Cần tạo điểm nhấn “Du lịch văn hóa và văn hóa trong du lịch” để xúc tiến đầu tư là quan điểm của hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch vào Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) diễn ra tại Làng vào ngày 19/4. Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức trong khuôn khổ Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý du lịch, doanh nghiệp và đồng bào dân tộc tham dự.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận tìm ra giải pháp giúp Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam phát huy thế mạnh sẵn có, để thu hút du khách và các nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch.
Để tạo được du lịch văn hóa tốt, theo quan điểm của Tổng giám đốc Saigon Tourist Trần Hùng Việt, Làng văn hóa cần có cơ chế chính sách phù hợp thu hút các nhà đầu tư có thực lực và có văn hóa. Trong đó, phải đề cao quy hoạch tổng thể và chi tiết các công trình là điểm nhấn văn hóa để các nhà đầu tư lựa chọn.
Một góc làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Nguồn: Internet |
Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Văn Bổng, đại diện Công ty TNHH một thành viên xúc tiến và đầu tư du lịch cho rằng: Để duy trì, phát triển được du lịch văn hóa cũng như văn hóa trong du lịch nên có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị làm tour, đơn vị cung ứng, cơ quan hữu quan và các địa phương. Như vậy, mới tạo được sức mạnh chung, sự cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và thỏa mãn nhu cầu của du khách.
Để Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam được đầu tư thành một công trình trọng điểm, chiến lược của ngành du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đề nghị, cần phục dựng các công trình văn hóa, trước tiên nên sử dụng những điều kiện sẵn có để khai thác và tái đầu tư trở lại. Ông cho rằng, cũng cần thu hút thêm đầu tư bên ngoài thông qua hình thức kêu gọi liên kết thành lập các công ty cổ phần.
Còn theo bà Nguyễn Nga, người đề xướng tổ chức 2 sự kiện văn hóa trên cầu Long Biên dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thì yếu tố quyết định đến sự sống còn của Làng văn hóa là tạo được không gian sống thật sự văn hóa cho đồng bào dân tộc và du khách...
Tiếp thu những đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao & Du lịch Hồ Anh Tuấn mong muốn các chuyên gia, công ty du lịch tiếp tục hỗ trợ mọi mặt cho việc phát triển Làng văn hóa. Thứ trưởng cho biết: Một quy hoạch tổng thể về các khu chức năng theo hướng đề cao xã hội hóa đầu tư đã được tính đến. Trong đó ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư phần cơ sở hạ tầng khung như điện, đường, còn các phần còn lại dành cho các nhà đầu tư.
Hiện tại bãi đỗ xe quy mô 5.000 xe cũng đang được xây dựng, những hoạt động cộng đồng, trải nghiệm cùng đồng bào cũng được quan tâm phát triển. Đặc biệt, để thể hiện sức sống văn hóa, Ban tổ chức luôn duy trì sự có mặt, sinh hoạt của đồng bào dân tộc tại Làng văn hóa, đồng thời huy động nhân lực là con em đồng bào đang sinh sống, học tập tại Hà Nội cùng tham gia các hoạt động liên quan.
Sắp tới, một sân khấu ngoài trời cũng được hình thành với quy mô 8.000 - 9.000 chỗ. Quy chế phối hợp với địa phương với cơ chế đưa đồng bào về sinh hoạt tại Làng văn hóa cũng được xây dựng góp phần tái hiện lại sinh hoạt văn hóa, cuộc sống của đồng bào dân tộc, đồng thời định hướng phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam.
TTXVN/ Tin Tức