Nữ giám đốc với khát vọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch

Hai năm qua, chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Minh Landlight, thôn Tân Thành, xã Minh Thanh (Sơn Dương) đã đi khắp nơi mày mò nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm vi sinh với khát vọng giúp người nông dân sản xuất an toàn, góp sức xử lý rác thải chăn nuôi ở vùng nông thôn.

Nhà máy sản xuất phân trùn quế đầu tiên

Nhìn chị Hồng chân chất, ít ai nghĩ chị là giám đốc doanh nghiệp, lại càng không nghĩ chị là người say mê nghiên cứu, tìm tòi các chủng vi sinh để tìm ra cách sản xuất phân bón hữu cơ. Chị tự nhận mình không biết cách ăn nói, nhưng tiếp xúc với chị, chúng tôi và những công nhân ở đây đều cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở. Chị Hồng bảo, chị muốn bắt đầu bằng việc sản xuất phân hữu cơ trùn quế rồi mới tới các loại phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm vi sinh. Từ những chuyến đi thu mua nông sản trong dân, chị đau đáu một mong muốn làm sao biến những chất thải trong chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trở thành nguồn phân bón hữu cơ có ích cho nông nghiệp sạch.

Chú thích ảnh
Giám đốc Nguyễn Thị Hồng cùng với nhân viên nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phân hữu cơ
thông qua mạng Internet.Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Được sự động viên, giúp đỡ, tư vấn của người thân làm ở Bộ Nông nghiệp và PTNT và con trai chị hiện đang công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Hà Nội, chị có thêm tự tin để biến mong muốn đó thành hiện thực. Chị tìm hiểu thị trường thì thấy đa số trong miền Nam có các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ. Vậy là chị khăn gói vào tận Củ Chi học tập quy trình sản xuất phân hữu cơ trùn quế, dịch trùn quế, giun tinh. Không chỉ học thực tế, chị còn say mê đọc sách, nhờ con trai dịch các loại sách nghiên cứu về quy trình sản xuất phân bón hữu cơ của nước ngoài, tìm hiểu trên Internet.

Nhà máy sản xuất phân hữu cơ trùn quế của công ty chị đi vào hoạt động từ năm 2017 và hiện đang trong quá trình hoàn thiện để mở rộng quy mô sản xuất. Phân gia súc, gia cầm được thu gom cùng một số chủng vi sinh vật. Sau đó được ủ xử lý, phối trộn bổ sung các nguồn dưỡng chất cho phân, đồng thời kết hợp nuôi trùn quế để lấy phân trùn và trùn quế. Từ đó cho ra phân hữu cơ trùn quế thành phẩm, phân hữu cơ dịch trùn quế và giun tinh, trở thành những loại phân bón có ích trong trồng trọt, cải tạo độ phì nhiêu của đất, nâng cao khả năng chống chịu bệnh, tăng năng suất cây trồng, hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt. Giun tinh còn trở thành nguồn thức ăn trong chăn nuôi và cho ra các sản phẩm nông sản chất lượng.

Chị Hồng say sưa nói với chúng tôi về những lợi ích của phân bón hữu cơ đối với cây trồng. Ước tính, thời gian đầu, cứ 13 -14 nghìn tấn phân nguyên liệu thì sản xuất được từ 3 - 4 nghìn tấn phân hữu cơ trùn quế và khoảng 11 tấn giun quế/kỳ thu hoạch. Để tạo thành một chuỗi khép kín trong sản xuất phân hữu cơ trùn quế, quy trình sản xuất được hiện đại hóa gần như toàn bộ, từ khâu đảo trộn, ủ phân nguyên liệu cho tới vận chuyển, bơm hút nước, phân nguyên liệu lên các luống nuôi giun tại khu nhà nuôi giun, đóng gói bao bì phân bón hữu cơ, đóng gói giun tinh...

Chị mua 7 ha đất đồi, cách xa khu dân cư hơn 100 mét để làm địa điểm tập kết, đảo trộn và xử lý phân nguyên liệu. Chị bảo, xuất phát từ mong muốn giúp bảo vệ môi trường nông thôn nên quá trình sản xuất phân bón hữu cơ mình cũng phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Với phương châm phải sản xuất ra loại phân hữu cơ trùn quế tốt nhất và uy tín, nên ngay từ khâu thu mua phân nguyên liệu được lựa chọn kỹ, đảm bảo khi đưa vào ủ xử lý không có dư lượng thuốc kháng sinh hay thức ăn tăng trọng. Chúng tôi khá bất ngờ với hệ thống sản xuất phân hữu cơ trùn quế của nhà máy. Nhà máy gồm 5 tầng: Khu nuôi giun quế, khu đóng phân giun, thu hoạch giun. Hệ thống thang máy, hệ thống bơm hút phân nuôi giun, máy sàng lọc giun, máy đóng bao bì... đều do một tay chị Hồng tự thiết kế, mày mò rồi thuê người trong miền Nam sản xuất theo thiết kế của chị. Chị bảo, những thiết bị, máy móc đó hầu hết phải nhập từ nước ngoài với giá rất đắt mà lại không theo ý muốn, quy trình sản xuất riêng của nhà máy. Do vậy, mình tự học, tự thiết kế để theo ý mình. Nhiều người thắc mắc, liệu trước đây chị có từng học chuyên ngành nào về sinh học không, chị cười bảo: “Mình chỉ say mê với cái món phân hữu cơ, các loại chủng vi sinh thôi, vì nó có ích trong đời sống vô cùng nếu mình hiểu. Và khi say mê rồi thì mình nghĩ là mình sẽ có động lực để tìm tòi”.

Những dự định

Chị bảo, nhà máy vừa liên tục hoạt động với khoảng 20 công nhân lao động là người địa phương, nhưng đang trong quá trình hoàn thiện. Ngoài việc sản xuất, cung cấp cho thị trường phân hữu cơ trùn quế, đến nay, công ty của chị Hồng đã sản xuất được 3 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận hợp quy chuẩn đó là phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học. Công ty đã sản xuất thành công chế phẩm vi sinh Mibio dạng bột, dạng nước và dịch đạm cá, dịch trùn quế. Các chủng vi sinh công ty nhập về để sản xuất đều có xuất xứ từ Mỹ và Nhật Bản. Các sản phẩm phân hữu cơ của công ty sản xuất mới tiếp cận thị trường ở một số tỉnh. Dự định khi phòng thí nghiệm hoàn thành, các thủ tục công bố hợp quy, sản xuất bao bì, công ty sẽ tiếp tục đưa một số chủng vi sinh mới vào sản xuất.

Chú thích ảnh
Giám đốc Nguyễn Thị Hồng hướng dẫn công nhân kiểm tra các luống trùn quế. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Chị Hồng chia sẻ: “Mình đang tìm cách sản xuất một loại phân hữu cơ không chỉ phòng mà còn chữa được bệnh vàng lá trên cây trồng. Mình đã khảo nghiệm sản xuất một số loại phân bón hữu cơ để phòng, chống bệnh này nhưng chưa thành công. Bên cạnh đó, công ty sẽ nghiên cứu, học tập để sản xuất sản phẩm giá thể trong phương pháp thủy canh đối với cây trồng”.

Vừa sản xuất các loại phân hữu cơ, chị Hồng còn mang các sản phẩm này thử nghiệm trong chính mô hình kinh tế của gia đình như chăn nuôi lợn, cá, trồng rau xanh. Chị nói, chị mong muốn sẽ phát triển thêm quỹ đất để hình thành một chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín trong chính gia đình của mình trước, sử dụng các sản phẩm làm ra để phục vụ chăn nuôi. Sau đó những chất thải chăn nuôi được đưa vào nhà máy sản xuất phân hữu cơ. Sản phẩm phân bón hữu cơ đó sẽ sử dụng để sản xuất rau sạch trong nhà kính và cây dược liệu. Ngoài dự định đó, chị Hồng còn mong muốn, sẽ có nhiều người dân hiểu rõ hơn về tác dụng của các loại phân hữu cơ đối với cây trồng, môi trường. Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, phân hữu cơ còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hòa dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi. Vì thế nó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp an toàn hơn. Bên cạnh đó nó còn khai thác tiềm năng lớn do tận dụng phụ phẩm, rác thải trong chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường do chăn nuôi.

Anh Âu Hải Việt, người dân thôn Tân Thành cho biết, gia đình anh nhiều năm nay chăn nuôi. Từ khi có nhà máy sản xuất phân hữu cơ trùn quế của chị Hồng, chất thải trong chăn nuôi của gia đình anh được thu gom. Anh không lo bị ô nhiễm nữa mà còn rất mừng là từ chất thải trong chăn nuôi của các hộ dân đã trở thành các sản phẩm phân hữu cơ có ích cho cây trồng, mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Còn chị Lường Thị Hà, thôn Bòng, xã Tân Trào cho biết, từ khi gia đình chị sử dụng phân hữu cơ trùn quế của Công ty cổ phần Hồng Minh Landlight trên cây mía, cây mía của gia đình chị sinh trưởng nhanh hơn, cây chắc và khỏe hơn, không có dấu hiệu của sâu bệnh như những năm trước đây.

Để nhiều người biết tới các sản phẩm của công ty, đồng thời giúp người dân hiểu hơn về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công ty của chị Hồng đã xây dựng một số trang web để quảng bá, cung cấp thông tin về các sản phẩm, quy trình sản xuất. Chị Hồng cho biết, tới đây công ty sẽ thành lập thêm một số trang web nữa để quảng bá rộng rãi hơn.

Nói về những dự định tiếp theo của mình, nữ Giám đốc Nguyễn Thị Hồng vừa hào hứng nhưng cũng không giấu được vẻ trầm tư. Chị bảo với chúng tôi: “Đây là mô hình mới, nhiều tỉnh chưa có. Mình cũng thuộc dạng có máu liều, đổ vào đây ngót chục tỷ đồng rồi. Chỉ mong sao có nhiều người dân hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mong sao chính quyền địa phương quan tâm, động viên để mình có động lực với những dự định phía trước”.  

Thủy châu (baotuyenquang)
 Phụ nữ vùng cao Sìn Hồ tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc
Phụ nữ vùng cao Sìn Hồ tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên tham gia cuộc vận động “5 không, 3 sạch”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN