Ứng dụng công nghệ giúp tiết kiệm thời gian, tăng tốc truy vết

Để thấy rõ những tiện ích khi ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã giới thiệu kinh nghiệm triển khai các nền tảng của một số mô hình các tỉnh, thành phố để từ đó nhân rộng.

Tiết kiệm 50% thời gian

Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Nếu lấy mẫu xét nghiệm thủ công thì thời gian lấy mẫu xét nghiệm lâu, công tác nhập liệu thủ công (nhiều gian đoạn), dẫn đến việc xét nghiệm và trả kết quả mất thời gian chờ đợi. Cụ thể, một cán bộ xét nghiệm viết tay về thông tin người dân lấy mẫu, thời gian trung bình khoảng 1 phút/1 người, trong khi thời gian lấy mẫu cho 1 người chỉ 10 giây. Sau khi hoàn thành đợt lấy mẫu, danh sách viết tay này phải nhập lại 1 lần nữa vào excel, rồi mới gửi được thông tin cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC).

Chú thích ảnh
Khai báo y tế tại một bệnh viện tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Minh.

Đó là chưa kể việc tổng hợp số liệu báo cáo khi lấy mẫu tại các địa bàn lệch nhau, dẫn đến việc báo cáo có thể chưa trùng khớp số liệu. Đại diện Sở TT&TT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Theo dõi tình trạng lấy mẫu tại các địa bàn thủ công (gọi điện, nhắn tin) tổng hợp số liệu báo cáo lên CDC khi hoàn thành mất thời gian để tổng hợp.

Từ khi áp dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm tiết kiệm 50% thời gian lấy mẫu xét nghiệm dẫn đến tăng tốc xét nghiệm, trả kết quả, truy vết, khoanh vùng. Việc nhập liệu chỉ 1 lần qua mã QRCode hoặc nhập trực tiếp, sử dụng thuận tiện trên cả App mobile và giao diện Web. Đồng thời, việc xét nghiệm thay vì 2 người nay chỉ cần 1 và có thể sử dụng tình nguyện viên thay vì cán bộ xét nghiệm để quét thông tin người dùng, nhập thông tin. 

Bên cạnh đó, theo phân cấp, toàn bộ dữ liệu, tổng hợp theo dõi theo thời gian thực trên nền tảng và sử dụng cho nhiều hệ thống qua kết nối API hoặc kết xuất file. Do đó, Sở TT&TT Bà Rịa – Vũng Tàu đã thống nhất sử dụng nền tảng từ lãnh đạo tỉnh đến quận huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế, Đoàn thanh niên, doanh nghiệp viễn thông khi triển khai. Tuy nhiên, để sử dụng nền tảng sẽ sử dụng đào tạo theo chiến thuật dầu loang từ đầu mối Sở TT&TT đến các trung tâm y tế, đoàn thanh niên để sau đó các đơn vị này tự đào tạo cho nhau.

Trong quá trình thực hiện, do trình độ người dân sử dụng công nghệ thông tin khác nhau nên phân loại người dùng có bluezone, không có bluezone để hỗ trợ, phân luồng đảm bảo giãn cách nhanh chóng. Để thuận tiện, trước đó, các địa phương tuyên truyền qua truyền thanh cơ sở, tại nơi lấy mẫu, tờ rơi về việc cài bluezone và sử dụng khi lấy mẫu.

Kết quả ứng dụng nền tảng xét nghiệm cho thấy, với người dân giảm 50% thời gian chờ đợi so với trước kia; Khai báo thông tin nhanh chóng dễ dàng trên điện thoại. Người dân sẽ nhận kết quả trực tuyến qua các ứng dụng.

Còn với cơ quan y tế, khi áp dụng ứng dụng nền tảng, nhân viên y tế không phải làm thủ công nhập liệu, báo cáo, giảm thời gian lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả. Đồng thời, cơ quan quản lý theo dõi được số lượng mẫu lấy, chủ động công việc. Do đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai ứng dụng nền tảng xét nghiệm ở thành phố, sau đó triển khai tiếp đến quận huyện; trong đó có đưa phần trả kết quả qua ứng dụng Bluezone và các kênh thông tin trực tuyến.

Truy vết nhanh các ca nghi nhiễm

Còn ông Đỗ Lập Hiển, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 cho biết, khi có một ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, cơ quan y tế sẽ khai thác lịch sử tiếp xúc thông qua điện thoại cài Bluezone của bệnh nhân. Hệ thống sẽ tìm ra danh sách các số điện thoại đã tiếp xúc gần với ca nhiễm này, đưa vào danh sách truy vết của cơ quan y tế.

Chú thích ảnh
Một bản đồ di chuẩn của các ca bệnh do Trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia lập.

Đối với các địa bàn chưa xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, việc truy vết nhanh, khoanh vùng dập dịch là một trong những ưu tiên hàng đầu. Do đó, mục đích của truy vết người tiếp xúc với ca bệnh là để tổ chức xét nghiệm, cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch lây lan ra cộng đồng. Sau khi xác định được thời điểm ca nhiễm xuất hiện tại một ”mốc dịch tễ”, ứng dụng tiếp tục khai thác dữ liệu những người xuất hiện cùng lúc với ca nhiễm.

Việc thực hiện truy vết tiếp xúc gần bằng cách khai thác lịch sử tiếp xúc trên điện thoại có cài Bluezone của ca nhiễm. Sau khi thực hiện truy vết bằng Bluezone, lập danh sách những người tiếp xúc với ca nhiễm để liên hệ, xác minh bằng các nghiệp vụ y tế.

Trong đợt dịch 4, tính đến ngày 2/8, Trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện truy vết 4.423 ca nhiễm, ca nghi nhiễm; đồng thời truy vết 50.959 ca có liên quan. Đáng chú ý, một số trường hợp ca nhiễm, ca nghi nhiễm có lịch sử di chuyển phức tạp nhưng không nhớ hết các địa điểm mà bản thân đã đến và cũng có những trường hợp khai báo không trung thực; thậm chí bỏ trốn.

Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia có thể hỗ trợ sử dụng liên hoàn các giải pháp công nghệ để lập bản đồ di chuyển của ca nhiễm. Thời gian qua, Trung tâm đã lập 597 bản đồ di chuyển, có 22 trường hợp là F0 bỏ trốn đã bị phát hiện nhờ kết quả truy vết.

Cụ thể như tại Cần Thơ, ngay những ngày đầu bùng phát dịch tại chợ Tân An, khi nhận thấy một số F0 có biểu hiện khai báo không đầy đủ, trong khi đặc điểm công việc của các hộ này là giao hàng, chạy xe tải, buôn bán, Sở TT&TT Cần Thơ đã phối hợp Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia lập các bản đồ di chuyển. Bản đồ được chuyển cho lực lượng công an khai thác trong quá trình điều tra F0. Kết quả đã tìm ra thêm và đưa đi cách ly tập trung nhiều trường hợp (một số F1 sau đó đã chuyển lên F0).

Đến thời điểm 2/8, trong số khoảng 1600 ca F0 tại Cần Thơ thì qua khai thác hệ thống công nghệ truy vết khoảng 700 ca nhiễm.

Tương tự tại Hà Nội, theo Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 Quốc gia, sau 1 giờ, nền tảng hỗ trợ truy vết của Trung tâm đã truy vết tự động được hàng nghìn trường hợp liên quan đến Công ty Thực phẩm Thanh Nga. Nếu áp dụng theo cách truyền thống, thủ công thì khó có thể tìm ra nhanh, chính xác. Có được kết quả trên là do Hà Nội đã đẩy mạnh việc quét mã QR khi đến các địa điểm.

Ông Nguyễn Tử Quảng, kiến trúc sư trưởng Hệ thống Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia, cho biết “Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID -19 Quốc gia khuyến nghị người dân khai báo y tế hàng ngày và xuất trình mã QR khi tới nơi công cộng. Các địa điểm cần thực hiện nghiêm việc quét mã QR của người đến. Với sự hỗ trợ của công nghệ, hy vọng sẽ sớm kiểm soát tốt dịch bệnh”.

Thời gian qua, nhiều giải pháp công nghệ đã được triển khai trong cả nước, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cũng đưa ra ba nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trên cả nước, gồm nền tảng khai báo y tế, xét nghiệm, quản lý tiêm chủng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Công nghệ phải sự triển khai thống nhất trên toàn quốc. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa thời bình và thời chiến. Vì dịch bệnh là toàn quốc, người dân ở TP Hồ Chí Minh có thể di chuyển Bình Dương hoặc ngược lại, nên chúng ta phải có dữ liệu toàn quốc. công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn.

Chú thích ảnh
XM/báo Tin tức
Sở Du lịch Hà Nội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ HDV gặp khó vì dịch COVID-19
Sở Du lịch Hà Nội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ HDV gặp khó vì dịch COVID-19

Sở Du lịch Hà Nội vừa có công văn gửi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và hướng dẫn viên (HDV) du lịch trên địa bàn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN