Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh - động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ là động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, để triển khai dự án đúng tiến độ và hiệu quả, cần các cơ chế và quyết tâm rất lớn từ các địa phương.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright trình bày tham luận tại Hội thảo. 

Đây là nội dung đặt ra tại hội thảo “Thúc đẩy dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, do Báo Tuổi trẻ phối hợp Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều 2/12 tại TP Hồ Chí Minh.

Động lực tăng trưởng mới

Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh dài khoảng 76 km, đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/giờ; đường song hành hai bên, cấp đường ô tô đô thị 60 km/giờ. Trong giai đoạn 1, sẽ là 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên.

Đây là tuyến giao thông huyết mạch, không chỉ liên kết 4 tỉnh, thành phố gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mà còn giải quyết bài toán kết nối liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng. Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh các tỉnh thành phố khu vực Đông Nam Bộ cần đồng tâm, hợp lực kết nối, hoàn thành các kế hoạch, dự án quy mô lớn mang tính kết nối vùng như dự án đường Vành đai 3. 

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, các dự án giao thông trọng điểm đã quy hoạch trong vùng đều có tính khả thi kinh tế cao với suất sinh lợi kinh tế trong khoảng 16 - 28%. Dù có chi phí đầu tư cao nhưng các dự án đều có lợi ích kinh tế lớn, đó là lợi ích trực tiếp từ lưu lượng giao thông cao; tiết kiệm thời gian của hành khách và hàng hóa; tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện; giảm chi phí môi trường; giảm chi phí tại nạn giao thông

“Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh còn nhiều lợi ích gián tiếp từ phát triển đô thị, thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế và tạo việc làm. Vấn đề thách thức nằm ở thực thi. Cần phải đặt áp lực lên người lãnh đạo các địa phương để triển khai nhanh dự án”, ông Nguyễn Xuân Thành đề xuất. 

Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, việc hoàn thành dự án Vành đai 3 chắc chắn sẽ mang đến sự thay đổi đột phá về cục diện giao thông, góp phần tháo gỡ 3 điểm nghẽn đã tồn tại hàng chục năm qua trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là nghẽn về giao thông; nghẽn về không gian phát triển; nghẽn về động lực, nguồn lực phát triển. 

Do đó, dự án cần được đầu tư sớm và là nhiệm vụ trọng tâm của TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An trong thời gian tới. Hiện các địa phương của TP Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai các công việc phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm, điều tra xã hội học, tìm hiểu nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị đề ra quan điểm “Tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông” và mục tiêu đến năm 2030 “Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực”.

Nghị quyết cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện “Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP Hồ Chí Minh…. Đến năm 2026 hoàn thành đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh…”.       

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, ngày 26/9, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 trên địa bàn thành phố. Hiện UBND TP Hồ Chí Minh đang chỉ đạo triển khai 2 dự án thành phần 1 và thành phần 2 trên địa bàn Thành phố theo kế hoạch để kịp khởi công dự án vào tháng 6/2023.

“Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.

Khẩn trương triển khai

Chú thích ảnh
 Các đại biểu tọa đàm tại Hội thảo. 

Đề xuất một số vấn đề về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trước hết và quan trọng nhất là cơ chế giải phóng mặt bằng. Nghị quyết của Quốc hội cho phép người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu… các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, mức giá đền bù, hỗ trợ tái định cư vẫn là những vấn đề còn phải mất nhiều công sức mới có thể giải quyết được. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, dự án Vành đai 3 lên kế hoạch tháng 6/2023 giải phóng 70% mặt bằng là một kỷ lục về tiến độ thời gian. Người dân sẽ chấp nhận việc đề bù, giải tỏa dễ dàng hơn nếu họ được tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, việc này sẽ rất khó khăn nếu các địa phương không thể điều chỉnh quy hoạch hoặc không thể chuyển đổi mục đính sử dụng đất. Nên chăng, nếu không vì những lý do bất khả kháng, cần cho phép các địa phương được điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho việc tái định cư tại chỗ để giải phóng mặt bằng cho dự án.

Liên quan vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng, thành phố sẽ lắng nghe, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con ổn định cuộc sống sau khi di dời; chính sách bồi thường sẽ cân bằng giữa lợi ích của người dân và Nhà nước. Thủ tục hành chính sẽ được rút ngắn, giá bồi thường tiệm cận với giá thị trường, ưu tiên tái định cư tại chỗ, có đầy đủ hạ tầng. Dự án Vành đai 3 phấn đấu sẽ là dự án kiểu mẫu về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tổ chức triển khai thi công.

Ông Bằng cho biết thêm, với khối lượng công việc rất lớn, các cơ quan tham mưu, chủ đầu tư, tư vấn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hoàn thành mục tiêu gần nhất là phê duyệt dự án đầu tư vào đầu tháng 12/2022. TP Hồ Chí Minh cùng với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An triển khai đồng bộ thiết kế kỹ thuật cũng như đáp ứng tổng tiến độ chung.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng tại Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai Nguyễn Bôn cho biết, hiện giao ranh mốc đạt khoảng 80%, còn lại 20% là các nút giao nên phức tạp hơn. Dự kiến trong tháng 12/2022 sẽ phê duyệt dự án. Tỉnh cũng nỗ lực để 30/6/2023 bàn giao mặt bằng để khởi công theo tiến độ chung cùng các địa phương.

Chú thích ảnh
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng báo cáo tiến độ thực hiện dự án Vành đai 3. 

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trao đổi, thảo luận về quy hoạch kết nối các đô thị vệ tinh, hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, quy hoạch đồng bộ mạng lưới khu công nghiệp, khu dân cư gắn với Vành đai 3; khai thác nguồn tài nguyên liên quan; đề xuất các chính sách tài chính đất đai; kinh nghiệm triển khai các dự án trọng điểm…

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, lợi ích tổng thể chỉ được khai thác nếu đường vành đai được kết nối với các cao tốc xuyên tâm. Do đó, không chỉ tập trung vào Vành đai 3, bởi nếu Vành đai 3 được các địa phương hoàn thành đúng tiến độ nhưng cao tốc Bến Lức - Long Thành trễ hạn thì cũng không khép kín được Vành đai 3, không phát huy hết hiệu quả. Đồng thời, cần hài hòa lợi ích những lợi ích giao thông đặt trên lợi ích phát triển bất động sản, triển khai đường song hành và vùng đệm để tránh tình trạng nhà mặt đường.

Bài và ảnh: Tiến Lực (TTXVN)
Thị trường lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Nhiều cơ hội việc làm mới
Thị trường lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Nhiều cơ hội việc làm mới

Nỗ lực phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động, tạo cơ hội việc làm cho người lao động trong những tháng cuối năm 2022. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN