Một góc khu công nghiệp Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế). |
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó ưu tiên các dự án vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như: du lịch - dịch vụ, công nghệ thông tin, y tế, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp nhẹ, phát triển đô thị và khu kinh tế.
Trước mắt, Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ các thị trường truyền thống như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hoa Kỳ và các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Riêng du lịch, tỉnh ưu tiên hướng tới thị trường khách du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng.
Tỉnh ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thương hiệu lớn trong các lĩnh vực kinh doanh; những nhà đầu tư là đối tác có uy tín của các ngân hàng, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước; những nhà đầu tư đã đầu tư thành công tại các tỉnh, thành phố khác, có nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thừa Thiên Huế; những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng xúc tiến với các tập đoàn, nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp có uy tín, năng lực và tiềm lực về tài chính; tiếp tục làm việc với các Tập đoàn FLC, Vingroup, Bitexco, Viglacera; hợp tác với các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài như Jica, Koica, Jetro để tiến hành quảng bá, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết: tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục đổi mới phương pháp xúc tiến kêu gọi đầu tư theo hướng đẩy mạnh việc xã hội hóa xúc tiến đầu tư bằng cách thông qua kết nối với các đối tác của nhà đầu tư như các ngân hàng, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và các công ty tư vấn đầu tư.
Đồng thời, thực hiện chuyên nghiệp hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư từ việc xác định thị trường, xây dựng tài liệu quảng bá, tiếp cận đến kêu gọi đầu tư. Tăng cường kết nối và đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư, cơ quan quản lý đầu tư, cơ quan tham tán thương mại để tìm kiếm các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư; gắn liền kêu gọi đầu tư với hỗ trợ nghiên cứu đầu tư và triển khai đầu tư.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế nâng cao chất lượng, hiệu quả hỗ trợ nghiên cứu và triển khai đầu tư, xem đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng trong xúc tiến đầu tư; vận hành một cách có hiệu quả mô hình tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư của tỉnh. Đây sẽ là đầu mối đồng hành cùng nhà đầu tư để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có một số nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án như dự án hạ tầng khu công nghiệp số 2 của Công ty CP Thiên Hà Kameda với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Dự án Bến số 2 - Cảng Chân Mây của Công ty CP Cảng Chân Mây với vốn đăng ký 850 tỷ đồng. Dự án đầu tư tổ hợp dây chuyền kéo Sợi của Công ty Cổ phần Sợi Phú Quang với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng. Dự án khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô của Công ty Cổ phần Châu Á Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư 580 tỷ đồng. Dự án tinh chế cát silic thành nguyên liệu cao cấp, siêu trắng, siêu mịn của Công ty Cổ phần Phượng Hoàng Xanh A&A với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng…