Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ:

Người cựu chiến binh mang nước sạch về cho dân

Là một người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào, trở về quê hương với thương tật 81%, cựu chiến binh Lê Đức Vinh (sinh năm 1956) ở thôn Đam Khê Ngoài, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã tiên phong trong việc đưa nguồn nước sạch về cho người dân địa phương.

Ông Vinh đã biến ước mơ có nước sạch của người dân ở nhiều vùng còn khó khăn của huyện Hoa Lư bao lâu nay dần trở thành hiện thực.

Cựu chiến binh Lê Đức Vinh kiểm tra quy trình sản xuất nước tại Trạm cấp nước sạch nông thôn.

Năm 1971, hòa vào khí thế sục sôi của tuổi trẻ cả nước, người thanh niên trẻ Lê Đức Vinh đã tình nguyện lên đường tòng quân đánh giặc. Gia đình ông có 8 người con, trong đó ông là người con trai thứ 5 trong gia đình. Thương con ít tuổi, lại còi cọc nhất nhà nhưng khi biết lý tưởng và hoài bão của ông, gia đình rất tự hào và ủng hộ.

Ông Vinh chia sẻ: “Ngày nhập ngũ, tôi rất xúc động khi được chứng kiến có những đồng chí còn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng tạm gác bút nghiên lên đường đánh giặc, có những cô gái tuổi vừa mười tám đôi mươi cũng xung phong vào chiến trường”.

Lời căn dặn của cha mẹ, sự tin tưởng của đồng chí, đồng đội đã tiếp thêm cho ông Vinh sức mạnh để rèn luyện trở thành một chiến sỹ rắn rỏi, kiên cường. Tuy nhiên, chỉ gần một năm sát cánh của đồng đội trong những trận đánh ác liệt ở các chiến trường nước bạn Lào, ông bị thương và được đưa về nước điều trị. Do vết thương nặng không thể tiếp tục chiến đấu, ông đã xuất ngũ vào năm 1976, với mức thương tật mất 81% sức khỏe.

Trở về quê hương, ông Vinh tâm niệm bản thân phải luôn phát huy bản chất của người lính, ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế". Vượt lên khó khăn, vất vả với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông hăng hái tham gia lao động sản xuất.

Ông Vinh chia sẻ: “Khi đó, tài sản của gia đình tôi hầu như chẳng có thứ gì đáng giá. Vượt lên thương tật, khó khăn, tôi luôn trăn trở tìm hướng làm kinh tế cho gia đình. Tôi không nề hà bất cứ công việc gì để có thêm thu nhập, từ nghề thợ xây, rồi làm nông nghiệp với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Dần dần, với số vốn tích cóp được, gia đình tôi mở một cửa hàng phục vụ ăn uống, cuộc sống dần ổn định hơn”.

Trong quá trình sinh sống tại địa phương, nhận thấy khó khăn lớn nhất của người dân trong thôn chính là nước sạch. Ngay cả bản thân gia đình ông đã phải đào giếng sâu tới 13 - 14m nhưng vẫn không có nước để dùng. Vì thế ông luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để đưa nước sạch về cho người dân sử dụng.

Đến năm 2009, sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và vay được vốn, ông đã quyết định xây dựng Trạm cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn xã Ninh Hải, thuộc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Phú Vinh.

Cũng trong năm đó, dự án cung cấp nước sạch cho khu vực thôn Bích Động và Đam Khê Trong thuộc xã Ninh Hải của ông được UBND tỉnh Ninh Bình ký quyết định phê duyệt. Dự án có tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng với công suất ban đầu 30m3/giờ. Đến năm 2012, dự án hoàn thành đã cung cấp nước sạch cho 100% người dân hai thôn trên.

Ông Vinh tâm sự: “Nhiều người hỏi tôi rằng, chưa từng học qua trường lớp kỹ thuật nào, lại chưa có kỹ năng quản lý, tại sao tôi có thể mạo hiểm bỏ nhiều tỷ đồng để kinh doanh nước sạch? Thậm chí, những ngày đầu khi nghe tôi trình bày ý tưởng, vợ và các con tôi còn can ngăn và không đồng tình ủng hộ. Rồi khi bắt tay vào thi công, lúc thợ đào đường để lắp đường ống nước cũng gặp phải sự phản đối từ nhiều người dân. Trước những khó khăn đó, tôi đã dành nhiều thời gian để tuyên truyền cho mọi người hiểu vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của nguồn nước sạch sinh hoạt, từ đó tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận trong phần lớn những người trong thôn”.

Đến nay, mọi người đã hiểu được sự cần thiết của nguồn nước sạch sinh hoạt, khi nước giếng đã không còn đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Ông Vinh cho biết, những kỹ thuật của nghề đều do ông tự mày mò học hỏi. Khi đã đam mê và có quyết tâm rồi, mọi nhọc nhằn, trở ngại lại là động lực để ông nỗ lực vươn lên.

Bên cạnh đó, ông cũng xác định rõ việc làm của mình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", góp phần để địa phương hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Trước nhu cầu ngày một lớn của bà con trong xã và các vùng lân cận, ông Vinh cùng với gia đình tiếp tục đầu tư gần 20 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp Trạm cấp nước sạch với công suất 100m3/giờ đủ để cung cấp nước sạch cho cả 5 thôn trong xã.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã giao cho Trạm cấp nước của ông cung cấp, phục vụ nước sạch cho cả Trại giam Ninh Khánh (xã Ninh Vân) và nhiều thôn khác thuộc xã Ninh Vân, Ninh Thắng của huyện Hoa Lư.

Điều đáng nói là chất lượng nước sinh hoạt Trạm cấp nước của cựu chiến binh Lê Đức Vinh cung cấp cho bà con luôn đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế khiến người dân rất yên tâm khi sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Khánh, thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cho biết: “Trước đây gia đình tôi và các hộ gia đình trong thôn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan vừa không đáp ứng được nhu cầu sử dụng vừa không đảm bảo an toàn vệ sinh. Từ ngày có nguồn nước sạch từ Trạm cấp nước của cựu chiến binh Vinh chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm về sức khỏe của bản thân và gia đình”.

Ngoài ra, với việc không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, đến nay Công ty Phú Vinh cũng đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 25 - 27 lao động thời vụ ở địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phạm Văn Tỉu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ninh Hải cho biết: “Việc đầu tư xây dựng công trình nước sạch của ông Vinh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần cùng với địa phương hoàn thành tiêu chí nước sạch nông thôn, đưa xã Ninh Hải đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, là một cựu chiến binh và trên cương vị trưởng thôn từ năm 2014, ông Vinh luôn gương mẫu đi đầu trong việc vận động người dân hưởng ứng tích cực phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới”.

Hơn 10 năm làm trưởng thôn, nhờ những nỗ lực, cố gắng của ông, Đam Khê Ngoài đã trở thành thôn đầu tiên của xã có Nhà văn hóa và là thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu Làng văn hóa.

Ông Vinh cũng kiên trì đến từng gia đình tuyên truyền vận động để người dân hưởng ứng tích cực phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tạo nên không khí sôi động, hối hả. Đến nay, ông đã nhận được rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành vì đã có nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới và là cựu chiến binh tiêu biểu.

Ông Vinh chia sẻ: “Mỗi thương, bệnh binh là một cuộc đời, một hoàn cảnh. Những việc làm của tôi chỉ là góp một phần nhỏ bé trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc”.

Với bản chất người lính Cụ Hồ, năng động sáng tạo trong thời kỳ đất nước đổi mới, việc làm của cựu chiến binh Lê Đức Vinh đã giúp hàng nghìn hộ dân ở nhiều xã của huyện Hoa Lư được sử dụng nước sạch, sức khỏe nhân dân ngày càng cải thiện.

Đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa to lớn góp phần thực hiện 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những đóng góp tích cực của ông đã được chính quyền địa phương và người dân ghi nhận và biểu dương.

Bài và ảnh: Thùy Dung (TTXVN)
Tấm lòng của một cựu chiến binh
Tấm lòng của một cựu chiến binh

Dù ở thời chiến hay thời bình thì phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ vẫn luôn bừng sáng trong tim mỗi người cựu chiến binh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN