Theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện IPSARD, đất đai tại Việt Nam khá manh mún, phân tán khi có đến 63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5 ha, 26% có từ 0,5 - 2 ha. Ngoài ra, một hộ nông dân có nhiều mảnh đất quy mô rất nhỏ, gây ra những bất cập trong sản xuất nông nghiệp, không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian qua, mặc dù nhà nước đã có chủ trương chính sách tích tụ ruộng đất theo quy mô lớn, đã có biến chuyển nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nếu giải quyết được bài toán này sẽ tạo thuận lợi cho việc nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Hoàng Vũ Quang cho biết, theo kinh nghiệp của các nước, để thúc đẩy thị trường nông nghiệp phải có môi trường, hành lang pháp lý; nhà nước có chính sách bổ trợ cho quá trình phát triển thị trường; hệ thống quản lý đai hiệu quả, minh bạch. Ngoài yếu tố chính sách, quy định pháp luật thì cần có tổ chức cung cấp hạ tầng cho giao dịch thị trường đất hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, thực tiễn trên địa bàn cả nước đến nay có nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai. Bước đầu cho thấy có 4 loại mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp gồm: tổ chức, hộ gia đình cá nhân nhận chuyển nhượng (mua) quyền sử dụng đất; thuê đất; góp đất; Nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tập trung đất nông nghiệp ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tốn cho rằng, nguyên nhân là nhận thức về tập trung ruộng đất còn chưa thống nhất; tổ chức thực hiện còn hạn chế; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp còn chưa theo kịp tình hình.
Bên cạnh đó, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn sơ khai, thiếu minh bạch, chưa hấp dẫn, thậm chí có xu hướng giảm; một số quy định của pháp luật còn chưa thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Các hình thức tích tụ và tập trung ruộng đất còn ẩn chứa các yếu tố chưa bền vững….
Kiến nghị về chính sách, ông Nguyễn Trung Kiên, IPSARD cho rằng, nhà nước cần hoàn thiện, cập nhật hệ thống đăng ký đất đai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tích hợp, thống nhất trên cả nước; xây dựng hệ thống thông tin thị trường đất nông nghiệp minh bạch, hiện đại hóa.
Nhà nước cần tăng cường vai trò của Trung tâm Phát triển quỹ đất. Theo đó, xây dựng khung pháp lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính; thực hiện các chức năng cung cấp thông tin, cân đối cung cầu, kích thích và hoàn thiện thị trường; xây dựng cơ chế, tổ chức hỗ trợ xử lý tranh chấp giao dịch đất nông nghiệp, hợp đồng nông sản
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Nhà nước nên khuyến khích thành lập thị trường đất đai để người cung cấp quỹ đất và người có nhu cầu đất đai gặp nhau. Ở đó, quyền và lợi ích các bên được đảm bảo, thông tin minh bạch.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trung Kiên, Nhà nước cũng nên xem xét bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng, bỏ thuế vượt hạn điền và thay bằng đánh thuế tài nguyên đối với đất nông nghiệp; bỏ thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thay vào đó là giao đất sản xuất ổn định lâu dài cho người dân. Hay việc nâng thời hạn thuê đất công ích của xã từ 5 năm lên 20 năm để khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn; xem xét giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giao dịch...