Tiền gửi cư dân tăng trưởng thấp
Đáng chú ý, vốn huy động của khối ngân hàng nhà nước (NHNN) đạt 872,12 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng vốn huy động, tương đương tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ; vốn huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đạt 1.599,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,8% tổng vốn huy động, tăng 1% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ; vốn huy động của khối ngân hàng nước ngoài, liên doanh đạt 557,56 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng vốn huy động, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 16,9% so với cùng kỳ.
Theo một số NHTM, sở dĩ tiền huy động giảm một phần do mặt bằng lãi suất giảm. Nhưng ở góc độ khác, do dịch COVID-19 kéo dài nên người dân cũng bị ảnh hưởng đến thu nhập và dòng tiền nhàn rỗi. Do đó, nhiều người dân phải dùng tiền tích luỹ để chi tiêu nên ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi tiết kiệm. Thậm chí, có nhiều người rút tiền để trang trải cuộc sống hoặc chuyển tiền vào đầu tư chứng khoán.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, vốn huy động của các ngân hàng hiện nay chậm hơn cho vay khá nhiều và đang có sự phân hóa, nơi tăng nơi giảm. Tuy nhiên, tiền gửi của các tổ chức vẫn tăn hơn so với tiền gửi của cư dân. Nguyên nhân do việc sử dụng tiền không hiệu quả bởi ba ngành chính của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và du lịch đều chịu tác động mạnh từ dịch COVID-19. Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 lĩnh vực này gần như ngưng trệ nên doanh nghiệp có tiền chỉ còn cách đem gửi ngân hàng lấy lời.
Nhiều ngân hàng kỳ vọng, nếu cuối tháng 9 dịch được khống chế, dòng tiền huy động sẽ không bị suy giảm đến quý 4, khả năng lãi suất huy động tiền đồng cũng sẽ tăng lên để giữ nguồn tiền là có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường vốn huy động trung dài hạn nhiều hơn, trong khi hầu hết các cá nhân gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Vì thế, có thể lãi suất huy động trung dài hạn tăng lên 0,5 - 1%/năm trong thời gian tới, tạo thành đường cong lãi suất đủ để hấp dẫn người có tiền gửi.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng khó có thể xảy ra do việc tăng lãi suất huy động có thể dẫn đến chi phí huy động tăng, điều này có thể đi ngược lại chủ trương đang giảm lãi suất cho vay hiện nay. Trong bối cảnh hiện nay, nếu lãi suất huy động có thực âm, người gửi tiền cũng chấp nhận vì trong thời điểm giãn cách xã hội, tiền thực tế cũng không biết chảy đi đâu. Do đó, tình hình lãi suất huy động thấp dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Điểm sáng tín dụng tại các KCN-KCX
Bên cạnh tiền gửi huy động thấp, tăng trưởng tín dụng cũng không mấy lạc quan. Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tính đến ngày 1/8/2021 đạt 2.681,49 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, dư nợ tín dụng của khối ngân hàng nhà nước đạt 797,85 nghìn tỷ, chiếm 29,8% tổng dư nợ toàn hệ thống, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng của khối ngân hàng cổ phần đạt 1.452,15 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng của khối ngân hàng nước ngoài, liên doanh đạt 431,49 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, điểm sáng của tín dụng ở TP Hồ Chí Minh chính là tuy tăng trưởng không cao, nhưng riêng tín dụng trong khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) có mức tăng 11,7% (so với cuối năm 2020), cao gấp đôi so với mức tăng bình quân chung trên địa bàn.
Theo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp trong các KCN-KCX TP Hồ Chí Minh đang vay vốn với các ngân hàng. Dư nợ tín dụng tại các KCN-KCX gắn liền với hoạt động của các ngân hàng ngoại ở Việt Nam. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng ngoại vẫn ổn định ở mức 5,35%. Riêng tháng 7/2021, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng ngoại ở TP Hồ Chí Minh lên đến 2,2%, cao nhất so với các nhóm NHTM khác và cũng cao hơn mức tăng tín dụng chung trên địa bàn.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, dịch bệnh làm tín dụng chung tăng trưởng chậm lại do sức cầu của nền kinh tế yếu khiến nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp nội địa giảm theo. Tuy nhiên tín dụng trong KCN-KCX của khối ngân hàng ngoại vẫn tăng trưởng ổn định. Điều này cho thấy, mặc dù cũng chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19, song trong những tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sản xuất để đảm bảo tiến độ giao hàng cho bạn hàng quốc tế. Nhờ đó, doanh nghiệp vẫn duy trì được dòng tiền và hiệu quả hoạt động, tác động hiệu quả đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong KCN-KCX, đóng góp hiệu quả vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm, qua đó góp phần tích cực vào bức tranh xuất nhập khẩu chung của thành phố.
Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 4% và nhập khẩu giảm 2,8%. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có kim ngạch xuất khẩu tăng 12,6% và nhập khẩu tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Các hiệp hội ngành hàng cũng cho biết, từ tháng 8/2021 các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải thực hiện yêu cầu “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến” để phòng chống dịch. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như thiết bị khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế cho chống dịch… vẫn đang phải chạy đua với tiến độ để giao hàng cho các nhà nhập khẩu quốc tế. Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhập khẩu như thịt gia súc, gia cầm… thời gian qua cũng được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chế biến để đáp ứng cho nhu cầu của thành phố.