Trong 179 dự án mời gọi đầu tư, TP Hồ Chí Minh là nơi có số lượng nhiều nhất, với 51 dự án; kế đến là tỉnh An Giang có 24 dự án; Bạc Liêu 20 dự án; cùng với đó là Kiên Giang; Sóc Trăng; Đồng Tháp; Cần Thơ; Bến Tre; Tiền Giang…
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết, việc mời gọi đầu tư từ những doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ giúp các tỉnh, thành phố phát huy được tiềm năng và thế mạnh sẵn có, đồng thời được hưởng chính sách ưu đãi, cũng như sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các địa phương, từ đó giúp doanh nghiệp có những chiến lược, kế hoạch trong hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí của TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.
Riêng TP Hồ Chí Minh, các dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và tiềm năng đang được thành phố tích cực mời gọi đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, như: Du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch đường thủy, du lịch sinh thái nông nghiệp và đặc biệt là du lịch hội nghị (MICE), hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí...
Còn 13 tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cũng cam kết chào đón và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến tìm hiểu các dự án về du lịch sinh thái, miệt vườn, văn hóa ẩm thực, du lịch tâm linh, hạ tầng giao thông đường bộ, hành không, đường thủy... tại địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết các tỉnh ĐBSCL mong muốn các nhà đầu tư sắp tới sẽ đầu tư vào các dự án về du lịch, văn hóa, giao thông, xã hội… tại các tỉnh để giúp khu vực ĐBSCL "cất cánh bay xa". Theo đó, các địa phương cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện thành công các dự án, cụ thể doanh nghiệp sẽ được hưởng các ưu đãi về thuê đất, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục hành chính nhanh nhất, giảm chi phí dịch vụ…. liên quan đến các dự án.