Đó là Triệu Thị Mùi Mấy (ảnh), dân tộc Dao, Chi hội Phó Chi hội Phụ nữ thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái và là nhóm trưởng của nhóm hộ có mô hình sản xuất nấm sò và nấm nhĩ.Triệu Thị Mùi Mấy kể: “Lúc đầu chưa có nhiều vốn, em xin được góp vào tổ hợp sản xuất nấm thực phẩm của bà Vũ Thị Chay. Hơn một năm sau em đã học được kinh nghiệm trồng nấm nên tách ra tự làm”.
Năm 2012, Mấy đã nhận được 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp trẻ của Tỉnh đoàn Yên Bái, một nồi hấp bịch nấm từ Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Yên Bái và 5 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội Phụ nữ. Có được sự hỗ trợ này, Mấy đã đầu tư lập nên một nhóm hộ sản xuất nấm sò và nấm nhĩ. Hoạt động chung của nhóm trong cả quá trình sản xuất nấm gồm các khâu: Tập kết nguyên vật liệu (mùn cưa, túi nilon); ủ mùn cưa; đóng bịch; hấp bịch nấm. Sau đó, mỗi hộ nhận về số bịch theo khả năng, công suất lán của từng hộ để ươm giống.
Với diện tích lán trại khoảng 100 m2, hộ của Mấy treo được khoảng 6.000 bịch mỗi lượt. Nếu chăm sóc đúng cách, mỗi bịch nấm sẽ cho thu hái một tuần một lần, mỗi đợt 20 - 25 ngày và quá trình thu hái sẽ kéo dài đến 2 - 3 tháng. Mỗi lượt thu hái, một bịch nấm sò cho khoảng 400 g nấm tươi, còn nấm nhĩ cho từ 350 g - 500 g nấm nhĩ tươi. Với giá bán giao buôn ra thị trường là 25.000 đồng/kg nấm sò, 130.000 đồng/kg nấm nhĩ khô thì tính sơ mỗi đợt Mấy cũng thu về ngót nghét 5 triệu đồng. Chẳng vậy mà năm đầu tiên sản xuất theo nhóm hộ của mình, không những Mấy trang trải được hết nợ nần mà còn có tiền xây được 2 gian nhà mới.
Mấy cho biết trong vụ tới sẽ mở rộng lán nấm để phát triển thêm số bịch nấm. Mấy còn có ý tưởng làm thêm cả nấm linh chi, một loại nấm dược liệu rất có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện đang được thị trường ưa chuộng.
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Tâm