Từ Chính phủ kiến tạo... đến Thủ đô khởi nghiệp

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Vương Đình Huệ đã chủ trì hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Vương Đình Huệ đã chủ trì hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel”.

Hội thảo do UBND thành phố Hà Nội phối hợp cùng Đại sứ quán Isarel và Tập đoàn FPT tổ chức. Đây là hội thảo về khởi nghiệp lớn nhất của Hà Nội nhằm tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Từ Chính phủ kiến tạo

Trong 30 năm đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt nam luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ: "Cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp".

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ - CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết số 35/NQ - CP đã đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mục tiêu có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Ngoài ra, Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang được Chính phủ tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Như vậy, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trương của Đảng là rất rõ ràng, nhất quán. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ là sẽ luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp nói chung, cộng đồng start up (khởi nghiệp) nói riêng. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức thực hiện thể chế chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: Hội thảo lần này là cơ hội để Chính phủ cũng như thành phố Hà Nội học hỏi lý luận cũng như các kinh nghiệm thực tiễn từ Israel - quốc gia khởi nghiệp.

Cụ thể, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia Israel về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới ở cấp sáng tạo vĩ mô và vi mô; đề xuất các chương trình hành động để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, tiếp tục khẳng định sự cam kết hỗ trợ của Chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp; tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Israel.

Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam cho biết: Trong 40 năm qua, Israel có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế và xã hội. Sự kết hợp của ngành kinh doanh với sự hỗ trợ của quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm đã tạo ra môi trường kiến tạo và khởi nghiệp mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Israel.

Hiện Israel trở thành một trong những quốc gia khởi nghiệp đi đầu trên thế giới. Israel mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp với Chính phủ Việt Nam; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thành phố Hà Nội nói riêng và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam các khóa đào tạo, trao đổi hợp tác về nội dung chương trình này.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đã chính thức ra mắt website và tuyển các startup công nghệ trong khu vực Đông Nam Á tại địa chỉ www.viisa.vn .

Đến Thủ đô khởi nghiệp

Nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả tăng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã và đang tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô, với định hướng xây dựng thành phố trở thành Thủ đô khởi nghiệp.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội triển khai nhất quán, sâu rộng tới toàn bộ hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể và người dân.

Mới đây, tại Hội nghị tuyên dương Bí thư Chi đoàn giỏi Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng: Thanh niên phải là nòng cốt trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tri thức của Thủ đô bằng nỗ lực học tập, làm việc tốt, sáng tạo và hiệu quả hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô; đồng thời khuyến khích thanh niên tham gia khởi nghiệp, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô khởi nghiệp.


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, Hội Truyền thông số Việt Nam... hoàn thành xây dựng và báo cáo UBND thành phố Đề án "Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin" nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ươm tạo các dự án kinh doanh, ý tưởng sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có thể nói, những viên gạch đầu tiên cho nền móng xây dựng "Hà Nội - Thủ đô khởi nghiệp" đã được dựng lên và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Phần đông tại Việt Nam hiểu đơn giản start up là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Nhưng để tạo nên một quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp cần những chiến lược dài hạn, hỗ trợ cơ chế chính sách và tài chính...

Cụ thể, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, chính quyền và các quỹ tài chính nên hỗ trợ hơn nữa nhóm kinh tế tư nhân để tiến đến phát triển kinh tế quốc gia, trong đó khởi nghiệp là một chương trình được lên kế hoạch thực hiện trong chuỗi giá trị giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tùy vào thế mạnh riêng, mỗi quốc gia và địa phương chọn cho mình những lĩnh vực ưu tiên phù hợp, sau đó Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động hiệu quả và theo sát toàn bộ 5 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp (tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, phát triển, trưởng thành, phục hồi).

Ông Adrian Tan, Giám đốc Chương trình Huấn luyện của Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) cho biết: Việt Nam là thị trường khởi nghiệp năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi tin rằng, các startup tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ sớm tăng tốc độ khởi nghiệp, nhanh chóng trưởng thành từ ý tưởng đến hoạt động kinh doanh trên thực tiễn.

Điều này cũng sẽ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng với sự phát triển của phong trào khởi nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị từ công nghệ và cải thiện cuộc sống cho người dân trong khu vực và trên thế giới.

Tính đến hết tháng 8/2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn Hà Nội là 15.012 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 130.612 tỷ đồng (bình quân vốn điều lệ là 8,7 tỷ đồng/doanh nghiệp). Tính lũy kế hết tháng 8/2016, Hà Nội hiện có 200.550 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97%).

Nguyễn Thắng (TTXVN)
Việt Nam học tập kinh nghiệm khởi nghiệp từ Israel
Việt Nam học tập kinh nghiệm khởi nghiệp từ Israel

Với định hướng xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô khởi nghiệp, ngày 21/9, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Israel và Tập đoàn FPT tổ chức hội thảo "Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel". Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự sự kiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN