Phát huy giá trị phong trào 'Nghìn việc tốt' trong thời đại mới

Chiều 23/3, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Tọa đàm phát huy giá trị phong trào “Nghìn việc tốt” trong giai đoạn hiện nay với chủ đề “Măng non làm việc tốt - Đất nước mãi nở hoa”.

Chú thích ảnh
Các em học sinh tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang khẳng định: Tọa đàm là diễn đàn tôn vinh, trao đổi, chia sẻ về quá trình hình thành, phát triển, những thành tựu, đóng góp của phong trào “Nghìn việc tốt” đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và các thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Qua đó, chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý báu và đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục phát huy giá trị của phong trào “Nghìn việc tốt” trong thời gian tới.

Để chuẩn bị tổ chức Tọa đàm, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã nhận được hơn 60 bài viết, tham luận của các đồng chí cán bộ Đội các thời kỳ, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách, các tấm gương thiếu nhi được tuyên dương “Dũng sĩ nghìn việc tốt” gửi về. Các ý kiến, tham luận đều là những công trình nghiên cứu toàn diện, đầy đủ, phản ánh những bước phát triển của phong trào “Nghìn việc tốt”.

Tại Tọa đàm, các đại biểu tham luận, chia sẻ ý kiến về lịch sử hình thành và phát triển phong trào “Nghìn việc tốt”; thực tiễn và những kết quả đạt được trong tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động phong trào “Nghìn việc tốt”; bài học kinh nghiệm và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phong trào “Nghìn việc tốt”. Các ý kiến tham luận đã đề cập tới những nền tảng vững chắc xây dựng và phát triển thế hệ trẻ; khẳng định sự ra đời của phong trào“Nghìn việc tốt” là một tất yếu lịch sử, mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, góp phần hình thành nhân cách thế hệ măng non - chủ nhân tương lai của đất nước.

Các tham luận chỉ ra những luận điểm và chỉ dẫn quan trọng về công tác chăm sóc, giáo dục đạo đức lối sống văn hóa cho thiếu niên, nhi đồng; tổng kết, đánh giá những vấn đề thực tiễn và những kết quả đạt được trong tổ chức, triển khai các hoạt động của phong trào “Nghìn việc tốt” với sức lan tỏa sâu rộng, được đội viên, thiếu niên, nhi đồng tích cực hưởng ứng và thi đua thực hiện trên mọi mặt hoạt động. Các tham luận chia sẻ bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn, trở thành nền tảng, động lực và hành trang cho phong trào “Nghìn việc tốt” trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, cựu học sinh Trường cấp 2 Liên Sơn, nay là Trường Trung học cơ sở Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Nhớ lại ngày phong trào “Nghìn việc tốt” ra đời, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, khi đó còn là một đội viên Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường Trung học Cơ sở Tam Sơn) cho biết: Ngày 24/3/1963, sau lễ trồng cây, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Tổng Phụ trách Liên đội Trường cấp 2 Liên Sơn đã tập hợp cả Liên đội và phát động phong trào “Nghìn việc tốt”. Khi đó, làm nghìn việc tốt là thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng thông tin thêm: Những khái niệm như “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” vốn khó hiểu với lứa tuổi học sinh được thầy giải thích lại đơn giản như “Yêu Tổ quốc” nghĩa là yêu làng quê, thôn xóm, yêu bờ tre, giếng nước, yêu đàn gà, con trâu, yêu vườn cây ruộng lúa quê nhà... Biết kính trọng lễ phép với người lớn, ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, biết giúp đỡ bố mẹ ông bà, yêu thương mọi người trong nhà, trong làng xóm là “Yêu đồng bào”. “Nghìn việc tốt” là một là một phong trào thiết thực, bổ ích và hấp dẫn giúp chúng tôi học tập tốt hơn, rèn luyện tốt hơn, ngoan ngoãn hơn, yêu và chăm lao động hơn, quan tâm đến người khác hơn.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, từ phong trào “Nghìn việc tốt” có thể thấy để một cuộc vận động, một phong trào thiếu nhi không chỉ mang tính hình thức thì các hoạt động cụ thể phải thiết thực, bổ ích, thích hợp với môi trường học tập và sinh sống của thiếu nhi. Một phong trào thiếu niên thành công nếu nó đáp ứng tính hiếu động, thích vui chơi và tính thích làm người lớn của trẻ em, nghĩa là nó phải thực sự lôi cuốn để các em có thể tự giác tham gia, “học mà chơi”, “chơi mà học”.

Tham luận về vấn đề dũng sĩ nghìn việc tốt thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, em Võ Nguyễn Ngọc Giàu (lớp 9/14 Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Từ khi còn nhỏ, em đã luôn ghi nhớ câu nói “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, luôn mong được đóng góp cho tập thể. Từ việc nhỏ như phát biểu xây dựng bài, nhặt rác bảo vệ môi trường..., khi lớn lên mong muốn được giúp đỡ mọi người của em cũng lớn dần. Em đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng.

Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, em Ngọc Giàu đã kêu gọi các nhà hảo tâm và trích tiền tiết kiệm của em cùng với sự ủng hộ của gia đình, gửi tặng 1 tấn rau, 1.000 bình nước 20 lít, 1.000 quả trứng, quà Trung Thu cùng nhiều lương thực khác... để giúp đỡ cho người dân gần khu phố em sinh sống. Bên cạnh đó, em đã tự thu âm những ca khúc ủng hộ tinh thần cho các cô chú cán bộ, y tế, bộ đội... ở nơi tuyến đầu, giúp họ có thêm tinh thần chiến đấu. Em Giàu chia sẻ, mỗi người một chút, mỗi người đóng góp một phần, xã hội sẽ càng phát triển hơn.

Thanh Thương (TTXVN)
Những 'dũng sỹ' thắp lửa
Những 'dũng sỹ' thắp lửa

Trong suốt 60 năm qua, phong trào “Nghìn việc tốt”, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy được thiếu nhi trong cả nước cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực theo tiêu chí “Làm nghìn việc tốt/ Cùng trừ việc xấu/ Cộng nhân yêu thương/ Chia niềm thông cảm”. Đến nay, phong trào đã lan tỏa rộng khắp, tạo nên những hiệu ứng tích cực trong việc hình thành ý thức, thói quen nói lời hay, làm việc tốt trong thiếu niên, nhi đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN