắc chắn phía sau bức tường lạnh lẽo tăm tối kia, cả hai con gái đang phải trải qua những ngày tháng khắc nghiệt nhất. Những lần tay bị vào tiếp tế cho con, nén lại nỗi đau, bà chỉ dặn các con hãy sắt son, kiên trung đi theo con đường cách mạng…
Hồng đã làm đúng lời mẹ dặn. Chính nơi “địa ngục trần gian” ấy, nữ du kích làng Quan Nhân càng trở nên gan dạ. Chỉ một tuần sau khi bị giam, Hồng đã nối được liên lạc với anh em và được giới thiệu tiếp tục sinh hoạt Đảng tại Chi uỷ Hoả Lò. Anh chị em bí mật sinh hoạt Đảng, biến nhà tù thành trường học. Các tù nhân vẫn tổ chức diễn kịch, hát ca, táo bạo hơn là chống điểm danh, tuyệt thực tập thể để phản đối áp bức tù nhân.
Phát hiện ra người đứng ra tổ chức phong trào, cai ngục phạt Hồng cùm chân. Đau đớn về thể xác, nhưng tinh thần người tù thì luôn tự do. Bản lĩnh kiên cường của nữ tù nhân Nguyễn Thị Hồng được Chi uỷ nhà tù Hoả Lò ghi nhận. Ngày 29/7/1952, bà Nguyễn Thị Hồng được Chi ủy nhà tù Hỏa Lò tổ chức kết nạp Đảng chính thức.
“Lễ kết nạp Đảng chính thức không có cờ, hoa nhưng rất trang trọng. Trong xà lim tối tăm, tôi nhìn thẳng vào bức tường phía trước mà như thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Trong giờ phút đặc biệt đó, chúng tôi đã hát. Lời ca của “Tiến quân ca”, “Vì nhân dân quên mình”, “Đảng Lao động Việt Nam” đã vang lên”, bà Hồng nhớ lại.
Trong giờ phút thiêng liêng đó, nữ du kích làng Quan Nhân đã hứa lời hứa từ trái tim mình một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đem hết sức mình để phụng sự, cống hiến cho đất nước. Khi đó, Nguyễn Thị Hồng hai mươi hai tuổi.
Giam cầm, tra tấn bằng đủ mọi cách nhưng bọn cai ngục Hoả Lò cũng không khuất phục được cô gái làng Quan Nhân. Hai năm sau kể từ khi bị bắt giam vào nhà tù Hoả Lò, đầu năm 1953, Hồng được thả. Ngay sau khi trở về, cô nhanh chóng bắt nối với tổ chức, tiếp tục tham gia kháng chiến, phụ trách đội tự vệ thôn Quan Nhân, vận động toàn dân canh gác đêm ngày kiên quyết đấu tranh giữ làng. Sau khi hoà bình lập lại (năm 1954), Hồng được giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư chi bộ xã kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp 19/5. Từ đây, cuộc đời nữ du kích Nguyễn Thị Hồng bước sang một ngã rẽ mới, với những tháng ngày lăn lộn cùng ruộng đồng và trở thành nữ đại biểu Quốc hội.
Năm 1958, huyện Từ Liêm quyết định thí điểm xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp tại xã Nhân Chính. Cán bộ từ trên huyện về đây bàn với lãnh đạo xã thành lập và đưa mô hình này phát triển. Một nhiệm vụ không hễ dễ dàng vì khi đó xã Nhân Chính có hơn 250 mẫu ruộng nhưng chỉ cấy được một vụ lúa mùa, vụ chiêm nhiều năm bỏ ruộng hoang do không có nước.
Làm thế nào để vực dậy nền sản xuất nông nghiệp khi từ xưa tới giờ chưa ai làm công tác thuỷ lợi? Trong khi đó, huyện đã đặt ra mục tiêu cho xã là phải cấy hết diện tích, cấy hai vụ lúa và làm cả vụ màu, “mất vụ lúa phải có vụ màu”.
“Làm gì bây giờ? Tôi nghĩ trước tiên phải là vấn đề con người, tổ trưởng, đội trưởng sản xuất phải là Đảng viên. Đảng viên gương mẫu đi trước thì mới gây dựng được phong trào cho quần chúng. Đồng thời thành lập cho được một đội thuỷ lợi và sáu đội sản xuất. Đội thuỷ lợi hơn chục người sẽ do một Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã phụ trách. Mỗi đội sản xuất đảm nhận khoảng bốn mươi mẫu ruộng. Ngoài ra còn có tổ chăn nuôi lợn và một tổ trồng bèo hoa dâu”, bà Hồng nhớ lại.
Nhưng làm thuỷ lợi thế nào, đây là việc rất lớn, sẽ phải đào kênh dẫn nước hàng cây số về nội đồng? Chỉ còn cách đó, cần đột phá quyết định đầu tư cải tạo hệ thống kênh mương, trạm bơm dẫn nước thì vụ chiêm mới sản xuất được.
Quyết là làm, ba máy bơm đã được mua về, một đặt ở trạm gần Đài phát thanh Mễ Trì, một máy đặt ở cống Trung Hoà, một máy nữa sẽ dẫn nước qua đơn vị thông tin ở Cầu Mọc về đồng. Gần năm cây số kênh mương đã được đội thuỷ lợi ngày đêm dùng sức người để đào. Ngày các tuyến kênh hoàn thành, dân làng Quan Nhân vui như mở hội. Lòng nữ Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Nguyễn Thị Hồng cũng phơi phới một niềm tin rồi mai đây, không chỉ vụ mùa mà vụ chiêm lúa sẽ lên xanh bời bời, hàng trăm mẫu ruộng sẽ không còn bỏ hoang như trước.
Một không khí sản xuất mới đã về với người dân, gần ba trăm xã viên phấn khởi tích cực tham gia sản xuất. Mùa thu hoạch rộ, bà Hồng còn họp bàn với xã viên mua máy tuốt lúa thay vì đập lúa thủ công, chị em xã viên vui lắm, vừa giải phóng sức lao động, vừa nâng cao năng suất. Ban ngày gặt lúa gánh về, đêm đến ba máy tuốt lúa làm hết công suất tuốt xong tới ba mẫu ruộng. Đêm như qua nhanh hơn.
Sau những cải tiến có tính bước ngoặt đó trong nông nghiệp, Hợp tác xã tiếp tục cải tạo khu đồng cao. Chủ nhiệm hợp tác xã yêu cầu các xã viên, sau khi thu hoạch lúa ngắn ngày xong, cần cho máy cày vỡ đất, dùng vồ đập rồi đánh luống, ủ phân xanh trộn vào để cải tạo đất… “Gái có công, chồng chẳng phụ”, có sức người, đất bạc màu cũng nảy mầm xanh.
Cứ như thế, bằng sự sáng tạo thay đổi phương thức sản xuất và sự cần cù, chịu khó của các xã viên, hơn 250 mẫu ruộng của xã từ bỏ hoang hoặc chỉ cấy một vụ lúa một năm đã tăng lên hai đến ba vụ mỗi năm. Khu đồng cao cấy lúa ngắn ngày xen canh trồng khoai, đậu, vừng; khu đồng trung cấy lúa nếp xen canh trồng màu; khu đồng sâu cấy lúa trắng chất lượng cao. Ngoài ra, các xã viên còn đào ao thả cá, thả bèo hoa dâu để diệt cỏ và làm phân bón cho lúa, làm trang trại chăn nuôi với hàng trăm con lợn.
Dưới sự chèo lái của Chủ nhiệm Hợp tác xã Nguyễn Thị Hồng, Hợp tác xã nông nghiệp 19/5 ngày một phát triển, trở thành điểm sáng của huyện Từ Liêm và Thành phố Hà Nội. Đời sống của xã viên cũng dần được cải thiện. Mô hình hợp tác xã được nhiều địa phương khác đến học tập.
Giờ đây, nữ du kích năm nào đã ở bên kia dốc cuộc đời. Những cuộc tra tấn đòn thù năm xưa để lại nhiều vết thương trên cơ thể, hễ cứ trái gió trở trời lại đau buốt. Tuổi già cũng đã lấy gần như hết sức lực của bà khi các đợt ốm ngày một dầy lên. Khi tiễn tôi ra về, bà nói nhẹ: “Chiều nay, nếu cô không đến là tôi đi thăm bà Minh (cựu tù Hoả Lò-PV). Tôi định bắt xe ôm đi thăm bà ấy. Bà Minh cũng là người làng, ở gần đây thôi, nhưng sao gọi điện thoại không được, không biết bà ấy có sao không. Các cựu tù Hoả Lò nhiều người đã ra đi rồi”. Nỗi lo lắng cho người bạn lộ rõ trên khuôn mặt hằn vết chân chim của bà, chỉ có nụ cười vẫn xanh một màu con gái. Ngoài kia, sau cơn mưa rào giải toả cái nóng oi bức, nắng đã lên, vàng ươm một chiều thu tháng Tám.
Bài: Xuân Phong
Trình bày: Trần Thắng
18/08/2018 07:30