Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của Thông tư 20/2011/TT - BCT ngày 12/5/2012 của Bộ Công Thương.
Trong khi đó, phía hải quan cho rằng: Việc nới lỏng là cần thiết nhằm tăng nguồn thu ngân sách từ mặt hàng ô tô nhập khẩu, tạo sự cạnh tranh trên thị trường, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại.
Như vậy, có thể thấy Vama đang lo lắng trước khả năng các quy định tại Thông tư 20 sẽ được nới lỏng. Bởi nếu xảy ra, lợi ích của khối doanh nghiệp này và các nhà nhập khẩu chính hãng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Theo Vama, các mục tiêu của Thông tư 20 có lợi ích lớn trong việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua hệ thống đại lý được ủy quyền chính hãng với mạng lưới rộng khắp nước và quy trình dịch vụ chuyên nghiệp. Trước thông tin cho rằng: Thông tư 20 có thể tạo ra “độc quyền” trong ngành công nghiệp ô tô, phía Vama lý giải: Ngoài 18 thành viên Vama đang sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô còn có nhiều nhà phân phối khác với các nhãn hiệu khác nhau như: Porsche, Audi, Renault, Citroen, BMV hoặc VW. Chỉ có 1 nhãn hiệu toàn cầu khác chưa có mặt ở Việt Nam là Peugeot.
Tính đến năm 2012, đã có 23 nhà sản xuất chính hãng đã có mặt ở Việt Nam với lượng xe bán ra khoảng 100.000 xe.
Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất nới lỏng điều kiện nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc. Cụ thể: Bỏ áp dụng thủ tục phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất hay hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Minh Phương