Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng phục hồi khi 'bình thường mới'

Việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp phòng chống dịch tăng cường kéo dài đã khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chậm lại trong quý III/2021.

Tuy nhiên, nhiều nhận định cho thấy tình hình này sẽ được cải thiện khi thành phố chuẩn bị bước vào giai đoạn bình thường mới.

Tín dụng chỉ tăng 0,76% trong quý III

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,41% so với cuối năm 2020.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Nếu tính riêng quý III/2021 tín dụng trên địa bàn thành phố chỉ tăng 0,76% so với quý 2/2021, thấp nhất so với các quý trong năm 2021. Trước đó, quý I/2021, tín dụng trên địa bàn ghi nhận tăng 2,42%, sang quý 2 tăng 3,1%.

Con số tăng trưởng tín dụng 6,41% này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành, khi số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 31/8, tín dụng của toàn hệ thống tăng tới 7,42%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, việc tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng chậm lại trong quý III là do đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, cộng thêm việc áp dụng giãn cách xã hội trong thời gian dài.

Trong quý III, tình hình dịch trên địa bàn diễn biến phức tạp nên liên tục phát sinh nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng báo cáo nội dung đóng cửa phòng giao dịch, tạm ngừng hoạt động do có liên quan đến các ca nghi nhiễm hoặc khu vực đặt trụ sở bị phong tỏa. Việc tổ chức hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hạn chế đi lại, hạn chế về số lượng giấy đi đường được cấp phát… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng và việc tiếp cận giải ngân các khoản cho vay mới.

Dù vậy, tình hình tín dụng vẫn có điểm tích cực, nhất là tín dụng trung, dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng dư nợ tín dụng. Tính đến cuối quý III/2021, tín dụng trung, dài hạn của các ngân hàng trên địa bàn chiếm khoảng 54% trong tổng dư nợ, tăng 8,52% so với cuối năm; tín dụng ngắn hạn chỉ chiếm khoảng 45% tổng dư nợ trên địa bàn, tăng 3,98%.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay theo các chương trình tín dụng như cho vay đối với doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp; cho vay nông nghiệp nông thôn…

Đáng chú ý, trong năm 2021, có 11 tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với gói tín dụng đăng ký cho vay hỗ trợ doanh nghiệp là 312.045 tỷ đồng. Tính đến tháng 9, gói tín dụng này đã giải ngân được 216.571 tỷ đồng cho 19.278 khách hàng với lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung - dài hạn.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo nội dung của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các Thông tư bổ sung sửa đổi Thông tư 01 như Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021 đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Kỳ vọng vào sự phục hồi

Với tình hình dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, cộng thêm kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được dự báo sẽ phục hồi trở lại trong quý IV.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, một số khu vực quận, huyện của TP Hồ Chí Minh đã kiểm soát được dịch và đang có lộ trình nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh như: Quận 7, huyện Cần giờ và Củ Chi. Xu hướng này sẽ mở rộng gắn với tình hình dịch bệnh được cải thiện và miễn dịch cộng đồng tốt hơn, khi tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của thành phố đã đạt trên 90%. Trong điều kiện đó, nhu cầu vốn sẽ tăng trở lại và hoạt động tín dụng gia tăng so với các tháng trước.

Mặt khác, sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ tăng trong 3 tháng cuối năm 2021. Đây sẽ là yếu tố động lực cho phục hồi kinh tế và kích thích nhu cầu tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng.

Chưa kể, chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực động lực cho tăng trưởng kinh tế như: xuất khẩu, chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp hỗ trợ… Đặc biệt, việc giảm lãi suất, giảm phí, cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN sẽ giúp doanh nghiệp vượt khó để phục hồi và tăng trưởng.

Do đó, trong những tháng cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ dựa vào chính sách phục hồi kinh tế của thành phố để triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh.

"Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các nội dung kế hoạch đã xây dựng. Trong đó, đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho khách hàng để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, theo dõi việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo nội dung Thông tư 14/2021/TT-NHNN", đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết.

Ngành ngân hàng thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện nắm bắt và tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp… nhằm đưa cơ chế chính sách vào thực tiễn cuộc sống.

Dưới góc độ của ngân hàng thương mại, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Hiện dư địa tín dụng ở các ngân hàng vẫn còn nhiều nên chỉ cần các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo quy định thì đều được ngân hàng xem xét cho vay.

Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng, tùy thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất. Một số ngân hàng, hạn mức tín dụng được cấp lên đến trên 17%. Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa cấp vốn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, diễn biến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Hiện hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền và chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong khi đó, việc giải ngân các khoản vay tín chấp còn phụ thuộc vào chính cho vay của mỗi ngân hàng. Do đó, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn nhiều khả năng khó bứt phá như những năm trước đó.

H.Chung (TTXVN)
Tín dụng chính sách hợp sức giảm nghèo ở Hoà Bình
Tín dụng chính sách hợp sức giảm nghèo ở Hoà Bình

Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hòa Bình chuyển tải an toàn về khắp địa bàn, tới tận các bản làng trong vùng sâu, vùng cao, dù gặp nhiều trở ngại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN