Người anh hùng giữa đời thường

Với lối sống giản dị, khiêm tốn, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, đam mê với công việc, gần gũi, thân thiện với người dân, Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hoàng Văn Lượng (xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng hình ảnh Bộ đội cụ Hồ trong lòng người dân địa phương.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Văn Lượng chăm sóc vườn bưởi. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Người Anh hùng đặc công thời chiến

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 4/1974, ông Hoàng Văn Lượng tự nguyện lên đường nhập ngũ và được điều động vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 60 thuộc Bộ Tư lệnh đặc công. Ông Hoàng Văn Lượng chia sẻ, sau một thời gian huấn luyện tại Bắc Giang, ông lên đường vào Nam chiến đấu chống Mỹ xâm lược.

Do tình hình chiến tranh phức tạp diễn ra ở khắp nơi, ông tiếp tục được cấp trên chỉ đạo tham gia đánh chiếm sân bay Hòa Bình tại thành phố Buôn Ma Thuột. Lúc đó, ông đã mưu trí, sáng tạo chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau 3 ngày cơ động theo Quốc lộ 14 về Bình Dương chuẩn bị bàn đạp đánh chiếm cầu Bông và cầu Sám (ngày 26/4/1975), tạo hành lang cho Quân đoàn 3 thọc sâu vào giải phóng Sài Gòn. Trên cương vị Tiểu đội trưởng - C2D198 - Lữ đoàn 372 Phòng không - Không quân, ông đã cùng đơn vị chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, không cho địch đánh sập cầu Bông…

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối nhưng các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, tiến hành xâm lược biên giới hai đầu Tổ quốc. Ông Hoàng Văn Lượng lại cùng đồng đội tiếp tục hành quân đến những chiến trường ác liệt, góp sức giữ gìn biên cương Tổ quốc cũng như làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Tại chiến trường Campuchia (từ năm 1981 - 1983), ông trực tiếp chỉ huy 10 đợt chiến đấu.

Vận dụng cách đánh “Nở hoa trong lòng địch”, ông đã tự tay đặt thuốc nổ phá hủy 6 mục tiêu trong số 9 mục tiêu của trận đánh; chỉ huy đơn vị phá hủy hoàn toàn 27 nhà ở của địch, 3 kho chứa 100 tấn đạn, giết chết 20 tên chỉ huy, 30 tên sỹ quan cao cấp của địch nhưng vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đơn vị. Ông được tham gia đào tạo, huấn luyện quân đội của ta và giúp đỡ huấn luyện cho quân đội nước bạn Campuchia…

Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 29/1/1983, Nhà nước đã tuyên dương, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 7, đoàn A381 và cá nhân ông Hoàng Văn Lượng. Ba năm sau, vị anh hùng người Mường đất Tân Phú lại được điều động lên Vị Xuyên (Hà Giang) với vai trò trợ lý trinh sát đặc công trực tiếp chỉ đạo trận đánh cửa khẩu Thanh Thủy. Một lần nữa, ông cùng đồng đội tỏ rõ bản lĩnh của lực lượng đặc biệt chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bẻ gãy sự tấn công của địch, giữ vững trận địa...

Cả đời gắn bó với quân ngũ và những chiến trường cam go, khốc liệt, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hoàng Văn Lượng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 9 Huân chương chiến công các loại; Huân chương Angkor hạng Nhất (Campuchia); Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; 30 Bằng khen…

Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Chú thích ảnh
Ông Lượng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với người dân địa phương. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Năm 2015, xuất ngũ trở về quê hương Phú Thọ, ông Hoàng Văn Lượng luôn tâm niệm phải học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thường xuyên, liên tục và bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Ở cương vị nào, ông Lượng cũng luôn giữ vững phẩm chất của người lính Bộ đội cụ Hồ; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động cũng như các phong trào thi đua của Hội và địa phương

Ông Lượng được cấp ủy giới thiệu, cán bộ, hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh khu 2A. Năm 2020, ông được bầu làm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi khu 2A và là người có uy tín khu dân cư từ 2019 đến nay. Ông Lượng cho hay, bản chất của người lính là nói đi đôi với làm, không ngại khó, ngại khổ. Từ khi xuất ngũ, với tinh thần yêu lao động, ông đã tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi ở các địa phương và quyết tâm đầu tư, xây dựng trang trại tổng hợp hơn 7.000 m2.

“Với diện tích đất hiện có, nếu để làm trang trại tổng hợp quy mô lớn, không thể làm được. Bởi vậy, tôi phải suy nghĩ, tính toán nên nuôi con gì, trồng cây gì cho hợp lý, kết hợp với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất hàng hóa. Hiện, trang trại của tôi có 5 sào ao nuôi thả cá, vài chục con lợi nái và lợn bản địa; hơn 200 con gà nhiều cựa kết hợp trồng cây ăn quả như chuối, bưởi. Mỗi năm trừ chi phí cũng cho lãi từ 150 - 200 triệu đồng…" - ông Lượng chia sẻ.

Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu 2A (xã Tân Phú), ông Lượng luôn gương mẫu, hết lòng giúp đỡ hội viên trong cuộc sống. Năm 2022, ông đã đứng ra đảm nhiệm cho Chi hội đấu thầu gần 1 ha đất lâm nghiệp trồng keo lấy gỗ; khi thu hoạch trừ chi phí đã thu lãi gần 50 triệu đồng. Số tiền này đã cho hội viên luân phiên vay để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Trong xây dựng nông thôn mới, ông Lượng cùng các hội viên cựu chiến binh trong xã tự nguyện hiến đất, ủng hộ kinh phí làm đường, cứng hóa đường giao thông trục thôn và giao thông nội đồng. Gia đình ông đã ủng hộ 50 triệu đồng cho khu dân cư xây nhà văn hóa, làm đường giao thông. Ông còn vận động các gia đình hội viên tham gia phong trào thể dục thể thao như: chơi cầu lông, tổ chức dân ca dân vũ, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để gìn giữ, phát huy nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ngay tại khu dân cư…

“Tôi luôn ghi nhớ lời Bác dạy, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Cả cuộc đời, tôi luôn coi đó là kim chỉ nam trong suy nghĩ, việc làm. Là người lính càng phải giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, học tập và làm theo tấm gương của Bác. Về đời thường còn sức khỏe, tôi tiếp tục hoạt động đóng góp một phần công sức mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và toàn xã hội…” - ông Hoàng Văn Lượng bộc bạch.

Ông Thái Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện về Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hoàng Văn Lượng gan dạ trong chiến đấu, luôn sống có ích và giản dị giữa đời thường là tấm gương sáng, có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ. Ông Lượng luôn gương mẫu, sống và làm việc với phẩm chất của người Bộ đội cụ Hồ; có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự phát triển của địa phương. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa của ông Lượng đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên và Nhân dân về một tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương.

Tấm gương người Anh hùng giữa đời thường, học tập và làm theo Bác của cựu chiến binh Hoàng Văn Lượng được đảng viên và nhân dân luôn tin yêu, cảm phục. Ông đã được Tỉnh ủy Phú Thọ đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng, là điển hình thực hiện Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Toàn Đức (TTXVN)
Sưởi ấm những mảnh đời yếu thế
Sưởi ấm những mảnh đời yếu thế

Mang trong mình chất độc da cam khiến thân hình chỉ như một đứa trẻ 8 tuổi nhưng suốt nhiều năm qua, anh Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1979), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sưởi ấm tình người, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, vẫn miệt mài trên hành trình thiện nguyện, mang đến những giá trị tốt lành nhất cho những mảnh đời yếu thế trên mọi miền đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN