Để các em học sinh Cơ Tu miền biên giới khu 7 được tiếp cận với nhiều loại sách phù hợp với lứa tuổi, các giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (viết tắt: trường THCS Lý Tự Trọng, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã triển khai mô hình “tủ sách thôn bản”. Tuy nhiên, ở mỗi điểm đọc, trên những cái giá xập xệ thưa thớt sách, những quyển sách đã quá cũ nhàu…
Mô hình hay
Ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GD - ĐT huyện Tây Giang, đánh giá: “Mô hình tủ sách thôn bản là một mô hình học tập thiết thực được huyện đánh giá cao về tính hiệu quả. Việc triển khai được một mô hình ở vùng khu 7 - nơi được coi là khó khăn nhất của huyện Tây Giang nói riêng và Quảng Nam nói chung, là thành quả cố gắng hết sức của các giáo viên trường Lý Tự Trọng”.
Các em học sinh Cơ Tu đọc sách tại điểm đọc thôn A Rầng 1 (xã A Xan, huyện Tây Giang). |
Lâu nay, người Tây Giang nhắc đến vùng biên giới khu 7 (gồm 4 xã Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ri) là nhắc đến sự xa xôi, cách trở. Nơi đây tách biệt với các vùng còn lại bởi những con đường đất hoang vu chỉ có cây rừng; đời sống người dân còn rất khó khăn; hai xã Tr’Hy và Ch’Ơm vẫn chưa có điện lưới. “Là trường THCS chung cho 4 xã khu 7, với việc thực hiện mô hình tủ sách thôn bản, các giáo viên trong trường hy vọng sẽ hạn chế tình trạng viết sai lỗi chính tả, đọc không chuẩn; ngoài ra, còn bổ sung các kiến thức xã hội về mọi mặt, cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho các em” - ông Phạm Tuấn - Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng, nói.
Với sự đề xuất của liên đội trường, mô hình tủ sách thôn bản được nhà trường triển khai từ tháng 2 năm này (năm 2012), dự tính cho các học sinh cấp 1 và cấp 2 trên toàn vùng khu 7, với mỗi thôn là một điểm đọc. Hiện, với hơn 300 đầu sách được quyên góp từ các nơi, trường đã xây dựng được 5 điểm đọc tại 5 thôn của xã A Xan (thôn A Rầng 1, A Rầng 2, thôn Agrí, thôn Ka Noon, thôn Ga Nil) và 2 điểm đọc ở thôn A Tu 1 và A Tu 2 của xã Ch’Ơm. Theo đó, mỗi điểm đọc được bố trí một giá sách với gần 50 cuốn sách gồm sách thiếu nhi, báo chí thiếu nhi, thiếu niên, truyện tranh, sách tin học… phù hợp cho độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 9. Giá sách của một số thôn được đặt ở nhà gươl, một số thôn khác, giá sách được đặt ở nhà trưởng thôn, các em học sinh trong thôn tự phân công quản lý. Theo sự hướng dẫn của giáo viên, các em đến đó đọc vào ban đêm, lúc rảnh rỗi. Để khuyến khích việc đọc sách, nhà trường có sáng kiến: Căn cứ trên sự theo dõi của giáo viên, em nào được đánh giá là đọc nhiều, cuối tháng sẽ có phần thưởng trích từ kinh phí hoạt động Đội. “Phần thưởng không nhiều, tổng giá trị chỉ vài chục nghìn đồng với một số dụng cụ học tập, sinh hoạt, nhưng cũng khuyến khích các em. Các em đến đọc đúng giờ, và điểm đọc thật sự trở thành một nhà sinh hoạt văn hóa”, anh Phạm Tuấn nói.
Ông Huỳnh Kim Tín cho hay: “Tuy mới chỉ là bước đầu nhưng mô hình đã tỏ ra hiệu quả. Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang coi đây là mô hình học tập mà trong thời gian tới, sẽ có kế hoạch khuyến khích nhân rộng ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện”.
Rất cần hỗ trợ đầu sách
Khi bắt đầu triển khai mô hình tủ sách thôn bản, các giáo viên trường THCS Lý Tự Trọng không có bất kỳ nguồn kinh phí cũng như kinh nghiệm nào. Trong khi đó, khu 7 được coi là nơi khó khăn nhất ở Tây Giang nói riêng và Quảng Nam nói chung, bà con Cơ Tu nơi đây phần đông không tiếp cận được với sách, nên không thể tìm được sách từ các phụ huynh. Thành ra, tất cả sách để thực hiện mô hình được các giáo viên tự đóng góp kinh phí để mua, và vận động từ nhiều nguồn. Ngoài số sách được một tổ chức từ thiện ở Đà Nẵng ủng hộ, nhiều giáo viên tìm nguồn sách từ họ hàng, người thân, bạn bè dưới xuôi…
Trường THCS Lý Tự Trọng là trường cấp THCS có nhiều học sinh nhất trong số các trường THCS trên đại bàn Tây Giang với 650 học sinh; và số lượng giáo viên, nhân viên cũng đông nhất với 53 người. Các thành tích đạt được của trường trong các năm học qua: lLiên đội xuất sắc trong 3 năm liền 2010-2011-2012. lNhất toàn đoàn kì thi học sinh giỏi cấp huyện năm học 2011-2012. lNhất toàn đoàn thi TDTT cấp huyện năm học 2009-2010. lNhận thăm nuôi 1 cụ cao tuổi tại địa phương. lThành lập quỹ “Vì bè bạn” hỗ trợ các bạn học sinh bị đau ốm. lTăng cường công tác giao lưu kết nghĩa với các đơn vị bạn ở đồng bằng. |
Anh Nguyễn Quang Tuấn - Tổng phụ trách liên đội trường THCS Lý Tự Trọng, người đề xuất triển khai mô hình, nói: “Nói là tủ sách cho oai, nhưng những giá sách mà các giáo viên tự đóng đã xập xệ hết, nhà trường không có kinh phí để xây dựng một tủ sách cho đàng hoàng. Cái khó khăn nhất của giáo viên là thiếu sách. Mỗi tủ sách phải có chừng mấy trăm quyển mà ở đây chỉ có chừng vài chục cuốn. Mà lại là sách xin nên rất cũ nhàu”.
Vì quá thiếu sách, các giáo viên trong trường đã “đối phó” bằng cách: sau thời gian một tháng, lấy sách từ điểm đọc ở thôn này chuyển qua điểm đọc ở thôn kia, lại lấy sách từ điểm đọc ở thôn kia chuyển qua thôn khác… nghĩa là cứ luân phiên luân chuyển sách để đảm bảo cho mỗi điểm đọc không chỉ đơn điệu một loại sách; thành ra, sách đã cũ càng thêm cũ nhàu… Lại nữa, vì thấy tủ sách quá trống vắng, nên các giáo viên lại đối phó bằng cách lấy sách khuyến nông, sách pháp luật… xin từ UBND các xã để “lấp” vô, mục đích là để tạo tâm lý thích đọc cho các em học sinh; thành ra, có những tủ sách “loạn xạ” sách, không biết phân biệt dành cho người lớn hay trẻ em.
Bản thân thầy Nguyễn Quang Tuấn, mỗi lần về quê, trên đoạn đường từ Tây Giang qua Đà Nẵng để tới nhà ở huyện Thăng Bình; cứ thấy trường học nào nằm bên đường là lại ghé vô nói “có sách cũ không, cho chúng tôi xin một quyển…”. Nhiều lần, bảo vệ trường thấy anh mà nhìn bằng con mắt ái ngại bởi đi đường núi về, áo quần lấm lem… Nhưng anh cũng như các giáo viên trong trường mỗi năm về quê chừng 5 lần, xe máy thì không thể vận chuyển được nhiều, xin mãi sách vẫn thiếu…
Các giáo viên và các em học sinh khu 7 rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để bổ sung đầu sách cho mô hình. “Không cần nhiều, chỉ cần các bạn cho trường một ít sách cũ thôi. Nghĩa là các bạn không phải tốn tiền, chỉ tốn công lục lại trong giá sách của mình lấy ra quyển sách mà bạn ít cần, nhưng phù hợp với các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 như sách tham khảo, truyện cổ tích, báo chí thiếu nhi... Các em học sinh nơi đây sẽ rất đỗi vui mừng nếu nhận được tấm lòng của các bạn”, anh Nguyễn Quang Tuấn nói.
Bài và ảnh: Mai Thành Dũng