Kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam - Bài 1: Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc

Trước tình hình mới, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp tháng 10/1974 và tháng 1/1975 quyết định kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Tuy nhiên, từ những trận đánh thắng vang dội ở Buôn Ma Thuột, Phước Long... Bộ Chính trị đã ra quyết định giải phóng Sài Gòn sớm hơn dự kiến.

 

Thời cơ đã đến


Thiếu tướng Huỳnh Nghĩ - nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn 95 Sư đoàn 10, cho biết: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giành được thắng lợi vang dội từ những trận thắng đầu tiên của Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3/1975). Trong đó, trận Buôn Ma Thuột được xem là trận then chốt quyết định, có tầm quan trọng đặc biệt và có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đây cũng là trận then chốt để từ đó Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa năm 1975”.


 

Ông Thái kể về những trận đánh then chốt của quân ta dẫn tới quyết định giải phóng Sài Gòn mùa xuân 1975.

 

Theo Thiếu tướng Huỳnh Nghĩ, cuộc tiến công táo bạo và bất ngờ giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột vào 11/3/1975 đã giúp ta chủ động tạo thời cơ, gây cho địch khó khăn và buộc chúng phạm những sai lầm mới. Trên cơ sở đó, ta nhanh chóng tận dụng thời cơ thuận lợi đập tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột của Sư đoàn 23 bộ binh và Liên đoàn biệt động 21 của quân đội Sài Gòn, đẩy địch vào những sai lầm nghiêm trọng hơn, khiến chúng không còn cách nào khác là phải rút bỏ Tây Nguyên vào ngày 15/3/1975.


Cuộc rút quân của địch đã biến thành cuộc tháo chạy hỗn loạn. Đến ngày 24/3/1975, vùng chiến lược Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc đã được giải phóng, 12 vạn quân địch đã bị tan rã, tiêu diệt. Cùng với thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, thắng lợi của các chiến dịch Huế - Đà Nẵng từ ngày 19 - 29/3/1975 cũng đã góp phần thêm cho sự quyết tâm phải giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt. Do đó, đến ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị đã họp nhận định: cuộc Tổng tiến công chiến lược đã giành được thắng lợi cực kỳ to lớn, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân đoàn, giải phóng 16 tỉnh, đưa số nhân dân vùng giải phóng lên 8 triệu; thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Qua đó, Bộ Chính trị cũng đã quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn, lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh. 


Đại tá Nguyễn Văn Tàu (còn gọi là Tư Cang) - nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công, nói: “Năm 1973, tôi được cử ra miền Bắc học, lúc đó Tham mưu trưởng miền đã dặn dò: “Các đồng chí ra học rồi năm 1976 về giải phóng thành phố”. Tuy nhiên, năm 1975, trận đánh Buôn Ma Thuột đã làm cục diện thay đổi, ta quyết định giải phóng miền Nam sớm nên tôi được cấp trên đưa về làm Chính ủy của Lữ đoàn 316. Với nhiệm vụ cụ thể là đánh chiếm, giữ an toàn cho các cây cầu, dẫn đường cho các đại quân và đánh trước bên trong làm cho địch rối loạn, tạo cơ sở quần chúng trên đường tiến vào Sài Gòn”.

 

Phá tan “cánh cửa thép”


Để ngăn chặn, đẩy lùi và làm chậm tốc độ tiến quân của binh đoàn chủ lực quân giải phóng, tạo thêm thời gian cho việc điều nghiên, bố trí lực lượng và thế trận phản công giành lại thế chủ động trên chiến trường, dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ, quân lực Việt Nam cộng hòa huy động hầu hết lực lượng còn lại kết hợp với các đơn vị thu dung quân thất trận từ Tây Nguyên và miền Trung chạy vào đã thiết lập nên tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn - Gia Định kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh; trong đó, Xuân Lộc được xác định là điểm trọng yếu - "cánh cửa thép" phía Đông Sài Gòn.


Trung tướng Nguyễn Văn Thái - nguyên phó Chính ủy của Sư đoàn 7 thuộc quân đoàn 4, cho biết: “Xuân Lộc là vị trí hiểm yếu chỉ cách Sài Gòn 80 km được xem như là cánh cửa cuối cùng để địch cố thủ. Ngày 28/3/1975, đích thân tướng Mỹ Weyand cùng tướng ngụy Cao Văn Viên đi thị sát và chọn Xuân Lộc làm phòng tuyến cố thủ với nhận định "mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Về phía quân ta, nếu không chọc thủng được phòng tuyến Xuân Lộc thì các cánh quân của mặt trận hướng Đông không thể tiến về Sài Gòn, hợp đồng tác chiến cùng bốn cánh quân kia tạo thành thế tiến công vũ bão đánh vào đầu não địch, đập tan sào huyệt cuối cùng của chế độ tay sai Sài Gòn”.


Theo đó, địch bố trí ở đây gồm sư đoàn 18 bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp (100 xe), 1 liên đoàn biệt động quân, 9 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn pháo binh (42 khẩu), 3 đại đội biệt lập, 4 trung đội pháo và các lực lượng cảnh sát, dân vệ, nghĩa quân tại chỗ (tương đương 2 sư đoàn bộ binh)... theo chỉ đạo trực tiếp của tướng Weyand. Trong khi đó, Bộ Chính trị Đảng ta đã giao nhiệm vụ giải phóng Xuân Lộc cho Quân đoàn 4, gồm hai tiểu đoàn xe tăng, trung đoàn pháo binh và 2 tiểu đoàn bộ binh địa phương. Cuối chiến dịch, mặt trận này được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và đại đội xe tăng.


Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể: 5 giờ 40 phút ngày 9/4, Quân đoàn 4 đã nổ súng tiến công Xuân Lộc. Ngay từ ngày đầu, chiến dịch đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Trước thế mạnh của quân ta, địch đã điên cuồng chống trả, tăng cường lực lượng quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá. Sau một ngày bị đánh phủ đầu, địch liên tục tổ chức phản kích hòng chiếm lại các mục tiêu đã bị mất. Ngày 12/4/1975, địch đổ bộ một lữ đoàn dù xuống Long Khánh, tiếp đó lại tăng thêm cho Long Khánh hai lữ đoàn thủy quân lục chiến, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn bộ binh của sư đoàn 5 cùng nhiều tiểu đoàn pháo binh, tăng thiết giáp. Trước tình hình trên, Thượng tướng Trần Văn Trà - Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch đã cùng Bộ Tư lệnh quân đoàn nghiên cứu diễn biến trận đánh và quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi lại cách đánh.


Mặc dù địch tăng cường lực lượng cố thủ, tuy nhiên sau 12 ngày đêm chiến đấu gay go, quyết liệt với tinh thần dũng cảm và ngoan cường, đến ngày 21/4 quân ta đã phá tan "cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm suy sụp tinh thần kháng cự của binh lính quân đội Việt Nam cộng hòa; tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.



Bài và ảnh: Hoàng Tuyết - Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN