Từ một “đốm lửa nhỏ”
Ngày 24/3/1963, trong không khí tưng bừng, náo nhiệt của cuộc sinh hoạt ngoại khóa“Tiến bước lên đoàn”, Liên đội Ngô Gia Tự thuộc Trường cấp II Liên Sơn (nay là Trường Trung học Cơ sở Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã tổ chức lao động trồng cây hai bên đường đoạn đi vào nhà đồng chí Ngô Gia Tự - một trong những người sáng lập Đảng ta. Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn khi ấy là Tổng phụ trách thiếu nhi, từng là cựu đội viên Đội thiếu niên Du kích Đình Bảng anh hùng, đã có sáng kiến phát động phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ”, gọi tắt là “Nghìn việc tốt”.
Theo lời kể của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, ngay sau khi phong trào được phát động, không khí học tập, lao động ở Trường Trung học Cơ sở Tam Sơn hăng say, sôi nổi hẳn lên, hơn 300 học sinh và các thầy, cô giáo đều trở nên phấn chấn, hào hứng lạ thường. Hằng ngày, các đội viên thiếu niên tiền phong ghi vào sổ vàng những việc tốt, các em thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Một bạn đeo khăn quàng đỏ chưa chuẩn, còn xộc xệch, thấy vậy lập tức bạn khác sửa lại giúp. Một em bị ốm, các em trong lớp cắt phiên nhau đến thăm nom, săn sóc, chép bài giúp bạn. Một em bị đau chân không đi học được, các em phân công nhau cõng bạn đến lớp. Một cụ già chống gậy trên đường lầy lội được các em xúm lại đưa cụ về tận nhà. Một chiếc xe bò chở nặng đang ì ạch leo dốc giữa trời nắng chang chang, các em xúm lại đẩy giúp chiếc xe vượt lên... Về nhà, chính các em là người quan tâm chăn thả trâu bò, đàn lợn, chăm sóc đàn gà, giúp đỡ cha mẹ cơm nước và nhiều việc gia đình khác. Biết bao hình ảnh, việc làm tương tự khiến các thầy cô và các bậc phụ huynh trào dâng niềm xúc động.
Thầy Nguyễn Đức Thìn chia sẻ, với các em học sinh, chúng ta hướng đến những việc làm nhỏ những việc tốt đã thấm vào máu thịt, trở thành thói quen hằng ngày, là nền tảng vun trồng cho các em những đức tính tốt đẹp. Tình thương yêu của các em lan sang cả người lớn. Các em ngoan ngoãn thân ái với nhau, hăng hái làm những việc tốt, các bậc phụ huynh cũng trở nên quý mến nhau hơn. Nếp sống văn minh, ứng xử tình người làm cho tình làng, nghĩa xóm thêm nồng ấm, thân thiện.
Chỉ sau hơn 2 tháng phát động, phong trào nhanh chóng lan rộng ra toàn miền Bắc. Dần dần trở thành một phong trào ở khắp các trường học trong cả nước, được đông đảo học sinh hưởng ứng nhiệt tình.
Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III) đã đánh giá phong trào “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” là một phong trào có tác dụng giáo dục toàn diện đối với thiếu niên, nhi đồng. Hội nghị đã quyết định phát triển sâu rộng trong hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.
Từ đó, phong trào “Nghìn việc tốt” nhanh chóng được nhân rộng, thu hút hầu hết thiếu niên, nhi đồng và các tổ chức Đội ở các địa phương trong cả nước tham gia dưới nhiều hình thức: Xây dựng nề nếp học tập; giữ gìn vệ sinh trường lớp, xóm làng; chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, người già cô đơn; lao động giúp đỡ gia đình, hỗ trợ hợp tác sản xuất, bảo vệ của công, làm kế hoạch nhỏ… Thông qua những việc làm thiết thực, cụ thể các em thiếu niên, nhi đồng đã góp phần công sức đáng kể xây dựng quê hương ngày một đổi mới, trường học khang trang, đường làng ngõ xóm phong quang sạch sẽ.
Nghìn việc tốt” sớm trở thành phong trào thi đua yêu nước của thiếu nhi Việt Nam, được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân khen ngợi khuyến khích phát triển. Qua 60 năm qua, phong trào vẫn tiếp tục nở hoa, kết trái.
“Với các em học sinh, chúng ta hướng đến những việc làm nhỏ giúp các em hiểu rằng việc tốt là tất cả những việc có ích trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, các em được hình thành những nhân cách đúng đắn để làm người tử tế”, thầy Thìn chia sẻ.
Từ một phong trào rất nhỏ, nhiều học sinh đã trưởng thành, không ngừng phấn đấu, rèn luyện trở thành những công dân tốt, người lao động sản xuất giỏi, những nhà nghiên cứu khoa học, kỹ sư, bác sỹ, cán bộ cao cấp trong quân đội, những người có ích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Không ngừng phát triển
Ở bất cứ nơi đâu, phong trào cũng được thiếu nhi hưởng ứng nhiệt tình. Những năm 1970, phong trào “Nghìn việc tốt” không chỉ được nhân rộng trên tất cả các trường học của Việt Nam mà còn được nhiều nước Đông Âu cử học sinh sang tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ báo chí trong nước, mà báo chí nước ngoài cũng về tận Bắc Ninh để tìm hiểu, chụp ảnh viết bài và coi đây như một sáng kiến chung để hình thành nhân cách một con người”, thầy Thìn cho biết.
Phát triển từ phong trào “Nghìn việc tốt”, có rất nhiều tấm gương sáng được tuyên dương như: “Vượt khó học tập”, “Dũng cảm cứu bạn”, “Nuôi heo đất - giúp bạn nghèo đến trường”, “Người con hiếu thảo”, “Nhặt của rơi trả lại người bị mất”, “Áo lụa tặng bà”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Em yêu biển đảo quê hương”, “Thiếu nhi bảo vệ môi trường”... qua đó đã nâng bước cho lớp thiếu nhi Việt Nam trưởng thành, học tập, sáng tạo, xây dựng quê hương, đất nước.
Để kịp thời động viên, tuyên dương những tấm gương thiếu nhi làm việc tốt và lan tỏa phong trào “Nghìn việc tốt” ngày càng sâu rộng, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương thường niên chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Đội tổ chức các hoạt động tuyên dương thiếu nhi làm nghìn việc tốt cấp cơ sở.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng, trải qua 60 năm duy trì và phát triển, phong trào “Nghìn việc tốt” không ngừng được nâng cao cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn, từng bước phát triển ngày càng sâu rộng, thể hiện trên tất cả các mặt hoạt động của Đội.
Dưới sự dìu dắt, phụ trách của tổ chức Đoàn, Đội, phát huy hiệu quả phong trào“Nghìn việc tốt”, nhằm cụ thể hóa 5 điều Bác Hồ dạy, các phong trào thi đua của thiếu nhi ngày càng thêm nở rộ, tạo sức lan tỏa và phổ biến trong các liên đội, đáp ứng được những yêu cầu trong tình hình mới, tiêu biểu như các chương trình, phong trào: “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”;“Rèn luyện đội viên”,“Thiếu nhi Việt Nam học tập tốt rèn luyện chăm”; “Tuổi trẻ Việt Nam - Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai”; “Vì Mái trường xanh”; “Em yêu khoa học, tài năng công nghệ nhí”, “Đọc và làm theo báo Đội”; “Kế hoạch nhỏ”; “Vượt khó học tốt”, “Bạn giúp bạn”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Áo lụa tặng bà”, “Đi tìm địa chỉ đỏ” và cuộc vận động “Vòng tay bè bạn”…
Nhiều cấp bộ Đoàn, các cán bộ phụ trách Đội đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, sinh hoạt chuyên đề, thảo luận, đi sâu nghiên cứu những điều Bác Hồ dạy, vận dụng vào việc giáo dục, tổ chức hoạt động cho thiếu niên, nhi đồng phù hợp với từng lứa tuổi, làm cho các em ngày càng thấm thía hơn với những lời dạy của Bác, trở thành tâm huyết, phương châm hành động, thành dấu ấn trong suốt cuộc đời của các em từ lúc nhỏ cũng như khi đã trưởng thành, tiêu biểu như tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”; “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; “Nói lời hay, làm việc tốt”...
Thông qua các phong trào hoạt động, thiếu nhi cả nước đã được trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, giáo dục những truyền thống tốt đẹp của cách mạng và dân tộc Việt Nam, trở thành nguồn động lực to lớn, vô tận đã và đang dẫn dắt, thúc đẩy hàng chục triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và toàn thể xã hội phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần bồi dưỡng, hình thành cho thiếu nhi những giá trị phẩm chất tốt đẹp, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với khí thế “Tuổi nhỏ chí lớn”, những “Dũng sỹ Nghìn việc tốt” và lớp lớp đội viên, thiếu nhi Việt Nam không ngừng phấn đấu phát huy những truyền thống vẻ vang, hào hùng của Đội trong suốt 82 năm qua; lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, việc làm nhân ái, ngập tràn tình yêu thương, sẻ chia tới mọi người xung quanh; thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, tích cực học tập, trau dồi đạo đức, trí tuệ và rèn luyện sức khoẻ để trở thành con ngoan, trò giỏi, góp phần đưa đất nước “Sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.