Hành lang của Le Freeport. Ảnh: Le Freeport
Le Freeport không đơn thuần là kho lưu trữ, mà là bảo tàng hiện đại dành cho nghệ thuật, tài sản và bộ sưu tập đỉnh cao. Những trung tâm Le Freeport đã trở thành điểm hẹn kín đáo, nhưng đầy danh giá của các nhà sưu tập tinh hoa, những ông hoàng kim loại quý và giới siêu giàu toàn cầu.
Le Freeport lần đầu tiên được đưa vào vận hành tại sân bay Geneva (Thụy Sĩ), nhưng chính trung tâm tại sân bay Changi (Singapore) mới đưa tên tuổi lên bản đồ thế giới. Với vị trí chiến lược liền kề các trung tâm tài chính, Le Freeport tạo điều kiện lý tưởng cho việc lưu trữ và giao dịch những tài sản giá trị cao, đảm bảo yếu tố kín đáo tuyệt đối.
Le Freeport Singapore là một công trình bọc thép, được thiết kế như một boong-ke vũ trụ, nơi các tầng bảo mật chồng lớp lên nhau: Từ hệ thống nhận diện sinh trắc học, camera hồng ngoại, cửa chống đạn cho tới các lớp tường cách nhiệt, chống cháy cấp độ quân sự. Bên trong, tài sản được lưu giữ trong các khoang riêng biệt, đảm bảo tiêu chuẩn về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng như trong các bảo tàng quốc tế hàng đầu.
Không chỉ dừng lại ở an ninh, Le Freeport còn tích hợp trực tiếp với hệ thống hàng không quốc tế. Tại Singapore, các tài sản có thể được chuyển từ máy bay chuyên cơ đến kho lưu trữ trong vòng vài phút mà không cần qua quy trình hải quan thông thường. Điều này biến Le Freeport trở thành đích đến tối ưu cho giới siêu giàu, những người không chỉ cần bảo vệ tài sản mà còn cần di chuyển chúng dễ dàng trong một thế giới phức tạp.
Vượt lên khái niệm của một trung tâm logistics, Le Freeport trở thành một biểu tượng của sự phân tầng tài chính. Nơi đây chỉ phục vụ cho những tài sản ở đỉnh cao giá trị từ tranh Picasso, Botticelli, đồng hồ Patek Philippe giới hạn, rượu vang Petrus hiếm, cho đến các khối vàng nguyên chất, kim cương thô hoặc các cổ vật nghìn năm.
Chủ sở hữu tài sản không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế VAT hay thuế lãi vốn khi tài sản còn đang lưu trữ trong Le Freeport. Điều này mở ra một cơ chế lưu chuyển tài sản hiệu quả, linh hoạt, tạo điều kiện lý tưởng cho các thương vụ chuyển nhượng kín tiếng hoặc giao dịch qua các nhà đấu giá toàn cầu, không cần di chuyển hiện vật khỏi kho.
Nội thất bên trong Le Freeport cũng được thiết kế ở đẳng cấp hiếm có. Những không gian trưng bày riêng biệt được thiết kế bởi các kiến trúc sư danh tiếng như Ron Arad hay Johanna Grawunder. Một số phòng còn được trang bị như gallery để chủ nhân có thể tổ chức buổi xem kín, gặp gỡ chuyên gia thẩm định hoặc thương lượng với đại diện nhà đấu giá ngay tại chỗ.
Trong Le Freeport, mỗi vật phẩm lưu trữ đều là một câu chuyện về thị hiếu, về quyền lực, về sự kế thừa. Một chiếc đồng hồ Rolex Daytona Paul Newman phiên bản nguyên bản, một chai Romanée-Conti 1945, hay một bức vẽ sơn dầu chưa từng công bố của Francis Bacon... đều là những di sản sống động, mà nếu được bảo quản tốt, không chỉ bảo toàn giá trị mà còn tăng giá theo thời gian.
Le Freeport vì thế không chỉ là nơi lưu trữ, mà là một phần mở rộng của chiến lược tài sản gia đình. Tài sản có thể nằm yên một cách kín đáo cho tới khi thế hệ kế thừa sẵn sàng tiếp nhận. Trong nhiều trường hợp, chính nơi đây trở thành điểm bắt đầu của những câu chuyện mới: cuộc trao đổi di sản giữa các thế hệ, cuộc đàm phán với bảo tàng danh tiếng, hoặc một cú đấu giá ngoạn mục làm chấn động giới sưu tập toàn cầu.
Với giới tinh hoa toàn cầu, đây là nơi mọi giá trị đều được bảo tồn để sống tiếp, để truyền lại và để âm thầm định hình lịch sử.