Đây là thông tin được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Hồ Chí Minh năm 2017 diễn ra vào ngày 11/10 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, trong 116 dự án xã hội hóa nêu trên có 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, 1 dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, 1 dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao.
Trong 11 dự án quốc gia có 9 dự án hạ tầng giao thông, 1 dự án giáo dục đào tạo, 1 dự án y tế. Riêng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 dự án gồm: 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp.
Các nhà đầu tư đang tìm hiểu, thảo luận thông tin các dự án tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV |
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết TP Hồ Chí Minh đang tập trung kêu gọi đầu tư vào 9 nhóm ngành dịch vụ nhằm thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển. Các nhóm ngành được kêu gọi đầu tư hiện nay là: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục và đào tạo và 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; điện tử – công nghệ thông tin; hóa chất – nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm.
“Hiện nay, lãnh đạo thành phố mong muốn và hy vọng các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực mà thành phố đang kêu gọi đầu tư, để cùng chính quyền và nhân dân thành phố xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình”, ông Tuyến cho biết thêm.
TP Hồ Chí Minh hiện nay đang đóng góp 21% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 ngân sách quốc gia, 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, 1/2 số khách du lịch quốc tế và 30% tổng số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.