Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Đồng hành với những mảnh đời bất hạnh

Có những công việc đặc thù chỉ có tấm lòng nhân hậu, sự sẻ chia, đồng cảm, người phụ nữ mới vượt qua mọi khó khăn để gắn bó. Đó là công việc chăm sóc cho người khuyết tật, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, những em nhỏ mồ côi của các chị em ở những trung tâm nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Lớp học dành cho các em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Trung tâm.

Gắn bó hơn 4 năm với Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam, chị Nguyễn Thị Xuân Thành, 33 tuổi, làm công việc đứng lớp để dạy chữ cho các em ở đây. Lớp học đặc biệt của chị Thành có khoảng 40 em bị nhiễm chất độc da cam hoặc mắc các dạng khuyết tật. Việc dạy chữ, rèn luyện nếp sinh hoạt hàng ngày cho các em không hề đơn giản.

Quê ở thành phố Đà Nẵng, chị Thành theo chồng vào thành phố Tam Kỳ sinh sống. Với chuyên ngành Sư phạm Mầm non, chị Thành đã nộp hồ sơ xin việc vào Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam ngay từ khi trung tâm mới vừa được thành lập. Việc tiếp xúc làm quen với những em nhỏ ở trung tâm là rào cản đầu tiên mà chị Thành phải vượt qua, bởi đa số các em nói không sõi tiếng Việt, nhiều em tâm lý thất thường, hầu như các em không biết tên của bản thân cũng như người thân.

Chị Nguyễn Thị Xuân Thành chia sẻ, thời gian đầu làm quen với công việc, chị bị nhiều áp lực, nhưng qua những tháng đầu tiên, sợi dây kết nối giữa cô và trò ở trung tâm được hình thành, các em đã biết lắng nghe và làm theo hướng dẫn của cô giáo.

Những em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam mỗi người một hoàn cảnh. Mọi sinh hoạt hàng ngày của các em tại đây đều do 4 cán bộ, nhân viên nữ của trung tâm trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ. Nhiều người thường nghĩ, làm ở trung tâm có thu nhập cao nên những người như chị Thành mới quyết tâm gắn bó với công việc đến vậy. Tuy nhiên, thực tế ngoài mức lương cơ bản, chị Thành không có thêm khoản phụ cấp nào khác và cách đây một năm chị mới được đóng bảo hiểm xã hội.

Để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống, buổi tối, chị Thành nhận dạy kèm một số học sinh tiểu học tại nhà. Nhiều bạn bè khuyên chị nên nghỉ việc ở trung tâm để đi dạy tại các trường Mầm non hoặc có thể tổ chức giữ nhóm trẻ gia đình có thu nhập tốt hơn. Nhưng đối với chị Thành, trung tâm đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của chị. Ở đó có những đứa trẻ ngây thơ hàng ngày luôn ngóng trông như tiếp thêm động lực để chị tiếp tục công việc mà mình đã lựa chọn.

Nằm ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, làng Hòa Bình đang nuôi dưỡng 112 đối tượng là người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; trong đó, số người khuyết tật ở làng Hòa Bình là 63 người, hầu như đều sống thực vật, mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân hàng ngày đều do các bảo mẫu đảm nhận. Chị Huỳnh Thị Kim Quy, 34 tuổi, bắt đầu về làm việc tại đây từ năm 2012. Chị Quy nhớ lại, trước chị, có ba người đến thử việc chăm sóc cho người khuyết tật ở làng Hòa Bình nhưng không ai đủ can đảm để gắn bó, có người chỉ làm thử vài giờ là xin nghỉ.

Ngay từ khi tới thử việc ở làng Hòa Bình, chị Quy đã thích nghi nhanh với công việc mới. Chị Quy được phân công cùng một chị bảo mẫu khác đảm nhận chăm sóc cho 16 người khuyết tật nặng. Công việc của các chị kéo dài nguyên một ngày và được đổi ca thay thế vào ngày hôm sau.

Theo chị Quy, cùng một lúc phải chăm sóc cho nhiều người khuyết tật không có khả năng vận động đòi hỏi phải có sức khỏe, bởi riêng chuyện tắm rửa, vệ sinh hàng ngày cho từng người khuyết tật cần phải có hai người bảo mẫu mới làm được. Đồng thời, người bảo mẫu phải luôn quan sát từng cử chỉ ra hiệu của người khuyết tật để đáp ứng. Nếu làm công việc này chỉ vì tiền lương sẽ không thể bám trụ được với nghề, trên tất cả đó là cái tâm của con người với nhau.

Giám đốc làng Hòa Bình Võ Thị Hồng Hạnh cho biết, nhân viên tại đây hầu như là phụ nữ, có những chị gắn bó với ngôi nhà chung của làng Hòa Bình tới 16 năm. Điểm chung nhất ở các chị chính là tình thương và sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, coi những người khuyết tật, trẻ em mồ côi như chính người thân của mình. Các chị đã góp phần làm cho cuộc sống của những người kém may mắn trong xã hội có ý nghĩa và tươi đẹp hơn.

Bài, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)
Ngôi nhà chung của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Trị
Ngôi nhà chung của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Trị

Hơn 1 năm nay, mỗi khi ngang qua đường Hàn Mặc Tử ở khu phố 11, phường 5, TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), mọi người không khỏi ngạc nhiên nghe những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam cười nói líu lo, vui chơi các trò chơi vận động lành mạnh trong khuôn viên Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN