Đây là Hội thảo về khởi nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, ADB...; các trường Đại học, Viện nghiên cứu; các hiệp hội doanh nghiệp ; các quỹ Đầu tư và nhóm startup như Dragon Capital, FPT Ventures, IDG, Cyber Agent, Unitus Impact, 500 startups, IMJ, IPP...
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Hội thảo lần này là cơ hội rất tốt để Chính phủ cũng như TP. Hà Nội học hỏi lý luận cũng như các kinh nghiệm thực tiễn từ Israel - Quốc gia khởi nghiệp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.
Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang được Chính phủ tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Chính phủ cam kết mạnh mẽ sẽ luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp nói chung, cộng đồng khởi nghiệp nói riêng. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách và tổ chức thực hiện thể chế chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện đã có hành lang pháp lý cơ bản để doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển, có hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, bắt đầu có các quỹ, cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp và một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Nhưng chính sách đặc thù cho khởi nghiệp về nhà đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng, cơ chế đối ứng đầu tư từ nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân vẫn chưa có. Bên cạnh đó vẫn còn thiếu thông tin, chưa có sự gắn kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp và thiếu kiến thức, kinh nghiệm, đầu tư cho khởi nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn ở Israen, Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam cho biết, sự nỗ lực của người dân trong việc đổi mới sáng tạo, sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư đã đưa Israel thành một quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới.
"Chìa khóa thành công của chúng tôi là sự kinh doanh năng động, sự hỗ trợ mạnh mẽ của các quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm tạo ra sức sáng tạo mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh của đất nước. Việt Nam hiện đã thu hút được sự quan tâm nhất định với các quỹ đầu tư quốc tế trong vấn đề khởi nghiệp. Với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua, chúng tôi tin rằng sẽ sớm có các cơ chế mới hỗ trợ cho sự phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp", bà Meirav Eilon Shahar cho biết.