Long Tiên (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) là xã giàu truyền thống cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đã có không ít cán bộ, đảng viên trong xã từng tham gia kháng chiến, nay tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực cho công tác xã hội. Điển hình là ông Ngô Văn Cưng, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Long Tiên.
Ông Ngô Văn Cưng đi bộ đội khi mới tròn 20 tuổi. 7 năm sau (năm 1967) với những thành tích trong chiến đấu, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1980 ông phục viên, trở về quê hương.
Mỗi năm, gia đình ông Ngô Văn Cưng thu hoạch trên 15 tấn quả, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng. |
Về quê hương lập nghiệp với diện tích đất canh tác 8.000 m2 do ông bà để lại, trong đó có 5.000 m2 đất trồng lúa, còn lại là vườn cây. Tuy nhiên, do đất ruộng gò trồng lúa năng suất thấp, vườn cây tạp mang lại nguồn thu không đáng kể nên cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn.
Sau năm 2000, mạng lưới đê bao ngăn lũ được kiện toàn, mở ra cơ hội mới để chuyển đổi sản xuất làm giàu cho nông dân Long Tiên. Trước tình hình trên, ông Ngô Văn Cưng bàn với gia đình chuyển đổi từ đất trồng lúa và vườn tạp sang trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Cây trồng được chọn là sầu riêng, với các giống chất lượng cao như Ri6, Mong Thong.
Ông Cưng cho biết, sầu riêng thích hợp với đất ruộng chuyển đổi sang vườn cây ăn quả. Sau 4 năm đã cho trái bói và sau 5 năm cho năng suất 30 tấn/ha/năm đối với vườn cây trưởng thành. Cùng với chuyển đổi sản xuất, ông Cưng chú trọng học tập kinh nghiệm và kỹ thuật thâm canh sầu riêng, nhất là xử lý cho quả trái mùa, giảm nguy cơ “trúng mùa, mất giá” nông sản, nông dân thua thiệt.
Vườn sầu riêng 5.000 m2 của ông hiện nay đã bước sang năm thứ 14. Khu vườn này, trung bình mỗi năm đạt sản lượng 13 - 14 tấn quả, giá trị sản xuất trên 500 triệu đồng, trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 300 triệu đồng. Nhờ thu nhập ổn định từ cây sầu riêng, ông có tiền trang trải cuộc sống gia đình, lo con cái ăn học, xây dựng nhà cửa đàng hoàng.
Ông cũng có thêm vốn đầu tư cải tạo 3.000 m2 đất vườn tạp còn lại để mở rộng diện tích trồng sầu riêng theo mô hình chuyên canh. Khu vườn này cũng đang bắt đầu cho thu hoạch. Ông Ngô Văn Cưng cho biết, tính cả hai khu vườn với diện tích 8.000 m2, mỗi năm gia đình ông thu về 700 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng.
Từ một anh bộ đội cụ Hồ về quê dựng nghiệp với hai bàn tay trắng và chưa có kinh nghiệm trồng trọt, sản xuất, ông Ngô Văn Cưng đã trở thành một nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của vùng chuyên canh sầu riêng nổi tiếng tỉnh Tiền Giang. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức làm ăn thành công với mô hình trồng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao Ri6, Mong Thong cho bà con quanh vùng.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tiên, địa phương đã định hình vùng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao trên 1.400 ha trong đó có khoảng 1.100 ha đang cho thu hoạch với năng suất ổn định. Trung bình mỗi ha sầu riêng thu nhập trên 300 triệu đồng. Những hộ xử lý quả trái mùa thành công như ông Ngô Văn Cưng cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha/ năm, cao gấp chục lần trồng lúa năng suất cao.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tiên, cho biết: "Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Ngô Văn Cưng còn là nhân tố tích cực trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đóng góp tích cực vào việc kiến thiết hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông nhiều năm liền là được công nhận gia đình văn hóa. Hàng năm, ông ủng hộ từ 3-5 triệu đồng giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách neo đơn; giúp tu bổ, sửa sang và nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn nhằm tạo thuận lợi trong giao thương, tiêu thụ nông sản và việc đi lại, học hành của học sinh trong xã".
Với tư tưởng, suy nghĩ và việc làm của ông Ngô Văn Cưng càng làm sáng thêm truyền thống anh bộ đội cụ Hồ cũng như vai trò người đảng viên 50 năm tuổi Đảng luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.