Không gian đọc của cô gái ngồi xe lăn

"Niềm tin” là tên của một không gian đọc quen thuộc với nhiều học sinh ở huyện Đông Hưng (Thái Bình). Tới đây các em được đọc, mượn sách miễn phí.

Đây là tủ sách của cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Lan Hương (sinh năm 1994) ở xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng. Nghị lực và tình yêu với văn hóa đọc đã giúp Hương kết nối bạn bè và vươn lên trong cuộc sống.


Hai mươi hai năm sống cùng xe lăn


Gia đình Nguyễn Thị Lan Hương là một trong những hộ nghèo ở thôn Phong Lôi Tây (xã Đông Hợp). Năm nay, Hương 22 tuổi và cũng bằng ấy năm Hương không thể đi lại hay nói chuyện một cách bình thường.


Cô Phạm Thị Nhung, mẹ của Hương tâm sự,­ Hương là chị cả, sau Hương còn có 2 em. Căn bệnh bại não bẩm sinh đã khiến Hương liệt cả tay, chân ngay từ khi sinh ra. Ngày còn nhỏ, mẹ đi đâu đều phải đưa Hương theo đấy. Ngoài việc không thể đi lại, việc nói của Hương cũng gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng dây thần kinh. Thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác, Hương không thể chơi đùa cùng bạn bè và cũng chưa từng một ngày được đến lớp… Vốn thích học nên Hương đã cùng em trai tự mày mò tìm hiểu từ bảng chữ cái đến cách đánh vần, dần dần Hương cũng biết đọc.


Ngoài công việc làm ruộng, mẹ Hương nhận thêm việc may ở nhà, vừa có thêm thu nhập vừa có thể giúp Hương trong mọi sinh hoạt. Biết hoàn cảnh đặc biệt của Hương, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến, san sẻ gánh nặng, giúp em hòa nhập cùng cộng đồng. Năm 2009, được sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, Hương đã có một chiếc xe lăn, đến năm 2012 một người Canada tặng Hương một chiếc ipad để em có thể giao lưu với thế giới bên ngoài.


 Dù có xe nhưng tay và chân của Hương không thể cử động được nên việc sử dụng của Hương rất khó khăn. Mẹ Hương phải buộc một cánh tay của em vào thành xe để có điểm tì cố định, giúp Hương không bị ngã khi ngồi xe. Còn với chiếc ipad, để sử dụng được là cả một quá trình luyện tập dài của Hương. Em phải tập dùng miệng điều khiển chiếc bút, coi nó như chính bàn tay của mình để sử dụng được các tính năng trên máy tính bảng.


Muốn giao tiếp cùng mọi người nhưng mỗi lần nói, Hương phải gồng mình lên mới nói được từng câu ngọng ngịu khó khăn. “Thế giới” 20 năm nay của Hương gói gọn trong căn nhà nhỏ chưa đầy 30 mét vuông. Ban đầu, Hương tự ti, nhút nhát vì thân hình không bình thường của mình, nhưng được mẹ động viên nên dần dần Hương đã cởi mở hơn. Đáng nhớ nhất là mùa hè năm nay, em được đi Hải Dương giao lưu cùng các bạn bè. Đây là lần đầu tiên trong đời Hương được đi “xa” đến thế.


Con đường đến với không gian đọc


Từ khi có chiếc ipad đã giúp Hương kết nối nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Hương chia sẻ, cuốn sách đầu tiên em đọc là cuốn “Không gục ngã” của tác giả Nguyễn Bích Lan. Cũng chung hoàn cảnh là người khuyết tật nên những chia sẻ trong cuốn tự truyện của chị Lan rất gần gũi, đã tiếp thêm cho Hương nghị lực để vươn lên.


Năm 2015, được sự giúp đỡ của anh Đỗ Hà Cừ (một thanh niên khuyết tật như Hương, hiện đang mở Không gian đọc Hy vọng tại thành phố Thái Bình), cô giáo Dương Lệ Nga (người tiên phong trong xây dựng các phong trào Tủ sách tại tỉnh Thái Bình) và Thư viện tỉnh Thái Bình, cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Lan Hương đã có được một không gian đọc của riêng mình và Hương chọn tên cho không gian ấy là “Niềm tin” như để nhắc nhở mình dù hoàn cảnh có khó khăn, khắc nghiệt đến đâu vẫn luôn phải có niềm tin ở cuộc sống. Đó là sức mạnh để chiến thắng hoàn cảnh.


Căn nhà của gia đình Hương dù chật chội nhưng em vẫn dành một góc trong nhà để kê các giá sách. Những quyển sách được mẹ Hương chia thành từng ô, từng lĩnh vực ngăn nắp, thuận tiện cho việc tra cứu, tìm sách của bạn đọc. Vào mùa hè, Không gian đọc của Hương mở 3 ngày/tuần phục vụ bạn đọc. Dù mới hoạt động được hơn 1 năm nay, nhưng Không gian đọc “Niềm tin” của Hương đã thu hút được hơn 1.000 lượt bạn đọc trên địa bàn tới đọc và mượn sách miễn phí, trong đó chủ yếu là các bạn học sinh. Đến nay, đã có trên 1.500 đầu sách từ truyện, tiểu thuyết đến sách tham khảo, sách ngoại ngữ phục vụ đa dạng các đối tượng. Từ khi có thư viện nhỏ này, cuộc sống của Hương có nhiều thú vị hơn vì em được chia sẻ và gặp gỡ nhiều bạn bè. Sau khi đọc mỗi cuốn truyện hay, Hương thường tóm tắt lại và chia sẻ trên mạng xã hội, từ đó thu hút các bạn cùng đọc sách, nâng cao hiểu biết.


Mong muốn trong tương lai của Hương là phát triển thêm nhiều đầu sách dành cho các lứa tuổi cấp 1 và cấp 2. Hương hi vọng không gian đọc này sẽ góp phần đưa văn hóa đọc đến cho nhiều người hơn, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Bởi lẽ đọc sách là một cách tiếp cận tri thức hiệu quả, nhất là thực tế báo động hiện nay nhiều bạn trẻ đang thờ ơ với việc đọc.


Thu Hoài (TTXVN)
Tủ sách Lam Sơn mang tri thức về lớp học nông thôn
Tủ sách Lam Sơn mang tri thức về lớp học nông thôn

Vun đắp cho tri thức của thế hệ tương lai với chung một bầu nhiệt huyết xây dựng quê hương, Tủ sách Lam Sơn gồng gánh mang sách về làng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN