Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định điều kiện khi nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ phải có “giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng” hoặc “hợp đồng đại lý chính hãng” trong khi kinh doanh ô tô lại không thuộc danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thông tư này đã hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016 sau các chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Nhưng đến nay, Bộ này vẫn lưỡng lự việc bãi bỏ Thông tư hay nâng lên thành Nghị định. Trong khi đó, các DN nhỏ và vừa nhập khẩu ô tô thì đề nghị bãi bỏ Thông tư này.
Nhiều DN nhập khẩu ô tô trong nước cho rằng Thông tư 20 đã cản trở cơ hội mua xe của người tiêu dùng. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN |
Nhiều bất hợp lý
Tại một diễn đàn mới đây do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tổ chức, ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà cho biết, Thông tư 20 ra đời với mục tiêu hạn chế nhập siêu nhưng thực tế lại không đạt được. Sau khi Thông tư ra đời, nhập khẩu ô tô năm 2012, 2013 có giảm đôi chút nhưng năm 2015, số lượng xe nhập lại tăng mạnh, gấp 3 lần năm 2011.
“Thông tư 20 đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi người tiêu dùng. Nó tạo điều kiện cho các hãng Audi, Porsche độc quyền giá. Các ý kiến được đưa ra để bảo vệ thông tư này gồm bảo vệ môi trường hay an toàn cũng không hợp lý. Tôi nghĩ chức năng chính an toàn hay không là do người lái chứ không phải do chiếc xe. Về môi trường thì xe vẫn thường xuyên đi đăng kiểm. Đây là vấn đề của Bộ Giao thông Vận tải chứ không thuộc về hãng nhập khẩu”, ông Quyết nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Thuỷ Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm: “Việc thay thế các linh kiện là bình thường, không cứ cái gì cũng phải thay bằng hàng chính hãng. Chỉ có những chi tiết, động cơ bên trong mới quan trọng đến mức cần hàng chính hãng để đảm bảo an toàn”.
Theo ông Trung, việc duy trì các đại lý ủy quyền cũng là một hình thức độc quyền. “Tôi được biết, mua xe Toyota trong nước phải xếp hàng mới mua được. Thậm chí còn phải trả thêm tiền để mua xe. Sau khi ký kết các hiệp định FTA, các xe nhập vào Việt Nam rất đa dạng. Quan điểm của tôi là coi xe là một hàng hóa thông thường, chứ không phải là xa xỉ phẩm, tất nhiên là loại trừ các xe hạng sang như Rolls - Royce hay Audi”, ông Trung dẫn chứng và cho biết, không nên duy trì Thông tư 20 mà thay vào đó, các Bộ cần đưa ra các quy định riêng biệt. Chẳng hạn Bộ Tài chính nên quy định về thuế còn Bộ Giao thông quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cách quản lý của Thông tư 20 mới chỉ là quản lý về đơn vị nhập khẩu trong khi lại không quản lý chất lượng chiếc xe. Cần xem xét kỹ việc đưa kinh doanh ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện như ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải.
“Việc bổ sung điều kiện kinh doanh cần phải cân nhắc. Nếu chứng minh được điều này thực sự cần thiết thì mới áp dụng. Còn khi chưa chứng minh được rõ ràng thì không nên bởi ô tô được quản lý ở mức cao nhất là đăng kiểm. Đó là lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đưa kinh doanh ô tô thành một ngành kinh doanh có điều kiện”, ông Đức cho biết.
Vẫn nên giữ?
Mặc dù các DN và nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng yêu cầu loại bỏ Thông tư 20 nhưng đứng ở phương diện quản lý, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình. Theo ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), Thông tư 20 không chỉ nhằm giảm nhập siêu mà còn đảm bảo sự vận hành của thị trường ô tô.
“Nếu bỏ Thông tư 20 với ủy quyền chính hãng, cuộc chơi sẽ mở hơn với tất cả nhưng ưu thế về kỹ thuật các DN nhỏ sẽ không bằng các DN chính hãng. Chúng tôi muốn đảm bảo chất lượng hàng hóa, trước hết bằng các hàng rào kỹ thuật. Ai đáp ứng được sẽ được chấp nhận”, ông Phong nêu ý kiến.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA) cũng duy trì quan điểm Thông tư 20 ra đời đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, môi trường. Vì thời gian sử dụng ô tô dài, có thể trên 10 năm nên cần được sửa chữa, bảo hành chính hãng, do vậy cần có ủy quyền chính hãng.
“Trước khi giới thiệu sản phẩm ra thị trường, nhà cung cấp sẽ đánh giá về điều kiện môi trường, khí hậu, đường sá... Nhà nhập khẩu chính hãng cũng phải chuẩn bị cho việc sau bán hàng, phụ tùng thay thế. Nếu không có sự hỗ trợ chính hãng thì các nhà phân phối trong nước không thể đảm bảo được các điều kiện kỹ thuật”, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban Chính sách VAMA đánh giá.
Ông Tuấn cho biết thêm, thực tế có không ít trường hợp các nhà sản xuất xe quốc tế phải triệu hồi xe trên toàn cầu do lỗi kĩ thuật. Nếu các nhà phân phối không chính hãng thì không thể thực hiện việc triệu hồi này. VAMA cho rằng Thông tư 20 nên được nâng thành nghị định và coi ngành nghề nhập khẩu ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Về phía Bộ Công Thương, đơn vị ban hành Thông tư 20 từ 5 năm trước, cho biết đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để đánh giá tình hình thực hiện Thông tư, trong đó làm rõ các quy định tại Thông tư 20 là thủ tục hành chính hay điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện Bộ Công Thương đang tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này và đề xuất phương hướng điều hành thời gian tới.