Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới có 2 nhà máy chế biến tiêu sạch với tổng công suất 10.000 tấn/năm; số còn lại gần 40.000 tấn chưa qua chế biến nên giá trị bán ra trên thị trường thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của người trồng tiêu.
Sản phẩm hồ tiêu của một hộ nông dân chuẩn bị đưa vào nhà máy để chế biến xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN |
Để từng bước hình hành chuỗi giá trị trên cây hồ tiêu - một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh, ngoài việc ứng dụng công nghệ cao trong khâu trồng và thâm canh đảm bảo tăng năng suất và sản lượng, UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý chủ trương đầu tư Dự án nhà máy chế biến tiêu chín, tiêu sọ của Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà có công suất thiết kế 500 tấn/năm tại Cụm Công nghiệp Diên Phú (thành phố Pleiku) và Dự án nhà máy chế biến tiêu sạch và thức ăn chăn nuôi với công suất lớn của Công ty cổ phần chăn nuôi Gia Lai đặt tại xã Đăk Jrăng (huyện Mang Yang).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có hai công ty chế biến tiêu sạch với tổng công suất 10.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận đặt tại thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) và Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ tại xã Bầu Cạn (huyện Chưprông).
Tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng thêm 2 nhà máy bảo quản và chế biến tiêu sạch với quy mô lớn, trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với các vùng nguyên liệu hồ tiêu trọng điểm trên địa bàn. Cụ thể, xây dựng một nhà máy tại huyện Đăk Đoa gắn với vùng nguyên liệu hiện có trên 3.200ha hồ tiêu; một nhà máy tại huyện Chư Pưh gắn với vùng nguyên liệu hiện có 2.900ha.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện tốt các cơ chế chính sách trong đầu tư, tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; trong đó chú trọng đến các loại cây trồng chủ lực như cây hồ tiêu, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng sản phẩm ngành hàng hồ tiêu, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.