Trào lưu có tính giải trí trong bối cảnh nhiều thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, khi dùng ứng dụng này, người dùng cần đọc kỹ điều khoản để tránh mất tiền oan. Chị Hoàng Ngân cho biết: “Thấy nhiều người đăng lên face cá nhân ảnh với khuôn hình đẹp, video sống động nên ở nhà thực hiện giãn cách xã hội dài ngày tôi thử dùng để trải nghiệm và đăng face vui đùa với bạn bè. Tuy nhiên do có cảnh bảo sẽ mất phí lên đến tiền triệu nên sau khi dùng thử nghiệm dạng ảnh và video, tôi đã xóa ứng dụng”.
Còn anh Mạnh Chung cho biết: "Ứng dụng dễ sử dụng, chỉ load xuống rồi ghép ảnh mình vào kho clip ảnh và video có sẵn là thành ảnh cổ trang như phim của Trung Quốc. Khả năng xử lý và ghép gương mặt của người dùng vào video của FacePlay rất ấn tượng, vui nhộn và khá khớp nên nhiều người muốn thử”.
Nhưng các chuyên gia công nghệ thông tin và bảo mật đều lưu ý khi dùng ứng dụng này xem kỹ các điều khoản sử dụng vì họ không cho không cái gì. Tất cả ứng dụng đều có mặt trái liên quan đến thu thập dữ liệu cá nhân.
Anh Minh Khôi, chuyên gia công nghệ thông tin cho biết: Theo tìm hiểu thì ứng dụng FacePlay là sản phẩm có nguồn gốc của doanh nghiệp Trung Quốc. Ứng dụng chỉ cho phép người dùng sử dụng thử ứng dụng trong 3 ngày. Nếu dùng phiên bản miễn phí của ứng dụng sẽ thường xuyên xuất hiện quảng cáo, dán nhãn bản quyền lên những video sau khi xử lý. Nếu chỉ cài để dùng thử "theo trend", người dùng cần lưu ý, sau khi hết 3 ngày sử dụng thử, nếu người dùng không gỡ bỏ ứng dụng ra khỏi thiết bị thì sẽ bị tự động đăng ký mua phiên bản chuyên nghiệp và bị trừ tiền.
Ngoài vấn đề về phí, ứng dụng này cũng như nhiều ứng dụng xử lý hình ảnh khác liên quan dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào xử lý gương mặt của người dùng, nên FacePlay sẽ thu thập hình ảnh về gương mặt, từ đó giúp ứng dụng có thể nhận diện và xử lý gương mặt trên video được hiệu quả và chính xác hơn. “Khi chạy trên iOS sẽ yêu cầu khá nhiều quyền hạn như quyền xác định vị trí của người dùng, thông tin liên lạc (email, số điện thoại…), lịch sử giao dịch… Việc FacePlay thu thập những thông tin nhạy cảm này có thể khiến người dùng đối mặt với nguy cơ mất thông tin cá nhân khi dùng ứng dụng”, anh Minh Khôi chia sẻ.
Còn anh Tiến Đạt, chuyên gia công nghệ thông tin tại một đơn vị công nghệ tại Hà Nội cho biết: Về bản chất, việc xử lý video ghép mặt này là một dạng công nghệ Deefake. Công nghệ này có từ năm 2017 khi dùng công nghệ AI hoán cải khuôn mặt. Ban đầu chỉ là giải trí nhưng sau đó đã được cảnh báo nguy hiểm khi công nghệ này chế clip giả mạo người nổi tiếng, thậm chí có thể đưa vào web không lành mạnh.
Trước đây, để ghép ảnh hoặc video tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, công nghệ Deefake ngày càng được một số đơn vị nâng cấp với việc dễ sử dụng và tạo khuôn mặt tự nhiên. “Tuy nhiên, người dùng lưu ý bảo vệ dữ liệu hình ảnh cá nhân bị lợi dụng, chẳng hạn như việc dùng hình ảnh khuôn mặt để mở khóa nhà, mở khóa điện thoại thông minh hoặc một ngày nào đó bị gắn vào clip không lành mạnh nào đó”, anh Tiến Đạt lưu ý.