Thừa Thiên - Huế kêu gọi đầu tư vào 104 dự án kinh tế

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2017 - 2018 và định hướng đến năm 2020, nhằm khai thác tiềm năng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Theo đó, toàn tỉnh có 104 dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2018 và định hướng đến năm 2020, trong đó, 24 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp; 35 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ; 20 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng; còn lại là các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế; thương mại và giao thông vận tải.

Toàn cảnh khu vực Cồn Hến, một cồn nổi nằm giữa sông Hương.

Đáng chú ý là các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, công nghiệp và nông nghiệp như: Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Cồn Hến và Cồn Dã Viên (TP Huế); Khu du lịch sinh thái ven biển Điền Lộc, Phong Hải, Bàu Bàng (huyện Phong Điền); Khu du lịch sinh thái ven biển Quảng Công (huyện Quảng Điền); Khu đô thị, du lịch Cảnh Dương, Bãi Cả, Cụm dịch vụ Suối Mơ...

Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: Nhà máy sản xuất nước giải khát; nhà máy lắp ráp và chế tạo sản phẩm điện tử, viễn thông - kỹ thuật số; nhà máy sản xuất thiết bị y tế; nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; nhà máy sản xuất bông xơ sợi tổng hợp; nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may; nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, thiết bị năng lượng mới và năng lượng tái tạo; nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời...

Dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp có nhà máy chế biến thủy sản; trang trại chăn nuôi lợn thịt, bò thịt, bò sữa và gia cầm; liên kết chuyển giao công nghệ trồng, chế biến tiêu thụ cây ăn quả; trồng cây dược liệu...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp xúc tiến kêu gọi đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa xúc tiến đầu tư bằng cách thông qua kết nối với các đối tác của nhà đầu tư như các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và các công ty tư vấn đầu tư.

Đồng thời, tỉnh thực hiện chuyên nghiệp hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư từ việc xác định thị trường, xây dựng tài liệu quảng bá, tiếp cận đến kêu gọi đầu tư. Địa phương tăng cường kết nối và đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư, cơ quan quản lý đầu tư, cơ quan tham tán thương mại để tìm kiếm các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư; gắn liền kêu gọi đầu tư với hỗ trợ nghiên cứu đầu tư và triển khai đầu tư.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế nâng chất lượng, hiệu quả hỗ trợ nghiên cứu và triển khai đầu tư, xem đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng trong xúc tiến đầu tư; vận hành một cách có hiệu quả mô hình tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư của tỉnh. Đây sẽ là đầu mối đồng hành cùng nhà đầu tư để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Từ đầu năm 2017 đến nay, các khu công nghiệp trong tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hút thêm 3 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.239,7 tỷ đồng.

Như vậy, đến nay, các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hút 140 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 64.300 tỷ đồng; trong đó, có 35 dự án FDI với vốn đăng ký 1.740 triệu USD. Hiện tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn I và II đạt 98,5%. Khu công nghiệp Phong Điền khu B và khu B mở rộng đạt 74%. Khu công nghiệp Phú Đa đạt 42,5%.

Đáng chú ý, tỉnh đã nỗ lực hình thành Khu công nghiệp phụ trợ dệt may Phong Điền với quy mô 400 ha. Hiện UBND tỉnh xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại khu công nghiệp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cục bộ đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm.

Tại khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh ưu tiên thu hút dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu hoặc tương đương. Đề án xây dựng khu công nghiệp được hỗ trợ 100% kinh phí rà phá bom, mìn, vật liệu nổ từ nguồn ngân sách địa phương.

Các dự án đầu tư tại đây còn được miễn tiền thuê đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung. Diện tích đất còn lại được miễn tiền thuê 15 năm sau thời gian xây dựng cơ bản; được vay tối đa 70% tổng vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng cùng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…

Đối với khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án quy mô lớn.

Bên cạnh đó, tổ chức giao ban hiện trường dự án để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đồng thời đôn đốc tiến độ triển khai dự án. Tỉnh tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong khu kinh tế, đặc biệt là đê chắn sóng cảng Chân Mây. Đồng thời, tập trung rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, không có khả năng triển khai để tạo điều kiện cho nhà đầu tư khác nghiên cứu dự án.

Ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, các công trình giao thông, điện nước, đào tạo nghề…, khi thực hiện đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn về thuế.

Đặc biệt, các thủ tục đầu tư có liên quan được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi theo cơ chế quản lý "Một cửa, tại chỗ", đảm bảo rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án...

Tin, ảnh: Quốc Việt (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch- dịch vụ
Thừa Thiên - Huế kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch- dịch vụ

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2017. Theo đó, trong năm nay, Thừa Thiên - Huế phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 300 - 400 triệu USD, tương đương từ 6.000 tỷ - 8.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN