Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, chỉ trong tháng 11, các ngân hàng thương mại đã “bơm” ra thị trường khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng, tăng gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm tháng 8 - 9/2021.
Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 25/11, tăng trưởng tín dụng đạt 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này cho thấy tín dụng có sự phục hồi mạnh mẽ trong 2 tháng qua, khi cuối tháng 9/2021 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ ở mức 7,9% và cao hơn nhiều so với mức 8,4% trong 11 tháng năm 2020.
Theo SSI, tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng cho việc phục hồi sau đại dịch, cùng với sự cải thiện của số liệu vĩ mô tháng 11. Bên cạnh đó, góp phần cho dư nợ tín dụng tăng mạnh là gói hỗ trợ lãi suất tại Tp.Hồ Chí Minh được đẩy mạnh từ tháng 10 để hỗ trợ nền kinh tế.
“Nhìn chung, nền kinh tế dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13% và phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại gần đây từ Ngân hàng Nhà nước”, báo cáo của SSI nhận định.
Các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng, mục tiêu tín dụng 13% trong năm 2021 được hỗ trợ bởi việc nới chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021 cho các ngân hàng. Nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV đã giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Theo BSC, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và doanh nghiệp lớn là 2 nhóm khách hàng bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh bùng phát. Hiện 2 nhóm khách hàng này đóng góp khoảng 75 - 80% cơ cấu cho vay của toàn ngành ngân hàng. Riêng trong quý III/2021, trong khi tốc độ cho vay cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh, cho vay SME và doanh nghiệp lớn đều chậm lại do giãn cách kéo dài khiến gián đoạn sản xuất kinh doanh.
Do đó, các chuyên gia của BSC cho rằng, việc mở cửa trở lại toàn quốc từ đầu quý IV/2021 sẽ giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Trong năm 2022, BSC dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13%, được hỗ trợ bởi nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh; gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ít nhất đạt mức 12% cho cả năm 2021. Bởi, với việc bình thường hóa kể từ tháng 10 kết hợp với các gói hỗ trợ hiện tại của Chính phủ và lãi suất cho vay thấp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và vay mới phục vụ cho hoạt động của họ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2022 đạt mức từ 13-14%, được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất và thương mại phục hồi mạnh mẽ nhờ sự gia tăng của nhu cầu trong và ngoài nước; lãi suất cho vay thấp kích thích nhu cầu vay mua nhà và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn.