Xe vận tải dưới 3,5 tấn có phải gắn phù hiệu từ 1/7?

Theo Nghị định 86/CP/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì từ ngày 1/7/2018, xe tải dưới 3,5 tấn phải gắn phù hiệu để kiểm soát vận tải. Tuy nhiên, đã sát ngày có hiệu lực thực thi, nhiều chủ xe tải dưới 3,5 tấn với lúng túng với quy định này.

Băn khoăn

Nghị định 86/2014 nêu rõ, từ ngày 1/7, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, gắn thiết bị giám sát hành trình và phải được gắn phù hiệu “Xe tải”.

Anh Nguyễn Đức Tuấn, chủ xe tải 1,5 tấn ở Phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Tôi chưa nghe đến quy định này, nhưng nếu bắt buộc để phục vụ việc giám sát của các cơ quan chức năng, tôi sẽ tuân thủ. Song, việc thực hiện quy định triển khai thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân hoạt động. Vì xe của gia đình, chỉ vận tải ít hàng hóa trong nội đô, không kinh doanh vận tải đường dài, thì việc gắn phù hiệu, thiết bị giám sát hành trình có cần thiết?”.

Bãi đỗ xe tải nhỏ trên đường Trần Nhật Duật.

Anh Tuấn cho biết thêm, đọc quy định này, các chủ xe tải dưới 3,5 tấn muốn gắn phù hiệu xe thì phải gia nhập các hợp tác xã vận tải để hợp tác xã đứng ra đại diện xin cấp phù hiệu cho xe mình. Như vậy, chủ xe phải đóng phí hằng năm từ 500.000 - 1 triệu đồng/xe dưới 3,5 tấn, cộng với các loại phí lắp thiết bị giám sát hành trình, khám sức khỏe, tập huấn... trong khi thu nhập của những chiếc xe tải loại nhỏ này chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, mong các cơ quan chức năng giảm bớt phiền hà về việc cấp phù hiệu.

Nhiều chủ xe tải nhỏ trên tuyến phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải đều chung quan điểm là xe chỉ chở cát sỏi, hoa quả thuê trong phạm vi nội đô, không đăng ký kinh doanh vận tải, nếu bây giờ phải đi đăng ký kinh doanh, đăng ký phù hiệu sẽ liên quan đến nhiều loại thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn hiện nay chủ yếu là xe tư nhân, tự quản lý lâu nay, không tham gia doanh nghiệp, hợp tác xã nào thì có cần thiết phải lắp phù hiệu…

Về vấn đề này, theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội), biết quy định này, hiện nay Sở GTVT vẫn đang khẩn trương làm thủ tục cấp phù hiệu cho người dân. Các trường hợp chưa nắm được quy định này chủ yếu băn khoăn về việc lắp thiết bị giám sát hành trình như thế nào để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và phải hoàn thành đăng kiểm mới được cấp phù hiệu.

Xe tải dưới 3,5 tấn chủ yếu vận tải hàng hóa nội đô.

Box: Nghị định số 86/CP của Chính phủ quy định lộ trình gắn phù hiệu: Xe tải dưới 3,5 tấn trước ngày 1/7/2018. Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định: Các trường hợp điều khiển xe không có phù hiệu hoặc có nhưng đã hết hạn bị phạt 3 - 5 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 1 - 3 tháng.

Cũng theo ông Long, trong quá trình cấp phù hiệu, nhiều chủ phương tiện không kinh doanh vận tải chưa hiểu rõ quy định vẫn đến làm thủ tục. Theo Khoản 1, Điều 50, Thông tư 63 của Bộ GTVT quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp (vận chuyển hàng hóa nội bộ từ nhà đến kho) sử dụng phương tiện dưới 10 tấn và có số lượng dưới 5 xe thì không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu xe tải và gắn thiết bị giám sát hành trình. Việc gắn phù hiệu để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, phục vụ cho công tác tổ chức giao thông, phân luồng giao thông đối với các tuyến đường hạn chế phương tiện. Đồng thời, thiết bị giám sát hành trình sẽ giám sát phương tiện.

Phân biệt xe tải không phải dán phù hiệu

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo Nghị định 86/2014, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bao gồm 2 hình thức là kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.

Về đối tượng đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình, bà Hiền cho biết, khoản 1 Điều 50 Thông tư 63/2014 quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc các đối tượng như: Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Chính phủ; Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàn siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; Có từ 5 xe trở lên; Sử dụng phương tiện có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa.

Vì vậy, cá nhân, chủ xe kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn để vận chuyển hàng hóa và có số lượng dưới 5 xe không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu vận tải và gắn thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên, theo lộ trình quy định tại Nghị định 86/CP, từ ngày 1/7, xe kinh doanh vận tải từ 3,5 tấn trở xuống phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Sau ngày này, trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa và người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải dưới 3,5 tấn không thực hiện các quy định nêu trên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 46/2016 của Chính phủ, với mức xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
‘Cởi trói’ điều kiện kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp
‘Cởi trói’ điều kiện kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định 86/2014 (sửa đổi, bổ sung) về kinh doanh và điều kiện vận tải bằng xe ô tô mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ đã tháo gỡ nhiều khó khăn, tồn tại lâu nay cho doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN