Đắk Nông phát triển hồ tiêu bền vững

Nông dân các địa phương tỉnh Đắk Nông đang tập trung thu hoạch tiêu niên vụ 2016 – 2017. Năm nay, tiêu tiếp tục đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Vấn đề nâng cao chất lượng và phát triển bền vững cây tiêu lại được đặt ra trong bối cảnh loại cây này liên tục tăng trưởng “nóng".

Nông dân Đắk Nông thu hoạch tiêu.

Giá giảm, hiệu quả kinh tế vẫn cao
 
Hiện giá cả tiêu khô trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khoảng 130.000 đồng/kg, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân trồng tiêu và chính quyền một số địa phương, mức giá này vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Ông Đào Thành, ngụ thôn Đắk Lư, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song cho biết, rẫy tiêu của gia đình ông có diện tích khoảng 4ha với gần 7.000 gốc tiêu đang cho thu nhập ổn định. Năm nay, tổng sản lượng ước đạt khoảng 12 - 15 tấn tiêu khô. Sau khi trừ chi phí đầu vào khoảng 30%, lợi nhuận từ vườn tiêu của gia đình ông năm nay ước đạt trên 1 tỷ đồng.

“Giá tiêu giảm khá mạnh so với năm ngoái nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao. Tiêu là cây đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các loại cây trồng khác, riêng với cà phê thì có thể gấp 3 - 4 lần”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Khang, một nông dân trồng tiêu tại thôn 15, xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp cũng khẳng định, mặc dù, giá tiêu năm nay giảm nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao. Gia đình ông tiếp tục trồng xen canh cà phê với tiêu để ổn định kinh tế, chứ không chuyên canh tiêu vì sợ giá cả tới đây có thể thấp thêm nữa.

Nông dân Đắk Nông thu hoạch tiêu.

Ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song cho biết, năm nay do ảnh hưởng của hạn hán mùa khô 2015 – 2016 nên năng suất tiêu trên địa bàn xã thấp hơn so với năm trước. Tuy nhiên, tổng sản lượng vẫn tăng do nhiều vườn tiêu bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh. Năm vừa qua, người dân tiếp tục chuyển đổi mạnh các loại cây trồng khác sang trồng tiêu, nhất là những vườn cà phê đã già cỗi, năng suất thấp.

Hiện, tiêu là loại cây trồng chủ lực của xã Nâm N’Jang, nhiều hộ có sản lượng lên đến trên dưới 100 tấn tiêu khô mỗi năm. Trên địa bàn xã có khoảng 30% trong tổng số 2.700 hộ dân có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng tiêu.

Nhìn chung, việc thu hoạch hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khá thuận lợi. Nguồn nhân công tương đối dồi dào, giá nhân công khoảng 180.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Hiện, đang là mùa khô nên việc thu hoạch, phơi, vận chuyển đều thuận tiện, dễ dàng.

Khuyến khích canh tác sinh học
 

Ông Bùi Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nâm N’Jang cho biết, tình trạng dịch bệnh trên cây tiêu đã giảm mạnh trong mấy năm gần đây nhờ người dân mạnh dạn chuyển đổi sang canh tác theo hướng sinh học, bền vững. Theo đó, người dân chuyển đổi từ chuyên canh tiêu bằng trụ gỗ (trụ chết) sang các loại trụ sống hoặc xen canh hai loại trụ này. Nhờ đó, cây tiêu có khả năng chống chọi với hạn hán tốt hơn. Thêm nữa, người dân cũng đẩy mạnh sử dụng các loại phân chuồng và các loại phân bón hữu cơ, sinh học, hạn chế sử dụng phân hóa học nên cây tiêu phát triển ổn định hơn.

Nhờ cây tiêu, hàng nghìn hộ dân đã có thu nhập ổn định, vườn lên làm giàu.

Năng suất bình quân của các vườn tiêu khi chuyển đổi sang canh tác theo hướng sinh học, bền vững thường thấp hơn so với kiểu canh tác cũ nhưng người dân chuộng hơn nhờ hạn chế được dịch bệnh và giảm được chi phí đầu vào; môi trường canh tác cũng tốt hơn cho sức khỏe người lao động và sản phẩm tiêu khô cũng an toàn hơn cho người tiêu dùng, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết, hồ tiêu đang phát triển rất “nóng”. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Đắk Nông mà còn là của các tỉnh Tây Nguyên và cả nước nói chung. Riêng trong năm 2016, theo thống kê sơ bộ, Đắk Nông đã trồng thêm trên 4.000 ha tiêu. Con số thực tế có thể còn cao hơn. Hiện tổng diện tích tiêu tỉnh Đắk Nông khoảng 27.000ha, trong đó có hơn 15.000 ha đang trong giai đoạn kinh doanh.

Hiện, diện tích hồ tiêu trên địa bàn Đắk Nông đã vượt xa quy hoạch và có thể tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới đây. Nguy cơ cung vượt cầu dẫn tới giá cả giảm trong thời gian tới đây là rất cao. Thêm nữa, tại nhiều khu vực việc phát triển hồ tiêu quá nóng dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh. "Ngành nông nghiệp Đắk Nông khuyến cáo người dân hạn chế mở rộng diện tích và tập trung thâm canh, tiếp tục chuyển đổi canh tác sang quy trình an toàn sinh học để đảm bảo sản phẩm sạch, có thương hiệu và uy tín tốt hơn trên thị trường", ông Nguyễn Tuấn Khải cho biết.

Bài và ảnh: Hưng Thịnh (TTXVN)
Đắk Lắk lo bảo vệ hồ tiêu chín
Đắk Lắk lo bảo vệ hồ tiêu chín

Hiện nay, hồ tiêu ở Đắk Lắk đã bắt đầu chín lác đác, các nông hộ trồng tiêu trên địa bàn đã tăng cường bảo vệ nhằm để hồ tiêu già, chín đều mới thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu hạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN