Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng dáng đi, giọng nói của ông Hoàng Đại Liên vẫn sang sảng mỗi khi kể lại câu chuyện chiến trường năm xưa. Cuộc chiến đã qua từ lâu nhưng với những người đã từng sinh tử nơi trận mạc như ông Liên (phường Trưng Nhị, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) thì như mới hôm qua.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Giữa lúc chiến tranh loạn lạc, gia đình ông Liên phải sơ tán từ Hà Nam lên Hà Nội và đây cũng là nơi ông được sinh ra. Cả tuổi thơ của ông phải sống trong cảnh nghèo khổ và bị đàn áp bởi lính Tây. Căm thù quân giặc, 15 tuổi ông xin tòng quân nhưng không được nhận vì còn nhỏ tuổi. Tháng 11/1947, ông nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi và được nhận vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn Sông Lô, Bộ Tư lệnh Pháo binh đóng quân ở xã Đội Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang).
Trong câu chuyện kể, ký ức của ông về những năm tháng hào hùng như sống lại. Năm 1953, trong chiến dịch Trần Hưng Đạo, Tiểu đoàn pháo binh của ông bắn cháy một chiếc tàu của Pháp đang tuần trên sông Lô. Chiến tích này của quân ta khiến cho tàu chiến của thực dân Pháp nể sợ, không còn nghênh ngang, ngày đêm diễu tuần trên sông. Cuối năm 1953, Tiểu đoàn 11 ông đang đóng quân được bổ sung cho Sư đoàn 312 và hành quân vào chiến trường Việt Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đội của ông được giao nhiệm vụ phối hợp với Đại đội II thuộc Tiểu đoàn 11 kéo pháo ra trận địa. Ông kể lại: “Theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh chắc thắng, các đơn vị được lệnh chiến đấu từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Nhận lệnh chiến đấu, các đơn vị cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và dồn hết sức kéo pháo bằng được ngoài trận địa". Ông Liên nhớ lại “việc kéo pháo vào trận địa đã khó khăn vất vả nhưng kéo pháo ra vất vả, khó khăn hơn gấp nhiều lần, chỉ cần sơ sảy một chút là pháo có thể lao xuống vực”. Sau gần hai tháng, với ý chí quyết tâm và nỗ lực rất lớn, đơn vị của ông đã kéo an toàn 7 khẩu pháo ra khỏi các sườn núi.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1958, người chiến sĩ Hoàng Đại Liên được phong quân hàm Thượng úy và tiếp tục cùng đơn vị hành quân sang Lào, giúp nước bạn đánh đế quốc và bọn thổ phỉ…Khi chiến đấu ở chiến trường Lào, ông cùng đồng đội tham gia các chiến dịch ở Loong Chẹng - Xiêng Khuảng, Luông Pha Băng,Viêng Chăn… Năm 1963 ông trở về nước sau 6 năm tình nguyện tham gia chiến đấu ở chiến trường nước bạn với vết thương ở đầu và gót chân. Không một ngày nghỉ phép về thăm vợ và gia đình, ông lại cùng đơn vị tiếp tục nhận lệnh hành quân đường dài vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Hơn 10 năm, từ năm 1964 - 1975 tham gia chiến đấu tại các chiến trường miền Tây Nam; đường 9 Nam – Lào; chiến trường B3 giải phóng Tây Nguyên;…ông đã qua các cấp bậc: Đại úy, Trung tá, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 11; Tham mưu trưởng Công trường 7 - Quân khu 9. Năm 1968, khi đơn vị ông đang hành quân tiến vào Sài Gòn thì được lệnh dừng quân tại Cầu Lầy - chiến trường B3 ở Tây Nguyên. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn trúng tọa độ ném bom của địch nên những người ở trong lán trại đều hy sinh và chỉ còn lại mình ông thoát chết bởi lúc đó ông nhận nhiệm vụ xuống các đơn vị kiểm tra. Thế nhưng giấy báo tử ông hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên được gửi về quê nhà. Sau giải phóng Tây Nguyên, đơn vị pháo của ông được lệnh yểm trợ, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê trong sự ngỡ ngàng của vợ và người thân.
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng trong sâu thẳm tâm trí ông Liên vẫn chất chứa những nỗi buồn. Bởi cuộc chiến khốc liệt đã cướp đi của ông quyền làm cha do ông bị nhiễm chất dioxin. Hai lần sinh con là hai lần tim ông như có dao cứa khi nhìn thấy hình hài bé nhỏ không có tay, chân. Hạnh phúc mỉm cười với ông khi ông nhận con của em trai về nuôi dưỡng và coi như con đẻ.
Sức khỏe tuổi già của ông càng giảm sút bởi những trận sốt rét và vết thương tái phát hành hạ. Tuy vậy, ông vẫn phụ giúp vợ làm việc nhà và trông nom các cháu. Nhìn đứa cháu sà vào lòng nghe ông kể chuyện, hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt của người cựu binh một thời sinh tử trong lửa đạn chiến tranh.
Nguyễn Thị Thảo