Tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn

Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 đã xác định nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch 1034 về hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; Cung cấp thông tin hữu ích; sản phẩm đầu vào cho hộ SXNN, hộ kinh doanh, hợp tác xã.

Chú thích ảnh
Nhân viên Bưu điện Việt nam hướng dẫn đóng gói tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.

Để làm được điều này, Bộ TT&TT xác định có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan Trung ương, địa phương, sàn TMĐT, tổ chức, doanh nghiệp (DN); Làm tốt công tác truyền thông, thông tin trên mọi phương tiện thông tin: báo, đài truyền hình, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, mạng xã hội, tin nhắn (trong trường hợp cần thiết)...

Chương trình có 3 nội dung chính: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT; Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo đó, để hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, chương trình sẽ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; Hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT; Hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn TMĐT; Hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận.

Đối với việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chương trình sẽ quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua kênh phân phối mới, hiện đại, thông qua nền tảng số; Thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ và tránh bị thương lái ép giá; Hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu, bảo đảm chất lượng; Đưa sản phẩm nhanh đến ra toàn cầu.

ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) cho biết: Phát triển kinh tế số nông nghiệp là khai phá thị trường, đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT bằng công nghệ số; Ứng dụng công nghệ số làm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, hình thành kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp tiến tới CĐS toàn diện trong lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn.

Kinh nghiệm trong việc tiêu thụ vải cho Bắc Giang hồi tháng 5/2021 cho thấy, lúc đó là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Giang nhưng nhờ qua sàn TMĐT nên đã có hơn 8.000 tấn đã được tiêu thụ ở 63 tỉnh, thành phố qua 2 sàn Postmart và Voso. Đây là lần đầu tiên người dân ở một số tỉnh được ăn vải tươi Bắc Giang bởi cam kết của các sàn "trong 48 tiếng đến tay người tiêu dùng từ khi đặt hàng". Lần đầu tiên, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản theo mô hình TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT 'Make in Vietnam', hơn 1.000 hộ gia đình người Việt xa quê tại Bỉ, Đức, Séc được thưởng thức trái vải tươi ngon trong 96 giờ kể từ lúc thu hoạch với tổng doanh thu 4 tỷ đồng. Kết quả này là sự vào cuộc của các Bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ TT&TT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy trình chuẩn, Bộ TT&TT chỉ đạo 2 sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn vào cuộc và triển khai chương trình truyền thông rộng rãi trên khắp cả nước và truyền thông ra nước ngoài.

Đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT

Thực hiện định hướng của Bộ TT&TT và chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn về phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết Sở TT&TT phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các huyện, xã, thôn, bản thực hiện phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử cho các hộ gia đình với mục tiêu: Mua và bán sản phẩm, đặc biệt là xây dựng thương hiệu theo từng hộ gia đình, cá thể hóa nhu cầu người mua.

Chú thích ảnh
Giới thiệu nông dân về cách thức chào bán nông sản trên sàn thương mại điện tử Posmart.

Sở TT&TT Lạng Sơn cũng đề nghị các sàn Voso, Postrmart thường xuyên sửa đổi, nâng cấp công nghệ để phù hợp với thực tế tại địa phương. Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết từ ngày 17/6-30/6, Sở đã thử nghiệm triển khai cửa hàng số tại 1 xã, 1 thị trấn. Trước ngày 17/6, có hơn 200 cửa hàng số, 15 ngày hơn 1000 tăng 5 lần. Từ ngày 1/7-15/7, Sở đánh giá, lập kế hoạch. Đến ngày 20/7, Sở tổ chức lễ ra quân triển khai đồng loạt 5/10 huyện, với chỉ tiêu đạt 45.000 cửa hàng số/90.000 hộ gia đình, 45.000 tài khoản/ví điện tử thực hiện đúng chủ trương của Bộ TT&TT.

Sở thực hiện "chiến lược vết dầu loang". Theo đó, đến ngày 10/8, Lạng Sơn đã có 4.445 gian hàng, số ví điện tử/tài khoản thanh toán điện tử là 2.971, số đơn hàng 2.759 đơn, 3.500 loại sản phẩm, tổng doanh thu gần 519 triệu đồng.

Ông Nguyễn Khắc Lịch cũng đề nghị các Bộ ngành, địa phương giải quyết về khâu vận chuyển đến tận tay người mua, nhất là các thị trường lớn. Hiện nay, có cửa hàng số có từ 82-100 đơn hàng/ngày, với sản lượng 500 kg/ngày, 4 ngày được 2,2 tấn. Từ ngày 3/8, do khó khăn vận chuyển, nhiều đơn hàng xuống đến Hà Nội, không phát được đến người mua.

Còn ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số nông nghiệp và chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo một số nhóm ngành hàng. Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo chuyển đổi ngành nông nghiệp từ một ngành sản xuất sang ngành kinh tế nông nghiệp, đặc biệt khuyến khích thúc đẩy kinh tế số đến từng người nông dân, đặc biệt lấy người nông dân làm chủ thể xuyên suốt của tái cơ cấu nông nghiệp.

Về hỗ trợ tài chính vi mô, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết người nông dân khó mang tài sản thế chấp ở các tổ chức tín dụng vì tài sản của người nông dân không có nhiều. Nếu được hỗ trợ tài chính vi mô thì người nông dân hoàn toàn tự tin làm việc với các thương lái. Hơn 8.000 điểm Bưu điện Văn hoá xã có thể được nghiên cứu để giải quyết tài chính vi mô cho bà con ở mức linh động như 20 - 30 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn cách giới thiệu sản phẩm nông sản khi đưa lên sàn thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, thực hiện Kế hoạch 1034, Bộ TT&TT tập trung vào việc đưa hộ nông dân sản xuất lên sàn TMĐT qua 2 sàn của Bưu điện Việt Nam (Postmart.vn) và Viettel Post (voso.vn). Bộ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, đặc biệt là Bưu điện Việt Nam và Viettel Post để đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, tập trung phát huy tối đa tiêu thụ trong nước; tập trung thông tin tuyên truyền giới thiệu nông sản Việt Nam trên các kênh truyền thông.

Các Sở TT&TT các tỉnh tham mưu cho tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công thương, hai doanh nghiệp bưu chính để xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cho tỉnh ngay trong tháng 8.

Các đơn vị công nghệ của Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ cùng hai doanh nghiệp bưu chính để cung cấp nền tảng số hướng dẫn hỗ trợ hộ nông nghiệp sản xuất lên sàn. Khi một hộ lên sàn phải có chuẩn hoá đầy đủ thông tin về tài khoản, hồ sơ hộ nông dân, ID… Nền tảng cũng được chuẩn hoá để là nền tảng phát triển kinh tế số chung. “Đến hết năm 2021, Bộ và các địa phương dự tính đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT và từng bước triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo”. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết.

Chú thích ảnh
XM/Báo Tin tức
Hà Nội trả kết quả cho gần 3.600 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp qua hình thức gián tiếp
Hà Nội trả kết quả cho gần 3.600 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp qua hình thức gián tiếp

Để tạo điều kiện cho người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong thời gian giãn cách xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua hình thức gián tiếp. Trung tâm đã trả kết quả cho gần 3.600 hồ sơ hưởng BHTN theo đúng quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN