Jim Sinclair, một thương gia và là nhà kinh tế học người Mỹ nhận định Nga có thể khiến Mỹ sụp đổ, bởi vì sức mạnh của đồng USD được dựa trên thỏa thuận của Washington với Saudi Arabia rằng, tất cả các hợp đồng liên quan đến nhiên liệu được thanh toán bằng đồng USD của Mỹ. Bây giờ, Moskva có thể làm cho đồng USD dầu lửa sụp đổ nhanh chóng. Theo vị chuyên gia kinh tế trên, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng nhằm vào Nga chỉ như một phát bắn vào chân. Ông giải thích rằng chỉ đồng USD dầu lửa là thực sự có giá trị duy nhất trong thế giới ngày nay, nhưng Moskva có thể đánh sập nó bằng cách yêu cầu thanh toán các hợp đồng khí đốt và dầu bằng đồng euro hoặc nhân dân tệ (NDT).
Hơn nữa, Mỹ có thể sẽ mất ảnh hưởng của mình ở châu Âu mãi mãi nếu Nga thanh toán bằng bất cứ đồng tiền nào trừ USD thông qua việc bán nhiên liệu của mình. Với Đức, Thủ tướng Angela Merkel chắc chắn sẽ vui mừng vì điều này và các nước châu Âu khác cũng vậy. Tỷ giá đồng euro sau đó sẽ tăng, trong khi giá dầu và khí đốt sẽ đi xuống. Tuy nhiên, ở Mỹ, Washington cần phải sẵn sàng đối mặt với sự gia tăng đột ngột giá xăng dầu và lạm phát phi mã trong bối cảnh môi trường kinh doanh kém và chỉ số Dow Jones sụt giảm, ông Sinclair dự đoán.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Tổng thống Nga Putin. |
Một trong những biện pháp cứng rắn mà phương Tây có thể sử dụng là loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng, SWIFT. Nhưng theo Alexander Abramov, chuyên gia cao cấp về Thị trường chứng khoán tại trường Cao học Kinh tế ở Moskva, nếu biện pháp trừng phạt này được triển khai, nó sẽ tác động mạnh đến các chủ thể thực hiện.
"Về mặt kỹ thuật, sẽ là khá dễ dàng để loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT bằng cách ngăn chặn các địa chỉ IP tại các ngân hàng Nga. Nhưng SWIFT là một trong những hệ thống chính mà các ngân hàng sử dụng cho thanh toán quốc tế. Nếu các ngân hàng Nga không thể sử dụng hệ thống, SWIFT sẽ không thể thanh toán kịp thời cho các khách hàng ở phương Tây, đồng thời có thể gây ra một cú sốc đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Tôi cho rằng lĩnh vực tài chính thế giới mới chỉ đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nó sẽ không thể chịu đựng nổi một cú sốc tiếp theo", ông Abramov nói.
Alexander Razuvayev, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường của công ty Alpari, cho rằng hiện giờ Moskva có lẽ sẽ không sử dụng hết các biện pháp để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Razuvayev nói: "Nga chiếm một phần quan trọng trong thị trường năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu. Nga cũng sử dụng đồng USD trong các hợp đồng khí đốt của mình và chỉ có một phần là đồng euro. Thị trường năng lượng được hình thành trong một thời gian trước, vì vậy Nga chấp nhận các quy tắc của cuộc chơi. Nhưng kể từ khi Nga bán nguyên liệu thô riêng của mình, Moskva có thể thay đổi các quy tắc này. Ít nhất là trong các công ty nhà nước, chẳng hạn như Rosneft và Gazprom đã xem xét lựa chọn đó vào cuối năm 2008. Nhưng, tất nhiên, động thái này chỉ phù hợp trong một tình huống cực đoan".
Cho đến nay, Moskva đã không vội vàng sử dụng các biện pháp cực đoan. Nga đang phản ứng “ăn miếng trả miếng” khi phương Tây lập một danh sách đen một số quan chức Nga để trừng phạt và các lệnh trừng phạt của phương Tây đến nay chứng minh rằng nó thực sự không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc Nga hoàn toàn kiểm soát đồng USD dầu lửa và có thể khiến cho chỉ số Dow Jones giảm mạnh đặt ra một thực tế là người Nga có thể khiến nền kinh tế Mỹ đảo ngược, ông Sinclair cảnh báo.
CT (Theo India Defence)