Tới dự hội thảo “Các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và những cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Phước” diễn ra ở thủ đô Bangkok có Phó Chủ tịch phụ trách thương mại và xúc tiến đầu tư Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Veerachai Monsintorn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan Trần Thị Thanh Mỹ cùng khoảng 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh Bình Phước và Thái Lan.
Trong bài phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch FTI, ông Veerachai Monsintorn khẳng định Việt Nam tiếp tục là quốc gia thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại ASEAN. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 3 về tiếp nhận FDI trong các nước ASEAN, sau Singapore và Indonesia. Việt Nam là nước tiếp nhận FDI hàng đầu trong các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), chiếm tới 60% dòng chảy FDI vào khu vực này. Trong 5 tháng đầu năm nay, FDI ở Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm qua, đạt 16,74 tỷ USD.
Ông Veerachai nhận xét Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hỗ trợ và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài bằng việc áp dụng những ưu đãi về thương mại và thuế, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng tổng thể trong các vùng công nghiệp lớn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và logistics. Ngoài ra, Việt Nam còn có lực lượng lao động tương đối trẻ và có tay nghề, trong khi tiêu dùng nội địa đang tăng trưởng từng năm về quy mô và sức mua.
Với vị trí địa lý thuận lợi cùng mạng lưới giao thông đa dạng, tỉnh Bình Phước là một “cơ hội vàng” cho thương mại và đầu tư ở miền Nam Việt Nam. Đây là địa điểm hàng đầu trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Đông Nam Á và vươn ra thế giới. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước còn là trung tâm công nghiệp chính về dệt may, đồ da, giày dép, máy móc, thiết bị điện và điện tử, chế biến len, cùng các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện Mặt trời.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Huỳnh Anh Minh giới thiệu những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Bình Phước hiện có 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 1.200 ha; tỷ lệ lấp đầy khoảng 70% diện tích đất.
Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh sẽ có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha; có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (giáp Campuchia và giao thông thuận lợi để kết nối với Lào và Thái Lan) với tổng diện tích 28.364 ha, sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Huỳnh Minh Anh cho biết năm 2018, tỉnh Bình Phước đã thu hút 34 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 348,71 triệu USD, tăng hơn 54% số dự án và 232% số vốn so với năm trước.
Đánh giá cao thế mạnh của các doanh nghiệp Thái Lan về công nghệ, tài chính, mạng lưới thị trường quốc tế và kỹ năng quản trị kinh doanh, Phó Chủ tịch Huỳnh Minh Anh kêu gọi các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào những lĩnh vực mà tỉnh Bình Phước quan tâm như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản…; cam kết sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Thái Lan.
Trong khuôn khổ hội thảo, doanh nghiệp tỉnh Bình Phước và Thái Lan đã có các cuộc kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác và đầu tư.