Chàng trai 8X và quyết tâm phát triển nghề làm nước mắm truyền thống

Chàng trai 8X xứ Thanh đã quyết định rời bỏ “trời Tây”, mang kiến thức học được trở về quê hương viết tiếp ý tưởng ấp ủ bao năm, đưa thương hiệu nước mắm Khúc Phụ quê nhà vươn xa hơn nữa, dần dần tìm được chỗ đứng và chiếm thị phần quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người Việt.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Văn Các kiểm tra chất lượng nước mắm Khúc Phụ. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại học Tokyo Nhật Bản, sau khi ra trường, chàng trai 8X Nguyễn Văn Các (ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) dễ dàng tìm được công việc ổn định, cho thu nhập hàng nghìn đô mỗi tháng tại đất nước "mặt trời mọc". Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hoằng Phụ có truyền thống làm nước mắm hơn 100 năm, 8X xứ Thanh đã quyết định rời bỏ “trời Tây”, mang kiến thức học được trở về quê hương viết tiếp ý tưởng ấp ủ bao năm, đưa thương hiệu nước mắm Khúc Phụ quê nhà vươn xa hơn nữa, dần dần tìm được chỗ đứng và chiếm thị phần quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người Việt.

Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ ngơi sản xuất nước mắm Khúc Phụ mang thương hiệu Bà Hoan bề thế với hệ thống nhà xưởng sản xuất, nhà kho khép kín được đầu tư hàng chục tỷ đồng, anh Các cho biết: Tết Nguyên đán 2021 đang cận kề, nhu cầu sử dụng nước mắm dịp này tăng đột biến. Một tháng trở lại đây, các đơn hàng từ khắp nơi trong cả nước đến dồn dập, hơn 10 lao động tại cơ sở làm việc hết năng suất. Hiện nay, cơ sở sản xuất tiêu thụ khoảng 200 tấn cá và khoảng 100 tấn muối/năm, cho ra khoảng 200 nghìn lít nước mắm và 120 tấn mắm tôm, tép các loại. Với giá bán bình quân 100 nghìn đồng/lít, trừ mọi chi phí, mỗi năm cơ sở thu về từ 3 đến 5 tỷ đồng tiền lãi.

Để có được thành công như hôm nay, bằng sức trẻ và nhiệt huyết của mình, chàng trai trẻ 8X đã trải qua những thời điểm thăng trầm tưởng chừng không thể đứng vững khi cố gắng giữ nghề truyền thống của gia đình.

Chú thích ảnh
Anh Các và sản phẩm nước mắm Khúc Phụ. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

“Năm 2010, tôi rời quê hương sang Nhật Bản và theo học khoa Kinh tế, Đại học Tokyo. Năm 2012 ra trường, tôi được tuyển dụng làm quản lý tại một nhà hàng lớn với mức thu nhập 3.000 USD/tháng (tương đương với 70 triệu đồng Việt Nam). Với truyền thống gia đình 4 đời làm nghề, những năm ở Nhật, hương vị nước mắm quê hương như ăn sâu vào suy nghĩ của tôi. Thời điểm đó, những người làm nước mắm truyền thống khó khăn trăm bề, nhiều hộ gia đình đã bỏ nghề, tuy nhiên tôi luôn động viên gia đình phải cố giữ lấy nghề truyền thống của cha ông bằng bất cứ giá nào...”, anh Các chia sẻ.

Năm 2015, sau khoảng thời gian 5 năm học tập và lập nghiệp tại Nhật Bản, anh Các quyết định trở về quê hương khởi nghiệp. Ý tưởng đã được lập trình, tuy nhiên làm thế nào để thay đổi được cách làm truyền thống nhưng vẫn giữ được hồn cốt của nước mắm quê nhà là một bài toán khó, khiến chàng trai nhiều đêm trăn trở. Để có cái nhìn toàn diện hơn về nước mắm truyền thống trong thị hiếu của người tiêu dùng, anh Các đã không ngừng tìm tòi các tài liệu nghiên cứu, khảo sát thị trường; tham quan nhiều mô hình nước mắm truyền thống tại Nha Trang, Phú Quốc… Sau khi có cái nhìn tổng thể về nước mắm truyền thống, anh Các bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Để sản phẩm vươn xa, không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát mà phải thành lập công ty để có cơ sở pháp lý đưa sản phẩm thâm nhập những thị trường khó tính.

Theo đó, năm 2017, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khuê Các ra đời, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất có quy mô, thị trường tiêu thụ ổn định.

Chú thích ảnh
Nước mắm Khúc Phụ. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

“Xã Hoằng Phụ hiện có khoảng 300 hộ gia đình làm nghề, để nước mắm của gia đình có sự khác biệt, tôi và gia đình quyết định lấy tên bà cố đời thứ nhất để đặt tên cho thương hiệu Nước mắm Bà Hoan. Trong thời điểm người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn nước mắm cho bữa ăn hàng ngày, để sản phẩm cạnh tranh được, chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu, đảm bảo đủ 3 tiêu chí cơ bản: sạch, nguyên chất, không sử dụng chất phụ gia… Hiện nước mắm Khúc Phụ Bà Hoan đang hoàn thiện thủ tục để được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương”, anh Các chia sẻ.

Theo đó, để làm nên những giọt nước mắm Khúc Phụ là cả một quy trình nghiêm ngặt, khâu đầu tiên cũng là khâu quyết định đến độ ngon của nước mắm là tuyển chọn cá. Cá làm mắm nhất thiết phải là cá tươi, cá càng tươi thì vị nước mắm càng đậm ngon, trong đó chủ yếu là cá nục, cá cơm, cá lẫm với tỷ lệ là 3 cá, 1 muối. Muối sử dụng phải sạch, khô. Quá trình phân rã cá tự nhiên cũng phải mất từ 12 đến 36 tháng, tùy thuộc từng loại cá. Khi cá đã ngấu, phải đảo liên tục để mắm đủ độ chín, nhất là những ngày trời nắng đẹp; rồi rút nỏ, qua hệ thống lọc lấy mắm cốt. Nước mắm cốt phải trong veo, màu nâu cánh gián, có mùi thơm ngọt của đạm...

Khẳng định thương hiệu của một sản phẩm truyền thống từ chính chất lượng sản phẩm, hiện nay thương hiệu nước mắm Khúc Phụ Bà Hoan đã có tại các nhà hàng lớn, hệ thống 70 cửa hàng phân phối trong cả nước, một số siêu thị lớn như Coopmart, BigC… Dự kiến trong 3 năm tới, mỗi năm cơ sở sản xuất nước mắm Bà Hoan sẽ tăng công suất tiêu thụ khoảng 1 nghìn tấn cá, cho ra khoảng 1 triệu lít nước mắm/năm.

Ông Trương Hùng Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, cho biết: Hiện tại, trong xã có làng nghề nước mắm Khúc Phụ với khoảng hơn 300 hộ sản xuất, nhưng trường hợp thanh niên trở về quê kế nghiệp bố mẹ gây dựng nước mắm truyền thống như anh Các là rất ít. Sản phẩm nước mắm Khúc Phụ Bà Hoan của Công ty TNHH Khuê Các được người tiêu dùng đánh giá cao.

Hiện nước mắm Khúc Phụ Bà Hoan đang hoàn thiện thủ tục để được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ các hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh; liên kết với các đơn vị tiêu thụ để sản phẩm nước mắm Khúc Phụ ngày càng vươn xa hơn nữa…

Khiếu Tư (TTXVN)
Vinh danh 'Nghề làm nước mắm Nam Ô' là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Vinh danh 'Nghề làm nước mắm Nam Ô' là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 4/7, UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ vinh danh đón Bằng chứng nhận “Nghề nước nắm Nam Ô” ở phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời công bố Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN